Đối thoại

Tăng cường hiệu quả bổ trợ tư pháp là đòn bẩy kinh tế

Việc thi hành án dân sự có ý nghĩa sống còn đối với niềm tin của công chúng đối với ngành tư pháp và qua đó, là động lực không thể thiếu cho sự phát triển kinh tế.

Trong khuôn khổ Dự án Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam (Dự án EU JULE), Bộ Tư pháp đã tổ chức Phiên thảo luận “Tăng cường hiệu quả công tác bổ trợ tư pháp đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp tại Việt Nam”.

Phiên thảo luận có sự tham gia và đồng chủ trì của bà Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; ông Giorgio Aliberti, Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam; bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam.

Bổ trợ tư pháp là lĩnh vực có vị trí quan trọng, góp phần vào việc bảo đảm công lý, quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân theo tinh thần của Hiến pháp 2013.

Tăng cường hiệu quả cung cấp dịch vụ bổ trợ tư pháp là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 nhằm xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh.

Trong các dịch vụ bổ trợ tư pháp, công chứng - hoạt động được thực hiện theo ủy nhiệm của Nhà nước - đã góp phần nâng cao tính an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ quyền lợi chính đáng của cá nhân, tổ chức, trong đó có các nhóm yếu thế trong xã hội như phụ nữ, trẻ em…

Trọng tài và hòa giải thương mại - các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (ADR) do các bên thỏa thuận để giải quyết tranh chấp - có nhiều ưu thế so với thủ tục tòa án truyền thống với việc tiết kiệm về chi phí và thời gian.

Tại Phiên thảo luận này, ngoài những chia sẻ của các đại biểu về kết quả, những khó khăn, thách thức trong việc cung cấp các dịch vụ bổ trợ tư pháp, những ý kiến đóng góp, đề xuất, kiến nghị cũng như sự hợp tác của các cơ quan, tổ chức quốc tế sẽ hữu ích cho các cơ quan của Việt Nam trong hoạch định và thực thi các chính sách về phát triển và nâng cao hiệu quả các dịch vụ công chứng, trọng tài, hòa giải thương mại nói riêng và bổ trợ tư pháp nói chung trong thời gian tới.

Phát biểu khai mạc Phiên thảo luận, bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hiệu quả công tác bổ trợ tư pháp nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp tại Việt Nam, đảm bảo công lý và công bằng trong xã hội thông qua thi hành án dân sự.

Theo bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, các giải pháp thực thi tốt hơn các bản án dân sự sẽ là đòn bẩy giúp Việt Nam đạt mục tiêu trở thành nước có thu nhập trên trung bình vào năm 2030 và cuối cùng là nước có thu nhập cao vào năm 2045.

“Các giải pháp để thực thi các quyết định của tòa án yêu cầu một cách tiếp cận dựa trên quyền con người. Thi hành án hiệu quả là điều cần thiết để có quyền được khắc phục thỏa đáng và quyền tiếp cận công lý - 2 trong số các quyền cơ bản của con người được bảo vệ bởi Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam đã phê chuẩn”, bà Wiesen cho biết.

Theo bà, việc thi hành án dân sự có ý nghĩa sống còn đối với niềm tin của công chúng đối với ngành tư pháp và qua đó, là động lực không thể thiếu cho sự phát triển kinh tế. “Khi mọi người tin rằng họ có thể thực thi các điều khoản của hợp đồng một cách hiệu quả và kịp thời, họ có nhiều khả năng tham gia vào các doanh nghiệp thương mại hơn”.

Nguyên tắc này đặc biệt đúng đối với các giao dịch quốc tế, bà khẳng định. Các nhà đầu tư quốc tế sẽ có nhiều khả năng tham gia thương mại với Việt Nam hơn khi họ tin tưởng rằng các điều khoản trọng tài trong hợp đồng của họ sẽ có hiệu lực thi hành nếu họ phát hiện ra mình đang có tranh chấp.

“Những nỗ lực cải cách hiện tại của Việt Nam nhằm cập nhật và cải thiện khuôn khổ pháp lý hiện hành về thu thập thông tin về các bản án là một bước quan trọng hướng tới cải cách nền tư pháp, giúp tăng đáng kể niềm tin của công chúng”, đại diện của UNDP Việt Nam cho biết. “Năng lực hiện thực hóa quyết định của tòa án là một bài kiểm tra chứng minh (hoặc bác bỏ) rằng hệ thống tư pháp có khả năng xét xử và giải quyết các tranh chấp hợp đồng và tiền tệ một cách công bằng và khách quan”.

Theo bà Wiesen, khi Việt Nam nỗ lực trở thành nước có thu nhập trên trung bình vào năm 2030 và cuối cùng là nước có thu nhập cao vào năm 2045, các giải pháp thực thi tốt hơn các bản án dân sự sẽ là đòn bẩy để đạt được tham vọng này, từ đó cải thiện đời sống của người dân Việt Nam.

Dự án Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam (Dự án EU JULE) do Liên minh châu Âu (EU), Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) và Quỹ Nhi đồng của Liên hợp quốc (UNICEF) đồng tài trợ.