An ninh - Hình sự

TAND Tối cao nói gì về bản án tử hình của nam sinh giết người tình?

Theo TAND Tối cao, bản án tử hình của Trần Nhật Duy là đúng pháp luật vì tính chất nguy hiểm và hậu quả nghiêm trọng mà bị cáo gây ra.

Sáng 1/7, TAND Tối cao đã gửi thông báo giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm của luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Nhật Duy (SN 1994, trú tại Tiền Giang) trong vụ án giết, phân xác người tình đồng tính ở TP.HCM. Được biết trước đó, luật sư bào chữa cho bị cáo có đơn gửi cho TAND Tối cao vì cho rằng TAND cấp cao tại TP.HCM đã xử và tuyên án tử hình bị cáo Duy là quá nặng.

Tình tay ba ngang trái

Theo hồ sơ cáo trạng, năm 2011, Duy (lúc này học lớp 11) có quan hệ đồng tính với anh V.A.T (31 tuổi). Hai năm sau, Duy lên TP.HCM thuê trọ để học đại học và anh T. chuyển đến ở cùng Duy. Quá trình chung sống, biết Duy yêu Đặng Gia Linh (SN 1992, tại Tiền Giang) nên T. ghen tuông và thường đánh đập, cấm không cho Duy qua lại với bạn gái.

Bức xúc, Duy nảy sinh ý định giết chết người tình. Tháng 2/2014, Duy lên mạng tìm mua 200g chất độc Kali-Xyanua. Trung tuần tháng 5/2014, Duy lén bỏ chất độc vào tô mì tôm rồi đưa cho anh Tuấn ăn nhưng ngay sau đó do khó chịu nên anh T. ói ra. Tối ngày 19/5/2014, anh T. kêu đau đầu và nhờ Duy lấy thuốc uống.

Lợi dụng người tình không để ý, Duy tháo 2 viên con nhộng, đổ hết thuốc ra, nhét chất độc vào rồi đưa cho anh T., một lúc sau nạn nhân tử vong.

Sáng hôm sau Duy vẫn đi học bình thường và nghĩ cách phi tang xác người tình. Sau khi lấy điện thoại, xe máy của nạn nhân bán được 10 triệu đồng. Duy dùng một phần tiền mua cưa máy, còn lại đưa cho Linh.

Tại phòng trọ, Duy dùng cưa máy phân thi thể anh T. thành nhiều phần rồi đi vứt ở đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng), đèo Tà Pứa (Bình Thuận), phà Mỹ Lợi (Tiền Giang). Còn Linh lau dọn phòng và cùng Duy đi phi tang xác.

Bốn ngày sau, người dân ngửi được mùi hôi thối nồng nặc từ phòng trọ của Duy nên báo cơ quan chức năng. Phá cửa kiểm tra, công an phát hiện thi thể người đã bị cắt đầu và tứ chi, còn phần thân phân hủy nặng.

Biến đổi nhân cách sau gây án?

Ngày 24/5/2014, Duy và Linh bị công an bắt giữ khi đang trên đường về nhà ở thị xã Gò Công (Tiền Giang).

Tháng 10/2016, Tòa phúc thẩm đã đưa vụ án ra xử, trong lúc Tòa làm thủ tục, Duy cho rằng mình bị "loạn thần" và không trả lời HĐXX. Luật sư bào chữa cho Duy đề nghị hoãn tòa vì sức khỏe bị cáo không tốt.

Trần Nhật Duy và Đặng Gia Linh tại phiên tòa xét xử 

HĐXX ban đầu cho rằng không nhận được giấy tờ của trại giam về tình hình sức khỏe của bị cáo. Tuy nhiên sau đó đã hoãn phiên tòa vì nhận thấy tại tòa, bị cáo Duy có biểu hiện không bình thường.

Sau đó, kết quả giám định của Viện Pháp y Trung ương xác định Trần Nhật Duy bị “rối loạn stress, không có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi”.

Đại diện hợp pháp của bị hại V.A.T cũng có đơn yêu cầu giám định lại tâm thần cho bị cáo Nhật vì cho rằng kết quả giám định của Viện pháp y Tâm thần trung ương Biên Hòa không khách quan, không đúng với bản chất sự thật.

Đại diện VKSND Cấp cao tại TP.HCM đã đồng ý với yêu cầu giám định độc lập, yêu cầu cấp cao hơn giám định để đảm bảo vụ án được xét xử một cách khách quan.

Sau khi xem xét, HĐXX đã quyết định hoãn tòa để giám định lại tâm thần đối với bị cáo Duy.

Tại phiên phúc thẩm 1/2020, HĐXX nhận thấy, hành vi của bị cáo là hết sức dã man, tước đi sinh mạng của người khác. Việc bị cáo bị tâm thần xảy ra sau khi gây án nên không có cơ sở để xem xét giảm án. Vì vậy, HĐXX đã chấp nhận kháng nghị, tăng án từ tù chung thân lên tử hình đối với bị cáo Duy; tăng án từ 2 năm lên 5 năm tù đối với bị cáo Linh.

Ngay sau đó, luật sư của Trần Nhật Duy gửi đơn đề nghị TAND Tối cao xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm vụ án giết người trên. Luật sư cho rằng hình phạt tử hình đối với bị cáo Trần Nhật Duy là quá nặng; việc tòa phúc thẩm tăng hình phạt đối với bị cáo Đặng Gia Linh là không đúng.

TAND Tối cao nhận định hành vi giết người do Trần Nhật Duy gây ra thuộc trường hợp có mức phạt tù từ 12-10 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Cơ quan xét xử ghi nhận bị cáo thành khẩn, hối cải; nhân thân tốt. Gia đình bị cáo tự nguyện bồi thường, có nhiều đóng góp ở cộng đồng. Ngoài ra, bị cáo biến đổi nhân cách sau khi gây án (theo kết luận giám định pháp y tâm thần).

Tuy nhiên, bị cáo Duy hoàn toàn bình thường trước, trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội. Với tính chất nguy hiểm và hậu quả nghiêm trọng do Duy gây ra, việc tòa phúc thẩm xử phạt bị cáo mức án tử hình hoàn toàn đúng pháp luật.

Đối với bị cáo Đặng Gia Linh, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao hủy bản án phúc thẩm, giữ nguyên bản án sơ thẩm 2 năm tù giam do có kháng nghị từ Chánh án TAND Tối cao.

Han (t/h từ Người Lao Động, Vietnamnet)