Dân sinh

"Tàn nhưng không phế", người thương binh trở thành tỉ phú nhờ nuôi rắn hổ mang

"Tàn nhưng không phế" – Đó là câu nói luôn xuất hiện trong đầu của thương binh Hà Văn Giảng ( Vĩnh Sơn, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), trở về sau cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc với chấn thương nặng ở đùi và hông. Ông dặn lòng phải vươn lên làm kinh tế để thoát nghèo, nuôi các con học hành đến nơi đến chốn.

Trong căn biệt thự hai tầng khang trang rộng hơn 300 m2 sử dụng xây năm 2009 với mức đầu tư khi đó là 1,3 tỷ đồng, thương binh Hà Văn Giảng cho biết số tiền xây biệt thự hoàn toàn bằng nguồn nuôi và bao tiêu rắn hổ mang. Ông bắt đầu bộc bạch lai lịch và những gian truân của đời mình. 

Thương binh Hà Văn Giảng sinh năm 1958. Năm 1977, ông tòng quân, làm lính Sư đoàn 345 đóng quân bảo vệ biên giới phía Bắc. Trong trận kịch chiến bảo vệ biên giới tại Mường Khương (Lào Cai) ngày 21/2/1979, cựu chiến binh Hà Văn Giảng đã bị thương vào đùi và hông, đến nay vẫn còn mảnh đạn trong người chưa mổ gắp ra được. Những khi trái gió trở trời vẫn đau nhức. 

Rời quân ngũ về quê tháng 11/1980, Hà Văn Giảng được xếp thương binh hạng 3/4. Ông cùng vợ bươn chải nuôi 6 đứa con, trong đó 4 con gái đầu và 2 con trai sinh đôi đều đang học đại học. Chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng thì không thể đủ sống, từ năm 1993, thương binh Hà Văn Giảng đã chuyển sang nghề nuôi rắn thương phẩm. Giống rắn ông chọn nuôi là hổ mang. 

Thương binh Hà Văn Giảng hiện nuôi gần 1000 con rắn hổ mang tại 7 tầng bê tông trong khuôn viên nhà 60 m2 ngay cạnh biệt thự hai tầng. Thị trường tiêu thụ rắn hổ mang là Trung Quốc với 2 loại sản phẩm là trứng rắn và bán sống cả con. 

Ông Giảng cho biết năm 2018 bán được giá cao 80.000đ/quả trứng rắn hổ mang, còn bán rắn hổ mang sống loại từ 1,8 đến 3 kg/con thì 500.000đ/kg. Sang năm 2019 này, trứng rắn hổ mang hạ xuống 50.000đ/quả; giá rắn hổ mang sống vẫn 500.000đ/kg. Gia đình ông mấy năm gần đây chuyển sang nuôi rắn hổ mang sinh sản, chủ yếu bán trứng giống. Một con rắn hổ mang cái đẻ một năm một ổ bình quân 20 trứng.

Bên cạnh bán trứng rắn giống, thương binh Hà Văn Giảng còn bao tiêu sản phẩm bằng cách gom trứng và rắn hổ mang thịt của các hộ nuôi để xuất khẩu. Vợ thương binh Hà Văn Giảng là bà Lê Thị Hiền trực tiếp đi giao dịch bán sản phẩm rắn cho thương lái Trung Quốc tại các cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) và Lào Cai. 

Để có đủ nguồn trứng và rắn cung ứng cho khách hàng, thương binh Hà Văn Quảng đã hỗ trợ, hướng dẫn phát triển nuôi rắn sang các xã Đại Đồng, Tân Tiến, Yên Lập (Vĩnh Tường), một số xã ở các huyện Lập Thạch, Sông Lô và sang cả xã Tứ Xã (Lâm Thao – Phú Thọ), tạo thành những xã vệ tinh cung cấp trứng và rắn hổ mang thương phẩm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Nhờ có nghề nuôi và biết bao tiêu thương phẩm rắn hổ mang, vợ chồng thương binh Hà Văn Quảng trở nên giàu có, xây dựng nhà cửa khang trang, nuôi đàn con ăn học, trưởng thành.

Nghề đi bắt rắn hoang dã và nuôi rắn ở Vĩnh Sơn đã có từ lâu đời. Nuôi rắn trong chuồng vườn nhà ở Vĩnh Sơn vốn đầu tư không lớn nhưng hiệu quả kinh tế cao, vì chuồng nuôi rắn xây bằng gạch, thức ăn cho rắn là cóc, ếch, nhái bắt ở ngoài đồng và gà con. 

Ở Vĩnh Sơn đã có chợ bán thức ăn cho các hộ nuôi rắn. Còn rắn con mua ở trong làng cũng không đắt, nên Vĩnh Sơn đã có hơn 800 hộ nuôi rắn, chiếm hơn  60% số hộ trong xã, trong đó có 5 hộ bao tiêu rắn thương phẩm. 

Cùng với bán rắn thịt, người nuôi rắn Vĩnh Sơn chưa chế biến các món ăn đặc sản từ rắn như ở Lệ Mật (quận Long Biên - Hà Nội) nhưng cũng đã chế biến ra cao rắn, những loại rượu tam xà, ngũ xà với nhiều vị thuốc bổ phục vụ cho những khách hàng uống rượu rắn vừa thơm ngon, vừa tăng cường được thể lực và chữa được bệnh đau lưng, thấp khớp. 

Nghề nuôi rắn không những góp phần phá thế sản xuất thuần nông ở Vĩnh Sơn mà còn giúp nhiều hộ nông dân ở đây giàu lên từ nuôi rắn. Các hộ nuôi rắn ở Vĩnh Sơn có nguồn thu cũng đạt từ 100 triệu đến 200 triệu đồng/năm trở lên.

Với cách nuôi như hiện nay phải mất hai năm mới được một lứa rắn xuất khẩu.

Rắn ở Vĩnh Sơn đã được Chi cục Kiểm lâm Vĩnh Phúc cấp giấy chứng nhận là rắn nuôi, chứ không phải là rắn hoang dã. Đó là một thuận lợi cho nghề nuôi rắn Vĩnh Sơn, song hiện nay xuất khẩu vẫn là tiểu ngạch chứ chưa phải là chính ngạch và thị trường tiêu thụ rắn nhiều lúc cũng không được thuận buồm xuôi gió. 

Điều đáng lưu ý, nghề nuôi rắn ở Vĩnh Sơn cũng lãi nhanh nhưng đây là một nghề nguy hiểm. Nếu bị rắn hổ mang cắn mà không chữa chạy kịp thời sẽ bị tử vong hoặc vết thương bị hoại tử, còn rắn cạp nong, cạp nia cắn thì dễ chữa hơn. Nếu bị rắn độc cắn thì thuốc nam không thể chữa khỏi, mà phải đi cấp cứu ngay, chữa trị bằng Tây y.

Thương binh Hà Văn Giảng và các hộ làng nghề nuôi rắn ở Vĩnh Sơn đang đề nghị với các cấp có thẩm quyền từ xã đến huyện, tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm giúp đỡ xây dựng thương hiệu, quảng bá, đăng ký sản phẩm làng nghề nuôi rắn, tiêu thụ sản phẩm rắn bằng con đường chính ngạch thay cho tiểu ngạch để khắc phục rủi ro trong giao thương qua biên giới. Đồng thời giúp hình thành tuyến, điểm du lịch làng nghề nuôi rắn Vĩnh Sơn thu hút du khách gần xa để vừa phát triển dịch vụ, vừa giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm từ rắn, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập làng nghề.