Xã hội

Tận mắt xem người Thái làm cốm Tú Lệ nức tiếng xa gần

Cốm Tú Lệ là đặc sản của đồng bào Thái ở xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái mang hương thơm, dẻo, màu xanh đậm đặc trưng mà không thể lẫn với loại cốm nào.

Vào khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10, lúa bắt đầu chín vàng trên những thửa ruộng bậc thang ở xã Tú Lệ (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) người dân bắt đầu công tác thu hoạch để làm cốm. Đối với người dân xa gần, cốm Tú Lệ đã trở thành đặc sản được mệnh danh là "tinh hoa ẩm thực" của vùng đất này.

Các bông lúa được tuyển chọn kỹ càng, khi lúa khum ngọn, còn nguyên hương sữa thì cũng là lúc người dân Tú Lệ gặt đem về để làm cốm. Người dân tộc Thái ở Yên Bái vẫn làm cốm theo cách truyền thống. Lúa được gặt vào sáng sớm, sau đó đem về ngâm trong nước lạnh để loại bỏ những hạt lép. Lúa làm cốm phải đang trong thời kỳ uốn câu, đầu hạt vẫn còn chút sữa, vỏ hơi lam vàng và hạt gạo chưa chín hết.

Bếp lò để rang thóc được đắp bằng xỉ than. Bà con nơi đây không đốt than mà dùng củi. 

Chảo rang bằng gang đúc, nhờ thế mà từng hạt cốm khi rang xong sẽ không bị cháy mà mềm dẻo, thơm ngon.

Để làm ra những hạt cốm còn giữ nguyên được hương vị đậm đà, thơm dịu đầy sức quyến rũ mang nét đặc trưng của vùng cao Yên Bái, bà con người dân tộc Thái dành nhiều thời gian, công sức, kỹ thuật để có thể tạo ra những mẻ cốm thơm, dẻo.

Công đoạn giã cốm được thực hiện đồng thời bởi hai người. Một người nhịp chày, một người dùng đũa cả lớn đảo liên tiếp. Người giã phải nhịp đều chân, không được dùng lực quá mạnh hoặc quá nhẹ, người đảo phải phối hợp nhịp nhàng để cốm được giã đều.

Khi trấu đã nứt vỏ khỏi lúa, cốm sẽ được múc ra khỏi cối để sảy vỏ. 

Công đoạn này được lặp đi lặp lại cho đến khi hạt cốm dẹt đều, tròn và không còn vỏ trấu.

Cốm Tú Lệ có màu xanh ngắt đặc trưng của lúa. Cốm ngon nhất khi ăn lúc mới làm xong. Hạt mềm, dẻo, thơm và hậu vị có một chút đắng sau đó chuyển sang vị thanh và hơi ngọt. 

Cốm được đóng gói, hút chân không bảo quản cẩn thận cho các chuyến đi xa.

Trung bình mỗi ngày, các gia đình ở bản Nà Lóng làm được khoảng 20kg cốm với giá bán 100.000 đồng/kg. Đây đã trở thành một nguồn thu nhập chính trong vụ mùa, giúp cuộc sống của người dân nơi đây được cải thiện hơn.

Cốm thường được ăn với hồng đỏ, chuối hoặc nấu cháo vịt, xôi, chè và làm các món mặn như chả cốm, nem rán....