Tiêu điểm

Tận dụng ưu đãi thuế quan cho doanh nghiệp trong Hiệp định thương mại

Theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu, cần phân biệt rõ ràng quy tắc xuất xứ hàng hoá đối với từng thị trường, tận dụng ưu đãi thuế quan của mỗi Hiệp định thương mại.

Ngày 16/11, trong khuôn khổ Hội nghị “Tận dụng cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) để thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh hậu Covid-19” do Bộ Công Thương chủ trì, bà Trịnh Thị Thu Hiền - Trưởng phòng Phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu đã có phần trình bày nội dung liên quan tới thực thi xuất xứ hàng hóa.

Qua đó, đưa đến nhận thức đúng hơn cho doanh nghiệp và truyền thông về vấn đề này, qua đó giúp nâng cao khả năng nhận được ưu đãi thuế quan của các mặt hàng Việt Nam tại thị trường Châu Âu.

Bà Trịnh Thị Thu Hiền - Trưởng phòng Phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu

Vẫn còn những đánh đồng về quy tắc xuất xứ

Theo bà Trịnh Thị Thu Hiền, xuất xứ hàng hóa là nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ - nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa đó.

Xuất xứ hàng hoá gắn liền với nơi làm ra phần trị giá, làm ra phần biến đổi về bản chất của hàng hoá. Để xác định nơi đó, tại các Hiệp định thương mại tự do, các nhà đàm phán cùng thống nhất với nhau về Bộ quy tắc xuất xứ tuy theo từng hiệp định.

Đặc biệt nhấn mạnh, quy tắc xuất xứ này có khái niệm khác với việc ghi nhãn xuất xứ như “Made in Vietnam", “Product of Vietnam", đồng thời cũng không trùng và liên quan nhiều đến việc truy xuất nguồn gốc, hoặc vấn đề thương hiệu.

Tại FTA, khi đáp ứng được các quy tắc xuất xứ thì mặt hàng xuất khẩu sẽ nhận được những thuế quan ưu đãi. Ví dụ như mặt hàng bàn chải đánh răng, Việt nam đang xuất khẩu sang các nước EU, nếu không có giấy chứng nhận xuất xứ là hàng hoá Việt Nam trong khuôn khổ EVFTA thì mặt hàng này khi nhập khẩu và EU sẽ có mức thuế MFN 3,7%, nhưng có giấy chứng nhận xuất xứ là 0%. Ngoài ra, có những mặt hàng mức thuế MFN có thể lên tới 40% nếu không có giấy chứng nhận xuất xứ.

Trước Hiệp định EVFTA, mặt hàng bàn chải của Việt Nam có thuế nhập khẩu EU là 3,7%, sau EVFTA mức thuế là 0%.

Như vậy Quy tắc xuất xứ là bộ quy tắc nhằm đảm bảo hàng hóa có đúng là đến từ khối thương mại tự do đó hay không, và khi hàng hóa chứng nhận được xuất xứ sẽ được cấp giấy gọi là C/O để hưởng những thuế quan ưu đãi/ không ưu đãi khi nhập khẩu vào nước đối tác FTA.

Mặt khác, bà Hiền khuyến cáo, cần có sự phân biệt rõ ràng giữa tỉ lệ tận dụng FTA; tỉ lệ sử dụng C/O và tỉ lệ cấp C/O ưu đãi, bởi trước nay rất nhiều bài báo, tài liệu nghiên cứu từ trong đến ngoài nước đang đánh đồng việc tỉ lệ cấp C/O bao nhiêu cũng chính là tỉ lệ tận dụng FTA.

Quy tắc xuất xứ thay đổi với từng thị trường

Hiện nay, ở Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới, quy tắc xuất xứ có thể để xác định hàng hoá đến từ một khối nước, một nhóm nước ví dụ như quy tắc xuất xứ trong khuôn khổ ASEAN, EVFTA hay trong khuôn khổ CTPTPP. 

Nhưng ngược lại, cũng có những quy tắc xuất xứ đối với hàng hoá đến từ một nước, như hàng hóa có xuất xứ Việt Nam trong khuôn khổ WTO.

Bà Trịnh Thị Thu Hiền dẫn chứng, với hàng dệt may trong khuôn khổ Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN, khi xuất khẩu sang Singapore thì quy tắc xuất xứ chỉ cần là vải. Nghĩa là vải được nhập khẩu từ các nước khác, ngoài khu vực ASEAN, sau đó công đoạn cắt may được thực hiện tại Việt Nam thì hàng hóa đó được coi là có xuất xứ từ Việt Nam.

Tuy nhiên, cùng lô hàng đó, nếu xuất khẩu đi EU thì chưa chắc đã được coi là đáp ứng xuất xứ, bởi quy tắc xuất xứ trong khuôn khổ Hiệp định EVFTA là từ vải trở đi. Có nghĩa là công đoạn dệt vải, công đoạn cắt may phải được thực hiện tại các nước thành viên trong Hiệp định. Đây là quy tắc xuất xứ hai công đoạn.

Cùng một lô hàng may mặc của một nhà sản xuất, ở các thị trường khác nhau lại có quy tắc xuất xứ khác nhau ứng với mỗi loại Hiệp định thương mại

Cũng vẫn lô hàng trên, nếu xuất khẩu sang Canada theo Hiệp định CPTPP thì quy tắc xuất xứ lại chặt còn chặt chẽ hơn nhiều từ sợi trở đi. Đây là quy tắc xuất xứ ba công đoạn: công đoạn xe sợi, dệt vải và cắt may đều đồng thời được thực hiện tại các nước thành viên của Hiệp định.

Do vậy, bà Trịnh Thị Thu Hiền cho rằng, các doanh nghiệp, các nhà máy sản xuất phải tìm hiểu thật kỹ quy định xuất xứ hàng hóa của từng thị trường xuất khẩu, theo từng cam kết để có thể đáp ứng, tận dụng được ưu đãi thuế quan.

Vậy doanh nghiệp cần xác định quy tắc xuất xứ theo khung chuẩn nào?

Văn bản cao nhất liên quan đến Quy định xuất xứ hàng hoá đó là Luật Quản lý ngoại thương, sau đó hướng dẫn Luật này có Nghị định số 31, tiếp theo có Thông tư số 05 và các Thông tư khác hướng dẫn các FTA.

Nếu như tra cứu các thông tin liên quan đến xuất xứ hàng hoá thì chúng ta sẽ rất có rất nhiều văn bản, bởi với mỗi Hiệp định, mỗi một FTA thì sẽ có ít nhất một thông tư tương ứng để hướng dẫn về việc thực hiện quy tắc xuất xứ trong Hiệp định đó, cứ 5 năm mã HS của Hải quan thay đổi một lần và cứ 5 năm Thông tư sẽ lại được cập nhật, nâng cấp, thay đổi.

Vậy nên hàng hoá đi thị trường nào, chúng ta sẽ tra cứu Thông tư của hướng dẫn thực hiện tương ứng.

Quy tắc xuất xứ cần để ý tới 4 vấn đề: Cách xác định xuất xứ, các quy định liên quan đến xuất xứ, cơ chế chứng nhận xuất xứ, cơ chế xác minh xuất xứ.

Đây là 4 vấn đề xuyên suốt hầu như Hiệp định thương mại tự do nào cũng sẽ theo khung này, tuy nhiên tùy từng Hiệp định thương mại tự do sẽ có những chi tiết khác nhau trong bối cảnh đàm phán và cam kết khác nhau.