Sự kiện

Tận dụng tốt các Hiệp định thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu cá tra

Việc nhiều dòng thuế được cắt giảm nhờ các Hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương là cơ hội tốt để cá tra Việt Nam đạt mục tiêu xuất khẩu 1,8 tỷ USD.

Sáng 25/02, Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển ngành hàng cá tra năm 2022 đã được Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức.

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy sản - ông Trần Đình Luân biểu dương những thành công và sự cố gắng của các doanh nghiệp, người dân hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng và xuất khẩu ngành hàng cá tra trong năm 2021, đồng thời nhấn mạnh, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 là ổn định sản xuất, tăng cường xây dựng chuỗi liên kết hợp tác giữa các cơ sở nuôi trồng nhỏ lẻ, giữa doanh nghiệp và HTX, nông hộ. Nâng cao chất lượng giống, tiếp tục triển khai đề án giống cá tra ba cấp chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy sản Trần Đình Luân

Mặt khác, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cần chủ động trong công tác tìm kiếm, mở rộng và đa dạng thị trường xuất khẩu. Việc nhiều dòng thuế được cắt giảm do các Hiệp định thương mại tự do như EVFTA; CPTPP; RCEP đem lại sẽ là cơ hội tốt để cá tra Việt Nam gia nhập thị trường EU, đưa mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,8 tỷ USD trong năm 2022 hiện thực hóa.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, năm 2022 ngành cá tra cần có nhiều giải pháp mang tính đột phá về quản lý sản xuất và chất lượng, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để góp phần vào thành công chung của ngành thủy sản.

Năm 2021, bất chấp những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 đem lại, cá tra Việt Nam đã có cú lội ngược dòng ngoạn mục khi cán đích xuất khẩu đạt 1,62 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2020. Sản lượng toàn ngành đạt 1,52 triệu tấn, tăng 1,63% so với cùng kỳ năm trước.