Tiêu dùng & Dư luận

Tân binh GoViet "đại chiến" gã khổng lồ Grab: Khách hàng nên cẩn trọng

Trước sự cạnh tranh khốc liệt giữa hai hãng đặt xe công nghệ, khách hàng bối rối khi đặt xe "tân binh" GoViet nhưng tài xế đến đón lại của "gã khổng lồ" Grab. Sự việc tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn và vi phạm luật Cạnh tranh.

Lôi kéo tài xế?

Thường xuyên sử dụng các dịch vụ xe công nghệ, anh Nguyễn Vũ Tuấn Anh (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) kể: “Vừa qua, tôi đặt một cuốc xe ôm công nghệ của GoViet để đi từ đường Sương Nguyệt Ánh (quận 1) đến đường Đinh Tiên Hoàng (quận Bình Thạnh). Tuy nhiên, tài xế đến đón tôi lại mặc đồ của Grab. Thấy nghi ngờ nên tôi truy hỏi, người tài xế này không trả lời và cho biết nếu tôi không thích thì hủy chuyến. Vì thế, tôi hủy và đặt cuốc xe khác".

"Tôi cho rằng đây là sự cạnh tranh không lành mạnh giữa 2 hãng, dễ gây nhầm lẫn cho khách hàng. Nếu chẳng may trên đường đi gặp sự cố thì khách hàng phải truy cứu trách nhiệm của hãng nào?", anh Tuấn Anh đặt câu hỏi.

Sự cạnh tranh giữa các hãng xe công nghệ đang khiến khách hàng bối rối.

Tương tự, đi thực tế tìm hiểu, trao đổi với PV, tài xế Cao N.T. cho biết GoViet đồng ý để các tài xế được sử dụng 2 ứng dụng, cùng chạy xe cho cả GoViet và Grab.

“Nhưng Grab thì không cho nên các tài xế phải xài 2 điện thoại để tránh bị phát hiện. Nếu khách hàng phản ánh, các tài xế đó sẽ bị khóa tài khoản”, anh Ngọc Tâm cho hay.

Người này còn cho biết thêm, sau một thời gian ưu đãi chiết khấu theo cuốc cho tài xế (chiết khấu 0% trong 6 tháng đầu - PV), hãng GoViet đã yêu cầu tăng số lượng cuốc xe trong ngày, tài xế mới nhận được phụ cấp. Vì thế, các tài xế từng nhảy từ Grab sang GoViet đang quay lại chạy cho Grab.

Anh N.T. nhận xét: “Sau thời gian ban đầu tung ưu đãi hấp dẫn để tuyển tài xế, bây giờ GoViet đang siết chặt để thu lợi nhuận”.

Tương tự, anh Đ.T. - tài xế lâu năm của Grab cũng thừa nhận: “Chuyện này chỉ có lực lượng thanh tra của hãng Grab có quyền xử phạt”.

“GoViet đang chiêu mộ tài xế, có cả việc mời gọi các tài xế có tay nghề của Grab sang hãng mình. Nhưng Grab cũng đã biết chuyện này. Hãng đã có thêm các chính sách để tài xế vừa chở khách, vừa giao hàng, giao thức ăn để giúp tài xế có thêm thu nhập và gắn bó hơn”, anh T. cho biết.

Tìm hiểu thông tin về vụ việc trên, đại diện hãng GoViet từ chối bình luận về sự việc. Còn Grab Việt Nam cho biết, hãng hiện có 175.000 tài xế trên toàn quốc, trong số này có khoảng 120.000 tài xế GrabBike.

Trước sự cạnh tranh từ phía tân binh GoViet với hàng loạt ưu đãi hấp dẫn, thu hút tài xế và cả khách hàng, phía Grab cho biết hãng này vẫn duy trì các chính sách có lợi cho tài xế, mở rộng các dịch vụ cho khách hàng như GrabCar, GrabBike, GrabFood (giao thức ăn) và Grab giao hàng.

"Công ty có bảo hiểm cho cả tài xế, khách hàng trên mỗi chuyến xe. Bên cạnh đó, Grab sẽ ra mắt thêm các tính năng đảm bảo an toàn cho khách hàng, đào tạo các khóa học tự vệ cho tài xế" - đại diện Grab cho hay.

Khách hàng cần tỉnh táo

Trao đổi với PV Người Đưa Tin, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng: “Loại hình xe công nghệ đang mang lại thu nhập cho người lao động, người dân được hưởng lợi nhờ dịch vụ tiện dụng, giá rẻ và mang lại lợi ích cho doanh nghiệp cung cấp ứng dụng như Grab, GoViet. Nhưng với số lượng gia tăng nhanh chóng cả xe lẫn tài xế như hiện nay,  nếu không được kiểm soát sẽ nảy sinh tình trạng lộn xộn, nguy cơ lớn mất an toàn giao thông, mất trật tự an toàn xã hội”.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật, công ty Luật TNHH Chính Nghĩa Luật (đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định việc giải quyết trường hợp người lái xe cùng 1 lúc làm việc cho nhiều hãng xe công nghệ (công ty cung ứng dịch vụ) khác nhau thì đây là chuyện nội bộ của mỗi công ty, phụ thuộc vào thoả thuận, hợp đồng giữa người lái xe và công ty cung cấp dịch vụ đó.

Luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật, công ty Luật TNHH Chính Nghĩa Luật.

“GoViet mới bắt đầu phát triển nên có chính sách thả lỏng để thu hút nhân lực. Sau khi phát triển đủ mạnh, chắc chắn GoViet sẽ có chính sách khác, buộc tài xế chỉ được chạy xe cho công ty của mình”, ông Nhật đánh giá.

Luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật còn khuyến cáo: “Hành khách cũng cần nâng cao ý thức khi sử dụng các dịch vụ xe công nghệ. Nếu tài xế đến đón mà thông tin không trùng khớp thì khách hàng có quyền từ chối và phản ánh lên hãng. Còn nếu hành khách biết rõ nhưng đồng ý lên xe thì khi xảy ra sự cố, người khách đó cũng có thể phải chịu một phần trách nhiệm”.

Trách nhiệm quản lý thuộc về ai?

Ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (bộ Giao thông vận tải) cho biết: “Tuy đối tượng tham gia loại hình xe công nghệ rất đông nhưng nếu muốn thì UBND cấp tỉnh hoàn toàn có thể kiểm soát được. Grab hay GoViet cung cấp ứng dụng để người dân kinh doanh chạy xe thì phải quản lý được đối tác và phải có trách nhiệm báo cáo với UBND cấp tỉnh.

Đối với loại hình xe ôm, ứng dụng được cấp trực tiếp cho cá nhân để kết nối giữa lái xe và khách hàng nên việc kết nối giao dịch điện tử này do bộ Công Thương quản lý. Trong trường hợp các đơn vị cung cấp phần mềm không phối hợp, UBND cấp tỉnh có thể đề nghị bộ Công Thương xử lý”.