Tâm sự

Tâm sự rớt nước mắt của người vợ có chồng hiến tạng cứu sống 6 người

Vợ người hiến tạng cứu sống 6 người nghẹn ngào nói: "Tôi vẫn thấy như chồng mình còn đâu đó trên cõi đời. Việc anh cứu được nhiều người là niềm an ủi cuối cùng anh dành tặng mấy mẹ con”.

Sáng nay (2/1), tại BV Việt Đức, Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã truy tặng Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân cho anh Dương Hồng Quý, người đã hiến 7 mô/tạng, cứu sống 6 người.

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến xúc động gửi lời tri ân sâu sắc về nghĩa cử cao đẹp nhân văn của anh Dương Hồng Quý, 43 tuổi, ở Ninh Bình.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến tri ân gia đình anh Quý vì hành động nhân văn.

"Tôi xin được thay mặt ngành Y tế gửi những lời tri ân chân thành nhất tới gia đình anh Quý. Người mất đi sẽ trở về cát bụi nhưng một phần cơ thể sẽ sống trong cơ thể những người khác. Theo quan niệm của một số tôn giáo, trong những thứ cho đi của con người thì cho tạng, hiến tạng là cho lớn nhất của con người" - Bộ trưởng bộ Y tế xúc động nói.

Tại đây, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng truy tặng Kỷ niệm chương Vì sức khoẻ nhân dân cho anh Dương Hồng Quý, theo Vietnamnet.

Có mặt tại buổi tri ân, chị Hoàng Thị Phương, vợ anh Quý nghẹn ngào chia sẻ: “Tôi vẫn thấy như chồng mình còn đâu đó trên cõi đời. Anh đã giúp được nhiều người. Bản thân tôi rất tự hào về chồng nhưng cũng buồn lắm. Việc anh cứu được nhiều người đó là niềm an ủi cuối cùng anh dành tặng mấy mẹ con”.

Chị Phương, vợ anh Quý đại diện gia đình tại lễ tri ân. Ảnh:VNE

Chị cho biết, trong suốt quá trình điều trị bệnh, chị nghe chồng bày tỏ nguyện vọng hiến tạng rất nhiều lần. Lần đầu tiên, chị tưởng anh trêu đùa. Lần thứ 2, khi chuẩn bị cho ca đại phẫu, anh lại một lần nữa nhắc lại nguyện vọng.

Lúc ấy chị gạt đi vì vẫn không ngừng hy vọng. Nhưng khi bác sĩ thông báo anh sẽ mãi mãi không tỉnh lại, chị đã nhớ tới lời dặn của chồng và liên lạc mọi nơi để cố gắng thực hiện di nguyện của anh, thông tin trên VnExpress.

Anh Dương Hồng Quý (trú tại TP Ninh Bình) không may chết não do phình động mạch não. Chị Hoàng Thanh Phương đã quyết định thực hiện ước nguyện của chồng khi còn sống - là hiến tạng cứu người, giống như tấm gương bé Hải An.

Nhờ tấm lòng cao cả của anh Quý, 5 người khác được cứu sống, sau một hành trình kỷ lục của các y bác sĩ.

Lần đầu tiên, 500 bác sĩ, đều là người Việt Nam, tham gia 6 kíp mổ cùng lúc là: 1 kíp lấy 6 tạng từ người chết não là anh Quý, 5 kíp ghép tạng ngay cho bệnh nhân, trong đó có một kíp điều phối tạng từ Hà Nội vào TP.HCM để ghép cho bé Huy, bệnh nhi suy thận ở Bệnh viện Nhi đồng 2.

Một bệnh nhân được anh Quý hiến tạng.

Ngay trong ngày, 2 phổi của anh Quý được lấy ghép cho nam thiếu niên Nguyễn Văn Đ. 17 tuổi ở Hải Dương mắc bệnh mô bào ở phổi giai đoạn cuối, cơ thể suy kiệt chỉ còn 30kg và mắc cùng lúc nhiều bệnh lý khác. Đây cũng là ca ghép phổi đầu tiên tại BV Việt Đức và là ca thứ 3 tại Việt Nam.

Trái tim của anh được ghép cho nam bệnh nhân N.V.H, 60 tuổi bị giãn cơ tim giai đoạn cuối, nguy cơ cao tử vong trong vòng 1 tháng nếu không có tim ghép.

Gan của anh Quý được ghép cho bệnh nữ 63 tuổi mắc u gan; 1 quả thận được ghép cho nam bệnh nhân 41 tuổi bị suy thận giai đoạn cuối, quả thận còn lại được chuyển vào BV Nhi đồng 2, TP.HCM ghép cho nam thiếu niên 15 tuổi. Mạch máu của anh cứu sống 1 bệnh nhân nguy kịch khi đang ghép gan.

Chia sẻ trên Cafef về người chồng đã mãi mãi ra đi, chị Phương không khỏi xúc động: “Dù con đã lớn, đều đã đi học đại học, nhưng khi con được nghỉ về với bố mẹ, anh vẫn cắt móng tay, móng chân cho các con. Đôi khi cả gia đình 4 người lại nằm chung trên một chiếc giường, vô cùng ấm cúng.

Gia đình hạnh phúc của anh Quý, chị Phương.

Lúc các con còn ở nhà, anh luôn đợi con ngủ say, sau đó lên phòng kiểm tra màn cho con. Đôi khi anh ấy chỉ lên phòng con chỉ để xoa đầu, xoa trán con. Ngay cả những hôm khi đi uống rượu say về, anh vẫn duy trì thói quen đó…".

Hàng ngày, anh Quý có thói quen tắt đèn luôn phải nắm tay vợ mới an tâm ngủ, do anh ngủ rất hay bị giật mình nên luôn muốn vợ ở bên cạnh. Không chỉ lúc ngủ, đi đâu anh cũng thích nắm tay vợ.

Vì thế, trong suốt thời gian anh nằm viện, lúc nào chị Phương cũng nắm tay chồng không dám buông. Chị muốn tiếp thêm sức mạnh, giúp anh an tâm hơn, có được giấc ngủ ngon.

Nằm trên giường bệnh nhưng anh Quý vẫn rất bình thản.

Chị bảo: "Chồng tôi vẫn luôn hôn và nắm tay vợ như vậy, đó là việc rất bình thường chúng tôi vẫn làm để dành tình cảm cho nhau. Nụ hôn đó, cái siết tay đó chỉ là hành động vẫn diễn ra như thường lệ lúc anh còn ở bên cạnh tôi, không phải sự tiễn biệt gì…".

Anh đã mãi đi xa nhưng trái tim nồng ấm của anh vẫn ở đó, bên cạnh bảo vệ, chở che cho chị và các con. Tin rằng, nghĩa cử nhân văn này sẽ lan tỏa, bay xa để ngày càng nhiều người đánh giá đúng tính nhân đạo của việc hiến tạng cứu người.

Cũng trong buổi làm việc sáng nay, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao thành công của các y bác sĩ Bệnh viện Việt Đức. Lần đầu tiên các bác sĩ Việt Nam tự chủ hoàn toàn trong một ca ghép phổi. Trước đây Bệnh viện 103 đã thực hiện thành công ca ghép phổi có sự hỗ trợ của chuyên gia nước ngoài

"Đây là nỗ lực rất lớn các bác sĩ Việt Nam để làm chủ công nghệ cao trên thế giới bao gồm các kỹ thuật ghép tạng cùng lúc, điều phối tạng cũng như ghép phổi", Bộ trưởng Tiến nói.

Từ thành công này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng yêu cầu các bệnh viện nghiên cứu để ghép tuỵ và những kỹ thuật khó hơn. Công tác tuyên truyền, vận động hiến tạng từ người cho chết não cũng được chú trọng đẩy mạnh hơn.

Đình Văn (Tổng hợp)