TV Show

Tam quốc diễn nghĩa: Vị quân sư duy nhất thời Tam quốc được thờ tại Đế vương miếu

Gia Cát Lượng là vị quan văn duy nhất thời Tam quốc được thờ tại Đế vương miếu (được nhà Minh, nhà Thanh xây dựng, trong đó có thờ 41 vị công thần được đánh giá là tài năng và tận trung nhất qua các triều đại).

Tháng 8 năm 234, Gia Cát Lượng sinh bệnh nặng. Vua Thục Hán là Lưu Thiện phái Thượng thư Lý Phúc, ngày đêm phóng đến tiền tuyến gò Ngũ Trượng thăm hỏi bệnh tình của Gia Cát Lượng.

Gia Cát Lượng nằm trên giường bệnh dặn dò Lý Phúc: trước mắt sự nghiệp bắc phạt chưa thành công, hy vọng đại thần triều đình vẫn một lòng như cũ, tận tâm phò tá Lưu Thiện, kế tục hoàn thành sự nghiệp phục hưng nhà Hán mà mình chưa hoàn thành được.

Lại yêu cầu Lý Phúc chuyển lời cho nhà vua rằng: sau khi ông ta mất không cần đưa về Thành Đô chôn cất, cứ an táng ở núi Định Quân tại tiền tuyến là được, để tượng trưng chí hướng "da ngựa bọc thây chết ở sa trường".

Lý Phúc thảy đều ghi nhớ lời di chúc của Gia Cát Lượng, liền mau chóng trở về Thành Đô báo cáo lại với Lưu Thiện. Cuối tháng 8 năm đó Gia Cát Lượng bệnh mất ngay tại doanh trại trong chiến dịch Bắc phạt.

Gia Cát Lượng cả đời Bắc phạt nhưng không thành.

Ông được chôn tại ngọn núi Định Quân ở vùng Hán Trung theo đúng di nguyện. Mộ phần tựa vào núi, chỉ đủ chứa quan tài, liệm bằng quần áo bình thường, không chôn theo tài sản gì.

Sau khi Gia Cát Lượng mất, toàn dân Thục Hán rất đỗi thương tiếc, trăm họ tế cúng trong ngõ, người Nhung, Di tế cúng ngoài đồng nội. Tình hình này kéo dài suốt mấy chục năm không thôi.

Tôn Tiền đời nhà Đường ghi rằng: "Gia Cát Vũ Hầu đã mất 500 năm, nhân dân từ Lưỡng Hán đến nay, vẫn ca tụng sự tích, lập miếu và tế tự ở nhiều nơi, ông đã để lại sự thương nhớ của mọi người mãi mãi khắc sâu như thế".

Gia Cát Lượng (181 - 234), tự Khổng Minh, hiệu Ngọa Long tiên sinh là Thừa tướng, công thần khai quốc, nhà chính trị, nhà ngoại giao, chỉ huy quân sự, và cũng là một nhà phát minh kỹ thuật nổi tiếng của nhà Thục Hán thời Tam quốc.

Đóng góp lớn nhất của Gia Cát Lượng cho nhà Thục là việc giúp hình thành thế chân vạc tam quốc, liên minh Thục-Ngô chống Ngụy. Ông được công nhận là một trong những chiến lược gia vĩ đại và xuất sắc nhất trong thời đại của ông, và được so sánh với một chiến lược gia tài ba khác của Trung Quốc là Tôn Tử. Tuy nhiên, các chiến dịch đánh Tào Ngụy do ông phát động đều không thành công, cuối cùng bệnh mất trong doanh trại.

Ông khi còn sống làm Thừa tướng nước Thục 14 năm, sau khi mất có thụy hiệu là Trung Vũ Hầu, do đó hậu thế thường hay gọi ông là Vũ Hầu hay Gia Cát Vũ Hầu để tỏ lòng tôn kính.

Gia Cát Lượng chính là vị quan văn duy nhất thời Tam quốc được thờ tại Đế vương miếu (được nhà Minh, nhà Thanh xây dựng, trong đó có thờ 41 vị công thần được đánh giá là tài năng và tận trung nhất qua các triều đại).

Chú thích ảnh

Hình tượng của ông được dân gian ca tụng qua những câu chuyện lưu truyền suốt cả nghìn năm, về sau được La Quán Trung tiểu thuyết hóa và càng trở nên nổi tiếng qua tác phẩm tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, một trong Tứ đại kỳ thư của văn minh Trung Hoa. Trong tác phẩm này, Gia Cát Lượng được mô tả là một vị thừa tướng tài đức song toàn với tài năng "xuất quỷ nhập thần", là biểu tượng của lòng trung nghĩa và trí tuệ anh minh (Tuyệt nhân là Lưu Bị, tuyệt gian là Tào Tháo, tuyệt trí là Khổng Minh).

Tư Mã Huy nhận xét về Gia Cát Lượng như sau: "Nếu được một trong hai người Ngọa Long (tức Khổng Minh) hoặc Phượng Sồ (tức Bàng Thống) thì có thể bình định được thiên hạ". Người đời sau có câu: "Tam phân thiên hạ Gia Cát Lượng, Nhất thống sơn hà Lưu Bá Ôn", đế nói lên tài năng của ông.

Đền thờ Gia Cát Lượng.

Trần Thọ trong Tam quốc chí có bình luận như sau: “Gia Cát Lượng làm Thừa tướng rất đỗi quan tâm đến đời sống trăm họ, lấy mình làm gương về luân lý, điều hành chánh sự. Ông thanh trừ quan lại tham nhũng, giảm bớt các khoản chi quốc gia không cần thiết, tăng thêm hiệu suất bộ máy hành chính khai sáng dân tâm, ban bố điều luật, xây dựng được niềm tin của dân chúng toàn quốc với quyền lực của vương triều.

Cuối cùng, khắp trong lãnh thổ đều kính trọng mà nể sợ, hình phạt tuy nghiêm khắc song dân gian không oán thán, lấy chánh tâm công bằng mà khuyên thiện trừ ác vậy; thực là người hiền tài đại độ trong điều hành chánh sự, có thể nói ví như Quản Trọng và Tiêu Hà cũng chẳng thể hơn”.

Hiện nay, trên đất Trung Hoa, người dân rất nhiều nơi đã lập đền thờ để tưởng nhớ Gia Cát Lượng, trong đó nổi tiếng nhất là đền thờ ở huyện Miễn, dưới chân núi Định Quân (nơi an táng Gia Cát Lượng), sau đó đến miếu Vũ Hầu ở Thành Đô, miếu Vũ Hầu ở thành Bạch Đế, huyện Phụng Tiết, Trùng Khánh...

Video: Gia Cát Lượng chết để lại kế giết Ngụy Diên.

Quốc Tiệp (t/h)