Văn hoá

Tam quốc diễn nghĩa: Sự thật việc Quan Vũ trúng tên độc của Bàng Đức suýt mất mạng

Theo nhiều nguồn việc Quan Vũ từng trúng tên là có thật, nhưng không phải do bị Bàng Đức bắn như trong phim Tam Quốc diễn nghĩa 2010.

Trong phim Tam quốc diễn nghĩa 2010, tại trận Tương Dương-Phàn Thành, Quan Vũ và tướng Bàng Đức của Tào Tháo đã giao đấu tay đôi với nhau, sau khi bị Quan Vũ đánh ngã ngựa, Bàng Đức đã lấy cung tên bắn trúng tay Quan Vũ nên mới may mắn thoát chết. Trong mũi tên của Bàng Đức lại có độc nên khiến Quan Vũ bị trọng thương, suýt mất mạng nếu không được Hoa Đà kịp thời cứu chữa.

Cảnh Quan Vũ và Bàng Đức giao đấu trong phim Tam quốc diễn nghĩa.

Tuy nhiên, theo Tam quốc chí của sử gia Trần Thọ thì chép: “Quan Vũ từng bị trúng tên (không nói rõ lúc nào), bắn xuyên cánh tay trái, sau vết thương tuy đã khỏi nhưng mỗi lúc mưa dầm trở gió, xương cốt vẫn thường đau nhức, thầy thuốc chẩn đoán rằng, mũi tên có thuốc độc, chất độc ấy thấm vào xương cốt, giờ phải khoét thịt ở cánh tay bị thương, nạo xương trừ bỏ chất độc, rồi sau mới điều trị được gốc bệnh. Quan Vũ liền duỗi tay sai thầy thuốc chữa trị. Lúc ấy, Quan Vũ cùng chư tướng uống rượu nói chuyện, máu trên cánh tay chảy đầm đìa đầy cả chậu, mà ông vẫn cắt thịt nướng uống rượu, cười nói như không”.

Cảnh trong phim Tam quốc diễn nghĩa 2010.

Từ tình tiết trên nhà văn La Quán Trung đã đưa vào tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, để nêu bật dũng khí của nhân vật Quan Vũ. Tuy nhiên, tác giả đã hư cấu thêm tình tiết vết thương là do Quan Vũ bị Bàng Đức bắn lén (trong trận Tương Dương-Phàn Thành năm 219), rồi Quan Vũ chịu "cạo xương" trong lúc đánh cờ (chứ không phải lúc nói chuyện và ăn uống), còn "bác sĩ phẫu thuật" chính là "thần y" Hoa Đà (trên thực tế Hoa Đà đã mất từ năm 208, trước trận Tương Dương-Phàn Thành 11 năm).

Theo một số nguồn tư liệu không chính thống, Bàng Đức thân chinh giao chiến cùng với Quan Vũ, ông bị Quan Vũ đánh, trong lúc nguy cấp, được Nhạc Tiến bắn yểm trợ, Quan Vũ bị trúng tên.

Từ những tình tiết trên có thể thể thấy, việc Quan Vũ từng bị trúng tên độc là có thật nhưng không rõ thời điểm xảy ra. Đặc biệt là không phải bị trúng tên do Bàng Đức bắn.

Quan Vũ là một trong Ngũ hổ tướng nhà Thục Hán cùng với Trương Phi, Triệu Vân, Hoàng Trung, Mã Siêu.

Quan Vũ (? - 220), tự Vân Trường, quê ở Vận Thành, tỉnh Sơn Tây, miền bắc của Trung Quốc ngày nay. Ông là một trong những nhân vật lịch sử của Trung Quốc được biết đến nhiều nhất ở khu vực Đông Á, hình tượng của ông đã được tiểu thuyết hóa trong Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung và sau này được khắc họa trong các dạng hình nghệ thuật như kịch, chèo, tuồng, phim ảnh...

Bàng Đức sau khi thua trận, không chịu quy hàng nên bị Quan Vũ xử chém. Khi ấy, Bàng Đức 39 tuổi.

Bàng Đức (170 - 219), tự là Lệnh Minh là viên võ tướng Tây Lương (phục vụ dưới trướng của Mã Đằng, Mã Siêu) và sau đó là tướng của Tào Ngụy. Ông nổi danh trong việc tham gia hai trận chiến lớn trong thời Tam quốc là trận Đồng Quan (năm 211) và trận chiến đối đầu với Quan Vũ tại Phàn Thành (năm 219).

Quốc Tiệp (t/h)