Giải trí

Tam quốc diễn nghĩa: Nhân vật khiến Lưu Bị dù chưa được gặp mặt nhưng vẫn kinh ngạc

Lưu Bị (161 - 223) tự là Huyền Đức, người huyện Trác, quận Trác thuộc U Châu, là một vị thủ lĩnh quân phiệt, hoàng đế khai quốc nước Thục Hán thời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc.

Không giống như Tào Tháo và Tôn Quyền xuất thân từ tầng lớp quý tộc và có cơ sở nhất định (có nhiều tài sản, uy danh gia tộc) để “làm vốn” trên đường gây dựng phát triển sự nghiệp, Lưu Bị tuy có danh nghĩa là dòng dõi nhà Hán nhưng ông xuất thân từ một gia đình nghèo nàn, thuở nhỏ phải đan giày cỏ kiếm sống, tay trắng làm nên cơ nghiệp. Vì vậy, quá trình phát triển thế lực của Lưu Bị trong thời loạn cũng vất vả, gian truân hơn, lâu dài hơn. Tuy gặp nhiều thất bại nhưng ông vẫn kiên định, không nản lòng, tỏ ra có chí khí lớn.

Tạo hình Lưu Bị trong phim Tam quốc diễn nghĩa 2010.

Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, La Quán Trung mô tả nhân vật Lưu Bị giống như một vị thư sinh trói gà không chặt, không thích đọc sách, chỉ thích cưỡi ngựa, ca hát và mặc quần áo đẹp. Vóc người cao lớn, dung mạo nổi bật và khác thường. Tính tình thuộc trầm mặc ít nói, mừng giận không lộ ra mặt. Đồng thời là một nhân kiệt có chí lớn, sống coi trọng tình nghĩa, thích kết giao với anh hùng hào kiệt trong thiên hạ để mong được nghiệp lớn, khôi phục tòng thất nhà Hán, nhưng kém phần sắc sảo về quân sự, thiếu mưu trí, táo bạo và mạnh mẽ.

Thực ra, theo ghi chép lịch sử, Lưu Bị từng nhiều lần đích thân cầm quân chiến đấu và đã có nhiều lần giành được chiến thắng trước đối phương đông hơn, chứng tỏ khả năng võ nghệ và kiến thức quân sự của ông không hề kém.

Trong Tam quốc chí sử gia Trần Thọ có bình rằng: “Tiên Chủ là người cương nghị khoan hoà nhân hậu, hiểu lòng người kính kẻ sĩ, có phong độ của Hán Cao Tổ, có khí chất của bậc anh hùng. Đến lúc trao việc nước thác con côi cho Gia Cát Lượng, mà lòng không ngờ vực, tin rằng vua tôi đều chí công, là điều chưa từng thấy xưa nay vậy”.

Khi Lưu Bị nương nhờ, Tào Tháo đối xử rất tốt với ông, cho ngồi cùng xe, hay ăn uống và bàn luận cùng nhau. Trong một cuộc nói chuyện, Tào Tháo từng nói:

"Ngày nay anh hùng trong thiên hạ, chỉ có sứ quân (Lưu Bị) và Tháo này vậy. Lũ Bản Sơ (Viên Thiệu) chẳng đáng kể đến".

Câu nói của Tào Tháo mang ý dò xét, nhưng cũng cho thấy Tào Tháo đánh giá rất cao tài năng của Lưu Bị, cho rằng ông có tài năng hơn hẳn những tướng cát cứ khác.

Trong quá trình phát triển sự nghiệp, Lưu Bị nhiều lần đơn thương độc mã xông pha vào trận địch không chút sợ hãi lập được nên nhiều chiến công hiển hách và cũng không ngại đối đầu với những thế lực hùng mạnh. Tuy nhiên, bấy giờ có một hào kiệt trẻ tuổi từng khiến Lưu Bị kinh ngạc, đó chính là Tôn Sách.

Tôn Sách được mệnh danh Giang Đông Tiểu Bá Vương.

Theo dã sử, năm Tôn Sách 14 tuổi đi tới Thọ Xuân (An Huy) thăm hỏi Viên Thuật. Ông vừa ghé thăm không lâu, người hầu của Viên Thuật liền báo rằng có Dự Châu mục Lưu Bị tới cầu kiến.

Nghe vậy, Tôn Sách lập tức đứng dậy xin cáo từ. Viên Thuật có điểm không vừa lòng, liền hỏi:

"Cậu cùng Lưu Bị vốn chẳng quen biết, tại sao lại phải rời đi?".

Bấy giờ, Tôn Sách mới chỉ là một cậu thiếu niên, nhưng lại nói một câu khiến Viên Thuật không khỏi bất ngờ:

"Viên công nói lời này e rằng có chỗ không đúng. Lưu Bị cũng được coi là một bậc anh hùng. Mà anh hùng cùng anh hùng gặp nhau vốn chẳng có điểm tốt, chỉ biết đố kỵ lẫn nhau thôi!".

Nói xong, Tôn Sách liền bước từ bậc thang phía đông đi xuống. Đúng lúc đó, Lưu Bị cũng từ bậc thang phía Tây đi lên.

Vừa nghiêng đầu nhìn thấy bóng lưng của cậu thiếu niên họ Tôn năm đó, Lưu Bị đã không khỏi kinh ngạc, thậm chí ngơ ngác tới nỗi quên cả bước đi.

Dù chưa được gặp mặt Tôn Sách, nhưng chỉ một bóng lưng của vị thiếu niên hào kiệt trẻ tuổi ấy cũng đủ khiến Lưu Bị kinh ngạc.

Tôn Sách (175-200), người Phú Dương, gốc Chiết Giang. Ông là con trai trưởng của Tôn Kiên, anh trai Tôn Quyền. Sau khi Tôn Kiên bị giết chết trong một trận đánh với Kinh Châu thứ sử Lưu Biểu lúc đó Tôn Sách mới 16 tuổi. Cha mất, đất đai bị chiếm, Tôn Sách cùng em là Tôn Quyền, lúc đó mới 10 tuổi, và các bộ tướng cũ của cha đầu hàng Viên Thuật, người đã sai Lưu Biểu giết cha mình để tiến về vùng Giang Nam nhằm xây dựng cơ sở quyền lực của mình tại đây. Với sự giúp đỡ của Trương Chiêu và Chu Du, Tôn Sách đã có thể thiết lập nền tảng cho sự ra đời sau này của nhà nước Đông Ngô, mà tại đó em trai của ông là Tôn Quyền cuối cùng đã xưng Hoàng đế. Sau khi Tôn Quyền lên ngôi, đã truy phong cho anh trai mình làm Trường Sa Hoàn Vương.

Vdieo: Tôn Sách và Chu Du bàn đại nghiệp.

Quốc Tiệp (t/h)