Ngôi sao

Tam quốc diễn nghĩa: Không phải "tam cố thảo lư", đây mới là nguyên nhân chính khiến Gia Cát Lượng theo Lưu Bị

Thực chất, việc Lưu Bị cất công ba lần đến mời không phải là nguyên nhân chính khiến Gia Cát Lượng chấp nhận phụng sự cho vị quân chủ này.

Thời đại Tam quốc, nhân tài kiệt xuất nhiều không đếm xuể. Một trong số những nhân vật được hậu thế ngưỡng mộ hơn cả phải kể tới vị Thừa tướng cả đời cúc cung tận tụy của Thục Hán – Gia Cát Lượng.

Gia Cát Lượng (181 - 234) tự Khổng Minh, hiệu Ngọa Long tiên sinh, là nhà chính trị, nhà ngoại giao, nhà quân sự, và cũng là một nhà phát minh của Thục Hán thời Tam quốc. Ông là người hình thành nên thế chân vạc giữa nhà Thục Hán, Đông Ngô và Tào Ngụy trong suốt 60 năm. Ông cũng là nhân vật rất quan trọng trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung.

Tạo hình Gia Cát Lượng trên phim.

Từ cổ chí kim, cuộc tương ngộ của vị quân chủ họ Lưu với Ngọa Long tiên sinh cũng từng trở thành đề tài ca ngợi của không ít văn nhân. Theo nhận định

Rất nhiều người cho rằng Gia Cát Lượng phò tá Lưu Bị là vì báo đáp ân tri ngộ. Nói như vậy cũng không phải là không có đạo lý. Nhưng nếu như hết thảy mọi huyền diệu đều đã có an bài cả rồi thì việc này không chỉ vỏn vẹn là vì báo ân đơn giản như vậy. Điều này nhất định là có liên quan đến chuyện đại sự khác nữa.

Đó là lý do vì sao mà mặc dù Tào Tháo nắm một nửa thiên hạ, hiệu triệu quần hùng Trung Nguyên dưới lá cờ nhà Hán và Tôn Quyền, một minh chúa của Đông Ngô, lại không tài nào khiến Khổng Minh dao động.

của KKNews, việc Gia Cát Lượng quyết định phụng sự cho vị quân chủ họ Lưu vốn không phải vì cảm động trước chuyện Lưu Bị "tam cố thảo lư" (ba lần tới lều tranh) mà thực chất còn bắt nguồn từ nhiều động cơ sâu xa khác.

Điều Gia Cát Lượng thực sự mong muốn không chỉ dừng lại ở chức tước

Gia Cát Lượng đã có tính toán trước.

Trước khi lý giải động cơ thực sự của Gia Cát Khổng Minh khi lựa chọn đầu quân cho Lưu Bị, ta không thể không nhắc tới chí hướng lúc sinh thời của nhân tài hiếm có này.

Vào thời cổ đại, việc nhân tài nương nhờ dưới trướng của một vị quân chủ cũng không khác biệt nhiều so với quy trình tuyển dụng của chúng ta ngày nay. Theo đó, yếu tố đầu tiên mà các nhà tuyển dụng quan tâm tới ứng viên chính là chí hướng của người ứng tuyển.

Sử sách ghi lại, Gia Cát Lượng khi xưa dù ẩn cư ở vùng Long Trung nhưng lại thường xuyên giao thiệp với các danh sĩ địa phương, danh tiếng từ sớm đã vang xa. Đó cũng là một trong những lý do khiến danh sĩ nổi danh ở Kinh Châu là Tư Mã Huy quyết định tiến cử Khổng Minh cho Lưu Bị.

Việc Gia Cát Lượng kết giao với các danh sĩ trong vùng không chỉ chứng minh ông là người có mạng lưới giao thiệp rộng rãi mà còn gián tiếp chỉ ra khao khát khẳng định bản thân, tạo dựng thành tựu của nhân tài hiếm có này.

Bên cạnh đó, sử sách cũng có ghi lại chi tiết: Gia Cát Lượng lúc sinh thời thường xuyên so sánh bản thân mình với Quản Trọng, Nhạc Nghị.

Năm xưa, Quản Trọng từng là công thần có công phò tá Tề Hoàn Công chín lần họp chư hầu và trở thành bá chủ, có thể ví như anh hùng cứu giúp thiên hạ.

Còn Nhạc Nghị cũng là bậc nhân tài kiệt xuất từng giúp nước Yên tấn công nước Tề, thậm chí thiếu chút nữa đã đẩy Tề quốc vào cảnh diệt vong.

Việc Gia Cát Khổng Minh đem hai vị tiền nhân này làm thần tượng đã chỉ rõ: Ông vốn không ham thích những chức quan như Thái thú, Thứ sử mà mong muốn góp sức mình để tạo lập kỳ tích, gây dựng nên những sự nghiệp vĩ đại.

Cho nên, thứ mà Khổng Minh tiên sinh muốn tìm kiếm là một tập đoàn chính trị có "đất" cho ông thể hiện toàn bộ tài năng của mình.

Bỏ qua Tào Tháo

Tạo hình Tào Tháo trên phim.

Nếu nhắc tới những thế lực chư hầu mạnh nhất thời bấy giờ, nhiều người sẽ nhớ ngay tới thế lực Tào Ngụy của Tào Tháo.

Khi đó, Tào Tháo nắm trong tay tập đoàn chính trị hùng mạnh bậc nhất, hơn nữa dưới trướng cũng chẳng thiếu thủ hạ, mưu thần. Đó là chưa kể các mưu sĩ dưới trướng như Tuân Úc, Tuân Du, Quách Gia... đều là bậc nhân tài hiếm có.

Nếu như Gia Cát Lượng làm thủ hạ cho Tào Ngụy, người yêu quý nhân tài như Tào Tháo chắc chắn sẽ rất trọng dụng ông. Tuy nhiên việc gia nhập tập đoàn chính trị này ngược lại sẽ khiến cho Khổng Minh khó có cơ hội tận dụng tài năng.

Bởi lẽ, phương diện nội chính khi đó đều đã có Tuân Úc, mảng quân sự cũng có Tuân Du, các nhân tài trên những lĩnh vực khác đều nhiều không đếm xuể.

Một khi phụng sự cho Tào Tháo, một Gia Cát Lượng đương độ hai mươi sẽ tận dụng được một ưu điểm duy nhất còn lại – đó chính là tuổi trẻ.

Cho nên, người khôn ngoan như Ngọa Long tiên sinh ngay từ đầu đã biết rõ thế lực của Tào Tháo không phải là điểm đến tốt nhất dành cho mình.

Không chọn Tôn Quyền

Tạo hình Tôn Quyền trên phim.

Bên cạnh Tào Tháo, tập đoàn chính trị của Tôn Quyền cũng là một thế lực lý tưởng để dựa vào.

Lúc bấy giờ, Tôn Ngô cũng đang phải đối diện với sự uy hiếp từ Tào Ngụy. Nếu Gia Cát Lượng đầu quân cho Tôn Quyền vào thời điểm này, ông chắc chắn không thiếu cơ hội để thi triển tài năng.

Tuy nhiên mấu chốt nằm ở chỗ, dưới trướng Tôn Quyền đã lúc này có một trang tuấn kiệt đắc lực. Đó chính là nhân vật vừa có tài năng, vừa có tuổi trẻ - Chu Du.

Vào thời bấy giờ, nhân vật nổi danh là tài ngang Khổng Minh chính là Phượng Sồ Bàng Thống. Thế nhưng ngay tới Bàng Thống vẫn chỉ có thể làm việc dưới quyền Chu Công Cẩn, vậy thì Gia Cát Lượng chưa chắc đã có thể vượt mặt nhân tài vừa có tuổi trẻ lại vừa được tín nhiệm như vậy.

Nhận định về tính cách của Ngọa Long tiên sinh, một số sử gia cho rằng ông thực chất là một người có ham muốn nắm quyền lực trong tay và khó cam tâm làm việc dưới quyền người khác.

Vì vậy rất có khả năng Khổng Minh năm xưa vì e ngại một Chu Du đã "chắc chân" ở Tôn Ngô nên đã bỏ qua tập đoàn chính trị này.

Nước cờ thông minh giúp Gia Cát Lượng đổi đời

Quyết định phò tá Lưu Bị.

Nếu so với Tào Tháo, Tôn Quyền, Lưu Bị dù có lúc bại, lúc thắng, nhưng cũng không phải là nhân vật chẳng có chút vốn liếng nào.

Chưa bàn tới trong tay Lưu Huyền Đức có các mãnh tướng như Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân… chỉ riêng hình tượng nhân nghĩa của ông đã trở thành vốn liếng quý nhất đối với vị quân chủ này.

Điểm mấu chốt còn nằm ở chỗ, tập đoàn chính trị của Lưu Bị vừa hay đang thiếu một mưu sĩ nòng cốt có tầm nhìn chiến lược.

Kết hợp những điều kiện kể trên, thế lực của Lưu Bị đã trở thành lựa chọn tốt nhất đối với Khổng Minh.

Về những chư hầu khác như Lưu Chương, Lưu Biểu, chỉ cần là mưu sĩ có đầu óc ắt sẽ biết rằng đi theo họ sẽ chẳng có tiền đồ.

Như vậy, việc Gia Cát Lượng đầu quân cho Lưu Bị rất có thể là quyết định từ sớm đã được cân nhắc kỹ càng.

Sự thực là sau khi Lưu Bị qua đời, Gia Cát Lượng đã trở thành nhân vật quyền lực hàng đầu trong tập đoàn chính trị Thục Hán.

Đến là để tạo thành thế chân vạc thời Tam quốc

Trong đời cầm quân của mình, Gia Cát Lượng từng có nhiều chiến tích huy hoàng như: Mượn gió Đông Nam, hỏa thiêu Xích Bích, thuyền cỏ mượn tên, gảy đàn đuổi 15 vạn hùng binh của Trọng Đạt, hoả thiêu 10 vạn quân Tào, bảy lần bắt Mạnh Hoạch, lục xuất Kỳ Sơn… Ông còn là chủ nhân của những phát minh vô cùng độc đáo như: trâu gỗ ngựa máy, nỏ liên châu, bàn cờ Khổng Minh, đèn trời, chiến xa phá thành, bánh bao…

Trâu gỗ ngựa máy để vận chuyển quân lương cho 10 vạn quân ngoài sa trường, và chiến xa phá thành vô cùng dũng mãnh của Khổng Minh.

Nhưng con người hôm nay có thể sẽ cho rằng đó chỉ là khoa trương trong tác phẩm nghệ thuật mà thôi, còn tình huống thực tế chắc không hẳn là như vậy. Duy chỉ có Mã Tiền Khóa là được đông đảo mọi người thừa nhận là do Gia Cát Lượng viết, cũng là quyển sách tiên tri vô cùng chuẩn xác.

Dự ngôn Mã Tiền Khóa là do Thừa tướng Gia Cát Lượng nhà Thục Hán thời Tam quốc sáng tác. Nhắc đến Gia Cát Lượng, có thể nói là nhà nhà đều biết, nhưng không nhiều người biết về Mã Tiền Khóa. Tương truyền Gia Cát Lượng vào lúc nhàn hạ trong quân đã sáng tác Mã Tiền Khóa (tên Mã Tiền Khóa có nghĩa là quẻ bói gieo trước ngựa).

Tiên tri Mã Tiền Khoá của Gia Cát Lượng đã lưu truyền gần 2000 năm nay, chưa từng sai.

Mã Tiền Khóa ngắn gọn súc tích phi thường, chỉ có 14 khóa, mỗi khóa dự ngôn một thời đại lịch sử, mà mỗi một khóa lại tuân theo một trật tự sắp xếp. Khi mỗi thời đại lịch sử qua đi rồi, người ta quay lại xem mới thấy Gia Cát Lượng dự ngôn chuẩn xác đến phi thường.

Quẻ đầu trong Mã Tiền Khóa:

“Vô lực hồi thiên, cúc cung tận tụy; âm cư dương phất, bát thiên nữ quỷ”

(Tạm dịch: Không sức đổi trời, còng mình gắng sức; âm tồn dương phất, tám nghìn nữ quỷ).

Điều này đã nói rõ một điều rằng Gia Cát Lượng quả thực đã biết phò tá Lưu Bị thống nhất giang sơn là điều không thể. Đây chính là Thiên ý, bản thân chỉ có thể gắng sức cho đến lúc chết mà thôi. Cách nói này không khỏi khiến người ta có phần thương cảm nhưng đó lại là sự thật. Ông đến là để tạo thành thế chân vạc thời Tam quốc, cùng diễn chữ “Nghĩa” với các anh hùng hào kiệt, chứ không phải đến để thống nhất thiên hạ, đó chính là Thiên ý. Nhờ tài năng xuất chúng Khổng Minh đã hoàn thành xuất sắc sứ mạng lịch sử của mình, nhờ đó mà vang danh thiên hạ, lưu danh thiên cổ.

Video: Tam cố thảo lư.

Quốc Tiệp