Ngôi sao

Tam quốc diễn nghĩa: Hào kiệt khiến Lưu Bị kinh ngạc, Viên Thuật ngưỡng mộ, Tào Tháo dè chừng

Dù mất sớm khi mới chỉ 25 tuổi, nhưng hào kiệt trẻ tuổi này từng khiến Lưu Bị kinh ngạc, làm cho Viên Thuật ngưỡng mộ, ngay tới Tào Tháo cũng không muốn đối địch.

Vào những năm cuối thời Đông Hán, thiên hạ đại loạn, quần hùng nổi lên, quân phiệt hỗn chiến, Tôn Sách cũng nhân cơ hội nổi dậy, cát cứ Giang Đông, trở thành bá chủ một phương, đặt nền móng cho tập đoàn chính trị Đông Ngô sau này.

Giang Đông Tiểu Bá Vương Tôn Sách.

Tôn Sách (175-200), người Phú Dương, gốc Chiết Giang. Ông là con trai trưởng của Tôn Kiên, anh trai Tôn Quyền. Sau khi Tôn Kiên bị giết chết trong một trận đánh với Kinh Châu thứ sử Lưu Biểu lúc đó Tôn Sách mới 16 tuổi. Cha mất, đất đai bị chiếm, Tôn Sách cùng em là Tôn Quyền, lúc đó mới 10 tuổi, và các bộ tướng cũ của cha đầu hàng Viên Thuật, người đã sai Lưu Biểu giết cha mình để tiến về vùng Giang Nam nhằm xây dựng cơ sở quyền lực của mình tại đây. Với sự giúp đỡ của Trương Chiêu và Chu Du, Tôn Sách đã có thể thiết lập nền tảng cho sự ra đời sau này của nhà nước Đông Ngô, mà tại đó em trai của ông là Tôn Quyền cuối cùng đã xưng Hoàng đế. Sau khi Tôn Quyền lên ngôi, đã truy phong cho anh trai mình làm Trường Sa Hoàn Vương.

Ông được người đời đánh giá là bậc hào kiệt chân chính thời Tam quốc, thậm chí còn khiến cho những nhân vật khét tiếng lúc bấy giờ như Lưu Bị, Viên Thuật, Tào Tháo đều phải dè chừng.

Dù chưa được gặp mặt Tôn Sách vẫn khiến Lưu Bị kinh ngạc

Năm 14 tuổi, Tôn Sách đi tới Thọ Xuân (An Huy) thăm hỏi Viên Thuật. Ông vừa ghé thăm không lâu, người hầu của Viên Thuật liền báo rằng có Dự Châu mục Lưu Bị tới cầu kiến.

Nghe vậy, Tôn Sách lập tức đứng dậy xin cáo từ. Viên Thuật có điểm không vừa lòng, liền hỏi:

"Cậu cùng Lưu Bị vốn chẳng quen biết, tại sao lại phải rời đi?"

Bấy giờ, Tôn Sách mới chỉ là một cậu thiếu niên, nhưng lại nói một câu khiến Viên Thuật không khỏi bất ngờ:

"Viên công nói lời này e rằng có chỗ không đúng. Lưu Bị cũng được coi là một bậc anh hùng. Mà anh hùng cùng anh hùng gặp nhau vốn chẳng có điểm tốt, chỉ biết đố kỵ lẫn nhau thôi!"

Nói xong, Tôn Sách liền bước từ bậc thang phía đông đi xuống. Đúng lúc đó, Lưu Bị cũng từ bậc thang phía Tây đi lên.

Vừa nghiêng đầu nhìn thấy bóng lưng của cậu thiếu niên họ Tôn năm đó, Lưu Bị đã không khỏi kinh ngạc, thậm chí ngơ ngác tới nỗi quên cả bước đi.

Dù chưa được gặp mặt Tôn Sách, nhưng chỉ một bóng lưng của vị thiếu niên hào kiệt trẻ tuổi ấy cũng đủ khiến Lưu Bị kinh ngạc.

Thẳng thắn đòi người, khiến Viên Thuật phải ngưỡng mộ

Năm xưa, cha của Tôn Sách là Tôn Kiên từng đảm nhiệm chức Tá quân Tư Mã, phụng mệnh đi tiêu diệt quân phản loạn Hoàng Cân (Khăn Vàng).

Bấy giờ, cả gia tộc họ Tôn đều được an bài ở tại Thọ Xuân (An Huy). Tôn Kiên từ năm mười mấy tuổi bắt đầu kết giao với khắp các danh nhân, nghĩa sĩ ở nơi này, sớm đã nổi danh và rất có tiếng nói.

Tôn Sách và Chu Du.

Khi ấy, có Chu Du ở Thư Huyện (An Huy) tuổi tác tương đồng với Tôn Sách, từng đặc biệt đi Thọ Xuân để gặp mặt thiếu niên họ Tôn. Hai người tuổi trẻ chí lớn, kết giao làm huynh đệ cùng vào sinh ra tử.

Mẹ Tôn Sách cũng nhận Chu Du làm con nuôi, mà Chu Du từng mời Tôn Sách tới ở tại Thư Huyện.

Năm 191, Tôn Kiên trên đường từ Lạc Dương về Giang Đông đã bị người của Hoàng Cần ám sát tại Kinh Châu. Khi đó, Tôn Sách còn chưa tròn 17 tuổi.

Nhận được tin dữ, ông đã ủy thác việc đưa thi thể của cha mình về Đan Dương (Giang Tô) cho anh họ là Tôn Bôn, còn bản thân thì hộ tống cả gia tộc trở về Giang Tô.

Ba năm sau, Tôn Sách yêu cầu Viên Thuật trả lại các thuộc hạ cũ của cha mình. Viên Thuật ngần ngừ tới cả năm mới đem gần ngàn người giao lại.

Lúc ấy, có người lính vì mắc tội nên sợ bị trách phạt, vì vậy đã tìm cách trốn vào chuồng ngựa trong đại bản doanh của Viên Thuật để đào ngũ. Nghe tin, Tôn Sách trực tiếp dẫn người vào đại doanh, đem đào binh đó bắt ra ngoài, xử tử tại chỗ.

Từ lúc bắt người cho tới khi xử tử, ông không hề chào hỏi Viên Thuật, đến khi mọi chuyện đã đâu vào đó mới tới bẩm báo. Viên Thuật biết chuyện, còn khen Tôn Sách xử trí thích đáng.

Cũng thông qua chuyện này, quân đội tướng sĩ càng thêm kính trọng Tôn Sách. Ngay tới Viên Thuật bấy giờ cũng không khỏi cảm khái mà ước rằng, nếu ông có một người con trai như vậy thì cuộc đời này không còn gì để hối tiếc.

Tôn Sách khóc bên mộ cha.

Bình định Giang Đông, đến Tào Tháo cũng không dám tranh giành

Về sau, Tôn Sách ly khai Viên Thuật, dẫn theo đội quân chỉ vẻn vẹn trên dưới ngàn người đi tới Giang Đông lập nghiệp.

Tôn Sách chấn chỉnh binh lực, quân kỷ nghiêm minh, được dân chúng vùng Giang Đông rất mực yêu kính, các tướng sĩ cũng nguyện vì ông mà tận tâm phục vụ.

Trên đường đi, số người gia nhập đội quân của Tôn Sách ngày càng đông đảo. Từ một đội quân chỉ vẻn vẹn ngàn người, rất nhanh đã lên tới 5,6 ngàn binh lính.

Sau này, có thêm sự giúp sức của Chu Du, họ nhanh chóng đánh chiếm Hoành Giang, Đương Lợi, Đan Dương, Ngô Quận, Giang Hạ, Quế Dương, Linh Lăng, Dự Chương, Lư Lăng, Hội Kê.

Công cuộc bình định Giang Đông của Tôn Sách đã khiến Tào Tháo coi ông là một đối thủ đáng gờm không nên đối địch.

Sau khi Tôn Sách bình định Giang Đông, Tào Tháo nói một câu rất sâu xa: "Không thể tranh giành với một con chó điên". (Theo Tam quốc chí).

Tam quốc diễn nghĩa thì viết rằng, Tào Tháo ví Tôn Sách là "sư nhi" (sư tử non), còn nhận định "không thể cùng nó tranh phong".

Kết quả, Tào Tháo đem cháu gái của mình gả cho người em thứ tư của Tôn Sách, lại để con trai thứ ba cưới con gái của Tôn Bôn, thông qua hôn nhân chính trị để lôi kéo vị quân chủ trẻ tuổi.

Ngay tới một người như Tào Tháo cũng phải coi Tôn Sách là đối tượng không thể cùng tranh giành, điều này đủ để thấy ông được coi là một đối thủ đáng gờm lúc bấy giờ.

Giang Đông Tiểu Bá Vương Tôn Sách.

Tôn Sách được thừa hưởng ngoại hình ưu tú của Tôn Kiên, nói chuyện thông minh, hài hước, thái độ làm người độ lượng, thẳng thắn, là một bậc quân chủ biết lắng nghe ý kiến thuộc hạ, cũng rất biết dùng người.

Năm 200, Tào Tháo đánh trận quyết định với Viên Thiệu tại Quan Độ, dọc theo bờ sông Hoàng Hà, để kinh đô và căn cứ của ông ta tại Hứa Xương vào tình thế ít được bảo vệ. Người ta cho rằng Tôn Sách đã vạch ra kế hoạch tấn công Hứa Xương dưới ngọn cờ giải cứu Hán Hiến Đế, khi đó đang bị Tào Tháo kiểm soát gắt gao. Công việc chuẩn bị cho cuộc tấn công đang tiến hành thì Tôn Sách bị kẻ địch ám sát trong một lần đi săn. Vị anh hùng nức tiếng ấy cứ như vậy buông tay trần thế khi mới ở tuổi 25.

Tôn Sách được đánh giá là thiếu niên hào kiệt, mệnh danh Giang Đông Tiểu Bá Vương, một hào kiệt dũng mãnh như vậy không thể nào lại chết dễ dàng như thế được, chính vì vậy xung quanh cái chết của Tôn Sách có nhiều giả thiết khác nhau như có liên quan tới một đạo nhân hay một nhân vật đa mưu túc trí nức tiếng nhất vùng Giang Đông.

Còn tiếp…

Vdieo: Tôn Sách và Chu Du bàn đại nghiệp.

Quốc Tiệp