TV Show

Tam quốc diễn nghĩa: Chủ nhân thật sự của ngựa Xích Thố chỉ có duy nhất một người, Tào Tháo và Quan Vũ chưa tới lượt

Ngựa Xích Thố là một bảo mã nổi danh thời Tam quốc, từng được ghi lại trong Tam quốc chí và xuất hiện trong Tam quốc diễn nghĩa.

Theo Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, ngựa Xích Thố dài một trượng, cao tám thước, màu đỏ rực như lửa, tuyệt không có một sợi lông tạp, ngày đi ngàn dặm, trèo non vượt suối dễ dàng. Ngựa Xích Thố tùng trải qua nhiều chủ nhân, chủ nhân đầu tiên của Xích Thố là Đổng Trác (132-192), tướng nhà Đông Hán (năm 25-220). Trong triều đình lúc bấy giờ, có rất nhiều người khinh thường con người tàn bạo như Đổng Trác, trong đó có Đinh Nguyên, cũng là một tướng nhà Đông Hán. Trong một lần họp triều, Đinh Nguyên đã chửi thậm tệ vào mặt Đổng Trác, Đổng Trác định chém Đinh Nguyên thì con nuôi của Đông Nguyên là Lã Bố (hay Lữ Bố) từ phía sau xông lên, khí chất anh hùng của Lã Bố đã khiến cho Đổng Trác sững lại, đành phải nhượng bộ. Từ đó, Đổng Trác nảy sinh ý định thu phục Lã Bố.

Ngựa Xích Thố là một bảo mã nổi danh thời Tam quốc.

Vì muốn tiếp cận và thu phục Lã Bố, Đổng Trác đã đem Xích Thố tặng cho Lã Bố. Lã Bố sau khi có được ngựa quý quả nhiên đã giết chết chủ cũ của mình là Đinh Nguyên, quy phục dưới chân Đổng Trác, và trở thành con nuôi của Đổng Trác.

Ngựa Xích Thố đã cùng Lã Bố chinh chiến khắp nơi. Trên chiến trường, ông chuyên cưỡi ngựa Xích Thố, như một mãnh hổ tả xung hữu đột, vạn người không địch nổi. Sau này, Lã Bố bị  trúng kế của một đại thần nhà Đông Hán, giết chết Đổng Trác. Sau đó Lã Bố bị Tào Tháo giết, ngựa Xích Thố thuộc về Tào Tháo, một nhà chính trị, quân sự kiệt xuất cuối thời Đông Hán.

Lã Bố với Phương thiên hỏa kích và ngựa Xích Thố đã trở thành nỗi khiếp sợ trên chiến trường.

Có lẽ do duyên số, Quan Vũ hay còn gọi là Quan Vân Trường, một trong những người có công lớn thành lập nhà Thục Hán vào thế kỷ thứ 2, vì muốn bảo vệ hai vị phu nhân của người anh em kết nghĩa của mình là Lưu Bị đã tạm thời về phe Tào Tháo. Tào Tháo vô cùng quý mến nhân tài như Quan Vũ, cũng muốn bắt chước Đổng Trác tặng ngựa cho anh hùng. Nhưng Quan Vũ không như Lã Bố, ông tiếp nhận Xích Thố là để tìm được Lưu Bị nhanh hơn.

Như vậy, 4 người từng là chủ nhân của Xích Thố trong Tam quốc diễn nghĩa lần lượt là: Đổng Trác, Lã Bố, Tào Tháo và Quan Vũ. Sau khi Quan Vũ thua trận ở Mạch Thành và bị Đông Ngô bắt giết, con ngựa quý của ông đã về tay một tiểu tướng Tôn Ngô là Mã Trung. Tuy nhiên Xích Thố vì thương nhớ chủ cũ nên đã tuyệt thực mà chết không lâu sau đó.

Tuy nhiên, theo sử liệu, ngựa Xích Thố là một con chiến mã nổi tiếng của Lã Bố cuối thời Đông Hán nhưng do sự nổi tiếng của tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, ngựa Xích Thố trong văn hóa dân gian lại gắn liền với hình tượng nhân vật Quan Vũ, mặc dù đó chỉ là hư cấu của nhà văn La Quán Trung và không có bất kỳ một chứng cứ lịch sử nào cho thấy Quan Vũ từng cưỡi một con ngựa gọi là Xích Thố.

Quan Vũ chưa từng cưỡi ngựa Xích Thố.

Ngựa Xích Thố được nhắc đến trong tiểu sử của Lã Bố ở phần Lã Bố truyện trong Tam quốc chí của Trần Thọ và trong Hậu Hán thư của Phạm Diệp. Vào năm 193, Lữ Bố đã cưỡi con ngựa này khi giúp Viên Thiệu đánh bại Trương Yên.

Xích Thố được cho là một con ngựa hay, chạy nhanh như bay, vượt mọi địa hình, thậm chí có thể nhảy qua hào. Trong Tào Man truyện viết rằng: vì thế người đương thời có câu, "Người có Lã Bố, ngựa có Xích Thố".

Sử sách không nhắc đến chuyện ngựa Xích Thố có chủ nào khác ngoài Lã Bố. Không rõ sau khi Lã Bố chết, con ngựa chiến này nếu vẫn còn sống đã về tay ai.

Theo nhiều người nhận định chữ “thố” trong tiếng Hán có nghĩa là thỏ, còn “xích” để chỉ màu đỏ. Tên gọi Xích Thố có phần kỳ lạ với một con ngựa. Tuy nhiên, theo một số ghi chép trong lịch sử thời Tam quốc, nếu đầu của một con ngựa có hình dáng gần giống với đầu của thỏ, thì nó được coi là một con tuấn mã. Như vậy, ngựa Xích Thố chính là để ám chỉ một con ngựa quý có màu đỏ.

Quốc Tiệp (t/h)