An ninh - Hình sự

Tạm giữ đối tượng tâm thần truy sát 3 người thương vong

Trong lúc lên cơn tâm thần, nam thanh niên ở Bình Định dùng rựa truy sát các thành viên trong gia đình khiến 3 người thương vong.

Ngày 30/10, Công an tỉnh Bình Định phối hợp các đơn vị liên quan khám nghiệm hiện trường, điều tra vụ một người tâm thần chém cha, anh trai tử vong, còn mẹ bị thương nặng. Vụ việc xảy ra tại xã Nhơn An, thị xã An Nhơn.

Theo đó, Công an tỉnh Bình Định đang tạm giữ hình sự đối tượng Hồ Thanh Cường (34 tuổi; ngụ thôn Háo Đức, xã Nhơn An, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) để điều tra về hành vi giết người.

Thông tin ban đầu, Hồ Thanh Cường là người khuyết tật, đang điều trị bệnh tâm thần ngoại trú.

Khoảng 9h30 sáng cùng ngày, trong lúc lên cơn tâm thần, Cường đã dùng rựa đuổi chém nhiều người thân trong gia đình.

Lực lượng chức năng có mặt tại hiện trường, điều tra vụ việc. 

Hậu quả, cha của Cường là ông H.H.C. (73 tuổi) chết tại chỗ, anh trai là H.Q.N. (42 tuổi) tử vong trên đường đi cấp cứu, còn mẹ là bà T.T.D. (73 tuổi) bị thương rất nặng, hiện đang được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định.

Theo người dân địa phương, đối tượng Hồ Thanh Cường có biểu hiện bị bệnh tâm thần nên tâm lý thường xuyên bất ổn. 

Vụ việc đang được tiếp tục điều tra, làm rõ.  

Chưa có giải pháp quản lý hữu hiệu 

Trên thực tế, phần lớn bệnh nhân tâm thần được điều trị tại cộng đồng nhưng không phải người bệnh nào cũng được gia đình quan tâm, chăm sóc. Nhiều người bệnh tâm thần không được khám và chữa trị dứt điểm nên bệnh nặng, không kiểm soát được hành vi, dẫn đến những hệ lụy đau lòng, là nỗi lo của toàn xã hội. Pháp luật hiện hành chưa có quy định về việc bắt buộc cách ly người bị bệnh tâm thần với cộng đồng khi người đó chưa thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; kể cả khi họ đã gây án, nếu như mất hoàn toàn khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi thì pháp luật cũng không áp dụng chế tài hình sự đối với người tâm thần.

Hiện nay chưa có giải pháp quản lý hữu hiệu đối với người tâm thần trong cộng đồng, cũng như chưa có giải pháp ngăn ngừa khả năng phạm tội của họ trong khi những người này tiếp tục sống trong cộng đồng. Cả Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và Nghị định số 64/2011/NĐ-CP đều không quy định chữa bệnh bắt buộc đối với người tâm thần bị hạn chế hoặc mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi, khi họ có biểu hiện mắc bệnh để ngăn ngừa những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội.

Nếu sống chung với bệnh nhân tâm thần, để tránh các vụ án thương tâm do người bệnh mất khả năng nhận thức, điều khiển hành vi của mình thì người nhà cần quan tâm, chăm sóc người bệnh; đừng bỏ mặc họ dẫn tới những trường hợp hết sức thương tâm. Cần bố trí khu vực nơi ở cho người bệnh cần đảm bảo khoảng cách an toàn với những người thân còn lại trong gia đình; cho bệnh nhân uống thuốc đều đặn hàng ngày để thuyên giảm triệu chứng bệnh; Không để gần người bệnh các đồ vật sắc nhọn có khả năng trở thành hung khí nguy hiểm; không để cho người bệnh bức xúc, tức giận dễ gây nên tình trạng mất kiểm soát.

Người nhà cần chú ý theo dõi tình hình bệnh sát sao của bệnh nhân để nếu phát hiện các biểu hiện bất thường thể hiện bệnh tình ngày càng nghiêm trọng thì nên cần sự hỗ trợ từ cơ sở khám chữa bệnh. Đối với những người bệnh nặng thì cách tốt nhất để đảm bảo an toàn là nhập viện điều trị. Trường hợp người bị mắc bệnh tâm thần đang điều trị tại nhà có dấu hiệu tái phát thì người thân cần nhanh chóng đưa họ vào bệnh viện tâm thần để tái khám và cần thiết ở lại viện để điều trị cho đến khi an toàn, tình trạng bệnh thuyên giảm mới cho về nhà.

Han (t/h từ Pháp luật Tp.HCM, Người Lao động)