An ninh - Hình sự

Tạm giữ 6 thiếu niên giả dân quân tự vệ trấn lột tiền người đi đường

Sáu thiếu niên mặc quần áo dân quân tự vệ, chạy xe máy tìm người đi đường vi phạm quy định phòng chống dịch rồi yêu cầu kiểm tra để đe doạ, cưỡng đoạt tiền.

Ngày 4/8, cổng thông tin điện tử Công an TP. Hà Nội đăng tải, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đang tạm giữ hình sự sáu thiếu niên để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Những người này gồm Nguyễn Đức Anh (17 tuổi), Phạm Việt Đức (17 tuổi), Nguyễn Đức Quân (15 tuổi), Trần Minh Sang (15 tuổi), Nguyễn Đắc Thắng (17 tuổi), đều trú tại Hà Nội và Nguyễn Văn Tường Huy (15 tuổi, trú Thừa Thiên -Huế).

Theo công an, nhóm thiếu niên trên đã bàn bạc thống nhất với nhau, sẽ mặc quần áo dân quân tự vệ, ra đường tìm người đi đường không đội mũ bảo hiểm, không đeo khẩu trang, vi phạm quy tắc phòng chống dịch. Khi phát hiện người vi phạm sẽ yêu cầu dừng xe tiến hành kiểm tra và đe dọa người vi phạm về trụ sở phường để xử lý với mục đích làm cho người vi phạm sợ phải đưa ra một số tiền để được bỏ qua lỗi.

Trước đó, khoảng 20h ngày 2/8, cả nhóm tập trung tại nhà của Nguyễn Đức Quân tại 253 Văn Chương. Sau đó Quân chở Đức bằng xe máy nhãn hiệu Visson BKS 29H1 - 482.28, Thắng chở Huy bằng xe Honda Visson BKS: 29C1 - 686.48, Sang chở Đức Anh bằng xe máy Honda Wave màu đỏ BKS 29Y6 - 2775. Nhóm này đi trên các tuyến đường ở 4 quận nội thành gồm Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ.

Đến khoảng 1h30 ngày 3/8, nhóm đối tượng phát hiện anh Đ.X.L (SN 1998, Hoàn Kiếm, Hà Nội) chở N.K.D (SN 1992, Hai Bà Trưng, Hà Nội) đang đi xe Wave RSX dưới chân cầu Long Biên. Nhóm này điều khiển xe đuổi theo xe anh L., đến trước số nhà 44 Trần Nhật Duật thì ép anh L. dừng lại và yêu cầu kiểm tra hành chính. Lúc này, trực tiếp Quân và Đức là người dừng xe, Đức xuống xe hỏi lý do ra đường.

Khi anh L. đang mở cốp xe lấy giấy tờ ra thì nghe thấy một đối tượng nói: “Dịch dã thế này ra đường làm gì, có tiền bồi dưỡng mấy anh em đi làm đêm hôm", các đổi tượng còn lại đứng xung quanh gây áp lực. Do lúc này nhóm đối tượng trên mặc trang phục dân quân tự vệ, sợ bị phạt nhiều tiền nên anh L. đã lấy số tiền 341 nghìn đồng có trong người ra đưa cho Đức. Ngay lúc này, hành vi cưỡng đoạt tài sản của nhóm đối tượng đã bị Tổ công tác của Công an quận Hoàn Kiếm phát hiện bắt quả tang. Các đối tượng được đưa về Công an phường Đồng Xuân để làm rõ.

Tại cơ quan công an, các đối tượng còn khai nhận thêm, ngày 29/7, Đức Anh, Thắng, Huy đi quanh khu vực Đống Đa, khi đến khu vực phố Ô Chợ Dừa, phát hiện 2 phụ nữ đi xe máy. Đức Anh, Thắng, Huy dừng xe đe dọa đưa 2 người này về công an phường gần nhất xử phạt hành chính vì vi phạm về phòng chống dịch Covid-19.

Do sợ bị phạt nên 2 người phụ nữ này đã đưa cho nhóm Đức Anh, Thắng, Huy số tiền 600 nghìn đồng để được bỏ qua.

Cũng bằng thủ đoạn tương tự, ngày 31/7, Quân, Huy, Đức Anh và Sang đi quanh khu vực Chợ Giời (quận Hai Bà Trưng), chiếm đoạt được số tiền 2 triệu đồng của 1 nam thanh niên.

Ngày 1/8, Quân, Thắng, Huy, Đức đi quanh khu vực quận Thanh Xuân, khi đến đường Trường Chinh giao Giải Phóng đã cưỡng đoạt số tiền 200 nghìn đồng của 1 nam thanh niên dắt xe máy do hết xăng.

Quá trình bắt quả tang các đối tượng, lực lượng chức năng đã thu giữ tang vật gồm 3 dùi cui gỗ màu đỏ, trắng; 1 gậy chỉ huy giao thông; 2 dùi cui điện; 3 bộ đàm; 1 súng bắn đạn nhựa và số tiền 341 nghìn đồng vừa cưỡng đoạt được.

Hiện, Công an quận Hoàn Kiếm đang tạm giữ hình sự đối với nhóm đối tượng trên. Ai là người bị hại, đề nghị liên hệ với Công an quận Hoàn Kiếm để trình báo.

Cưỡng đoạt tài sản bị xử lý như thế nào?

Tội cưỡng đoạt tài sản được quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015, cụ thể như sau:

Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 1 đến 5 năm.

Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 đến 10 năm: Phạm tội có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 đến dưới 200 triệu đồng; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tái phạm nguy hiểm.

Trường hợp chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 đến dưới 500 triệu đồng hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để chiểm đoạt tài sản thì người phạm tội bị phạt tù từ 7 đến 15 năm.

Nặng nhất, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 12 đến 20 năm khi chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên hoặc lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

Ngoài ra, hình phạt bổ sung được áp dụng với Tội cưỡng đoạt tài sản là phạt tiền từ 10 đến 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Lưu ý, người từ đủ 14 đến dưới 16 chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với Tội cưỡng đoạt tài sản áp dụng khung hình phạt từ 3 đến 10 năm trở lên (căn cứ theo Điều 12 Bộ luật Hình sự).

Trường hợp người dưới 16 tuổi không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt hành chính về hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Trong đó, hành vi cưỡng đoạt tài sản được xếp vào các hành vi dùng thủ đoạn để buộc người khác đưa tiền, tài sản. Theo điểm c khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, mức phạt hành chính cho hành vi dùng thủ đoạn hoặc tạo ra hoàn cảnh để buộc người khác đưa tiền, tài sản là phạt tiền từ 2 đến 5 triệu đồng.

H.H