An ninh - Hình sự

Tạm giam nhóm đối tượng giả doanh nhân, lừa tình, tiền nhiều phụ nữ

Đối tượng giả doanh nhân, quân nhân nước ngoài gửi quà, tiền về nước cần có người đóng phí để nhận. Chiêu thức cũ, nhưng nhiều phụ nữ Việt vẫn bị lừa mất tiền.

Dùng CMND giả để rút tiền

Ngày 24/5, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã khởi tố, tạm giam nhóm bị can lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều phụ nữ Việt để điều tra, làm rõ.

Các đối tượng gồm: Lê Văn Nam, 29 tuổi, quê Thanh Hóa, tạm trú huyện Bình Chánh, TP.HCM; Phạm Văn Châu, quê Hậu Giang, Nnamdi Chikeluba Nwoye, 31 tuổi, quốc tịch Nigeria, hiện trú tại quận 1, TP.HCM. Riêng Cao Lê Thị Duyên, 37 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM tạm thời được cho tại ngoại.

Đối tượng Lê Văn Nam.

Trước đó, Công an xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM nhận được tin báo của 1 chi nhánh ngân hàng trên địa bàn xã Bình Hưng về việc phát hiện 1 người đàn ông giả danh khách hàng để rút tiền trong tài khoản.

Cụ thể, nhân viên ngân hàng cho biết, người đàn ông sử dụng CMND mang tên Lê Quốc T. đến mở tài khoản thanh toán, thay đổi chữ ký và rút thành công 45 triệu đồng.

Đến khi anh T. chủ của tài khoản đi rút tiền thì phát hiện bị mất 45 triệu đồng trong tài khoản của mình. Sau đó, anh T. đến báo sự việc với ngân hàng.

Sau khi làm việc với anh T. và đối chiếu thông tin, phía ngân hàng xác định người thực hiện giao dịch đã sử dụng giấy CMND giả. Ngay sau đó, ngân hàng trình báo vụ việc với Công an xã Bình Hưng, đồng thời cảnh báo đến toàn bộ nhân viên đang làm việc tại ngân hàng.

Tiếp đó, vào khoảng 9h ngày 26/3, nhân viên ngân hàng phát hiện người đàn ông hôm trước lại tiếp tục mang theo CMND tên Võ Hoàng L. đến ngân hàng để rút tiền.

Nhận thấy dấu hiệu khả nghi, nhân viên này đã báo cơ quan Công an xã Bình Hưng đến điều tra. Ngay lập tức, đối tượng được mời về cơ quan công an làm việc.

Tại cơ quan công an, người này khai tên Lê Văn Nam và thừa nhận sử dụng CMND giả mạo anh T. để rút 45 triệu. Đối tượng khai thêm, người đưa giấy CMND giả để y thực hiện là Phạm Văn Châu (ở cùng nhà trọ). Khi nhận được CMND từ Châu, Nam sẽ thay hình mình vào rồi đến ngân hàng rút tiền.

Ngay lập tức, Công an huyện Bình Chánh phối hợp với phòng An ninh kinh tế và phòng cảnh sát hình sự Công an TP.HCM vào cuộc điều tra, truy xét. Kiểm tra phòng trọ, công an bắt giữ đối tượng Châu và thu giữ 400 giấy CMND, 44 giấy phép lái xe, 80 thẻ ATM.

Tại cơ quan điều tra, Châu khai, năm 2019, làm thuê tại quán cơm ở quận Phú Nhuận do người phụ nữ tên Na làm chủ nhưng sau đó nghỉ việc. Đến năm 2020, người phụ nữ tên Na gặp lại Châu và đề xuất việc mở các tài khoản ngân hàng, bán lại kiếm lời.

Na cam kết sẽ mua lại mỗi tài khoản giá 10 triệu đồng. Châu đồng ý. Người này gom các giấy CMND từ nhiều nguồn rồi thuê các đối tượng mua sim điện thoại, đến ngân hàng mở tài khoản có đăng ký mobile banking và internet banking, rồi bán cho Na khoảng 50 tài khoản.

Đồng thời, Châu cũng cung cấp cho Nam nhiều CMND để thực hiện hành vi rút trộm tiền trong các tài khoản ngân hàng.

Nhiều phụ nữ Việt bị lừa

Từ những lời khai trên, Công an huyện Bình Chánh nhanh chóng xác định và bắt giữ bà Na, tên thật là Cao Lê Thị Duyên, 37 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận.

Làm việc với công an, Duyên khai nhận toàn bộ hành vi. Theo đó, khoảng 6 năm trước, Duyên sang Malaysia làm nail và quen Obinna (người Nigeria), sống với nhau như vợ chồng và có 1 con chung.

Bạn của Obinna tên là Nnamdi Chikeluba Nwoye (31 tuổi, người Nigeria) biết Duyên là người Việt Nam nên rủ thực hiện hành vi lừa đảo các phụ nữ bằng thủ đoạn giả doanh nhân, quân nhân… kết bạn qua mạng xã hội rồi hứa hẹn chuyện tình cảm, gửi quà, tiền sang nhờ giữ dùm hoặc đầu tư…

Trong “kịch bản”, Duyên đóng vai trò giả làm nhân viên hải quan, nhân viên sân bay, thông báo hàng đã tới nhưng bị tạm giữ, yêu cầu đóng các khoản thuế, phí...

Đồng thời, Duyên cũng là người cung cấp số tài khoản để cho các nạn nhân chuyển tiền. Mỗi vụ, Duyên được chia 10% số tiền lừa được. Ngoài ra, với mỗi tài khoản mua được từ Châu, Duyên bán lại cho các đối tượng ngoại quốc với giá 12 triệu đồng, lấy lời 2 triệu đồng/ tài khoản.

Trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến nay, Duyên đã sử dụng rất nhiều tài khoản ngân hàng vào các vụ lừa đảo bằng thủ đoạn nói trên và không thể nhớ hết.

Tiếp theo đó, Công an huyện Bình Chánh nhanh chóng xác định và bắt đối tượng liên quan là người Nigeria đang sinh sống tại TP.HCM là Nnamdi Chikeluba Nwoye, 31 tuổi, tạm trú quận 1 để lấy lời khai, điều tra, làm rõ.

Theo điều tra, mỗi tài khoản ngân hàng mà nhóm này sử dụng để lừa đảo ít nhất là vài chục triệu, có khi lên đến hàng chục tỷ đồng. Hiện, Duyên đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi nên cơ quan điều tra tạm thời cho tại ngoại, chờ xử lý. Vụ việc vẫn đang được mở rộng điều tra, làm rõ.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM cũng phát đi thông báo, ai là nạn nhân của nhóm lừa đảo trên, liên lạc ngay với Đội 4 - phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM (số 459 Trần Hưng Đạo, P.Cầu Kho, Q.1, TPHCM; điện thoại: 0693.187.200) để cung cấp thông tin.

Đối tượng Phạm Văn Châu.

Chiêu thức cũ nhưng nhiều người vẫn sập bẫy

Thời gian qua, báo chí cũng đã thông tin về một số vụ việc liên quan đến các nhóm lừa đảo dùng chiêu thức đóng phí nhận quà để dẫn dụ con mồi.

Các nhóm lừa đảo này thường chọn con mồi là những người phụ nữ nhẹ dạ cả tin. Đồng thời, đánh vào lòng tham và sự thiếu hiểu biết pháp luật của người dân để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Gần đây nhất là trường hợp một người phụ nữ ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM bị lừa mất 2,5 tỷ đồng. Khi đến trình báo cơ quan công an, Bà H. cho biết có quen một người đàn ông tự xưng là quân nhân người Syria qua mạng xã hội. Nói chuyện qua lại được một thời gian thì nảy sinh tình cảm.

Sau đó, vào đầu tháng 3/2021, người đàn ông này hứa hẹn với bà H. sẽ về Việt Nam làm đám cưới với bà nên gửi một thùng quà bên trong có 700.000 USD cho bà H. giữ giúp. Bà H. đồng ý.

Đến 3/3, bà H. nhận được cuộc điện thoại báo thùng quà đã về đến Việt Nam nhưng đang bị kẹt lại ở hải quan sân bay.

Người gọi đến yêu cầu bà đóng tiền phí là 2,5 tỷ đồng mới có thể nhận được quà. Không một chút nghi ngờ, bà H. chuyển khoản đủ số tiền 2,5 tỷ sau 12 lần giao dịch vào số tài khoản mà người kia cung cấp.

Nhưng vài ngày sau bà H. vẫn chưa nhận được thùng quà nên đã đến trình báo cơ quan công an.

Một vụ việc tương tự cũng xảy ra ở quận Gò Vấp, TP.HCM. Nạn nhân là bà L.T.L.L (50 tuổi) bị lừa hơn 1 tỷ đồng.

Theo một cán bộ Công an TP.HCM, hiện nay, các thiết bị công nghệ ngày càng phát triển. Bên cạnh tội phạm truyền thống, các đối tượng xấu lợi dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi phạm tội cũng ngày một gia tăng, các chiêu trò tinh vi và phức tạp hơn. Do đó, người dân cần đề cao cảnh giác.

Hồng Ngọc