Dân sinh

Tạm đình chỉ doanh nghiệp khai thác nước ngầm do sụt lún bất thường

Hàng trăm giếng nước khô cạn, nhiều nhà bị rạn nứt nghiêm trọng. Vì vậy, các doanh nghiệp phải tạm dừng việc khai thác nước để điều tra, làm rõ.

Người dân sống trong sợ hãi khi nhà nứt nẻ, giếng khô cạn đáy

Ngày 14/5, UBND huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An đã có thông báo về việc tạm dừng bơm hút, khai thác nước ngầm đối với một số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp.

Theo đó, UBND huyện yêu cầu tất cả các tổ chức, cá nhân tạm dừng việc bơm hút nước, khai thác nước ngầm tại khu vực bản Na Hiêng, bản Công, bản Na Noong, bản Poong, xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An. Thời gian tạm dừng việc bơm hút nước, khai thác nước ngầm từ ngày thông báo đến khi có thông báo mới.

Huyện Quỳ Hợp giao UBND xã Châu Hồng phát thông báo này đến tận các tổ chức liên quan và ban cán sự các xóm nêu trên, thông báo trên hệ thống loa phát thanh của UBND xã và các xóm, bản để nhân dân được biết và chấp hành. Kiểm tra, giám sát việc chấp hành của các tổ chức, cá nhân bơm hút, khai thác nước ngầm tại các xóm nêu trên. Nếu các tổ chức, cá nhân vẫn tiếp tục cố tình khai thác thì lập hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật.

Nhiều nhà dân xuất hiện việc nứt tường.

Động thái này xuất phát từ việc, từ tháng 12/2020 đến nay, tại xã Châu Hồng đã liên tiếp xảy ra các điểm sụt lún, gây hư hỏng, nứt nẻ nhà, ảnh hưởng đến tính mạng của người dân. Bên cạnh đó, khoảng 280 giếng nước tại đây cũng khô cạn bất thường dẫn đến tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Theo tìm hiểu, hiện tượng sụt lún đất, giếng nước sinh hoạt bị cạn xảy ra chủ yếu ở 3 bản Na Hiêng, Công và Na Noong của xã Châu Hồng. Đặc biệt, riêng tại bản Na Hiêng có hơn 100 ngôi nhà xuất hiện tình trạng nứt tường, nền nhà, gạch nền bong tróc nham nhở.

Ông Trịnh Văn Tùng (trú bản Poòng, xã Châu Hồng) cho hay: “Lâu nay người dân ở đây luôn sống trong cảnh bất an vì đất sụt lún, giếng nước trơ đáy. Gần đây, hàng trăm ngôi nhà bắt đầu nứt nẻ, khiến cho cuộc sống người dân bị đảo lộn”.

Anh Lương Văn Thắm (SN 1985, trú bản Na Noong, xã Châu Hồng) nhớ lại, khoảng 10h ngày 15/10/2021, khi 2 đứa con của anh đang chơi ở sân thì bất ngờ nghe tiếng động mạnh. Sau khi kiểm tra anh phát hiện khu vực sân nhà mình xuất hiện nhiều vết nứt. Dùng khoan đục xuống thì thấy một hố lớn đầy nước rộng chừng 6m, sâu khoảng 2,5m.

“Lo lắng cho tính mạng, tôi đã phải đưa bố mẹ già cùng 2 người con di dời đến ở nhờ nhà người thân và báo chính quyền địa phương. Đến nay, đã hơn nửa năm trôi qua, nhiều đoàn của huyện vào kiểm tra nhưng vẫn chưa xác định được nguyên nhân xảy ra hiện tượng này”, anh Thắm lo lắng nói.

Nhiều khu vực sân nhà dân xuất hiện vết nứt to bằng bàn tay.

Không chỉ ở nhà dân, tình trạng nứt tường nhà, bục nền gạch còn xảy ra tại trường mầm non xã Châu Hồng. Theo cô Trần Thị Hòa, Hiệu trưởng nhà trường, hiện tượng này bắt đầu xuất hiện cách đây gần 1 tháng, nếu vẫn tiếp tục diễn ra thì sẽ rất nguy hiểm đối với học sinh và giáo viên.

“Hiện, nhà trường cũng đã kiến nghị lên cấp trên tu sửa lại những vị trí bị hư hỏng để đảm bảo công tác dạy và học”, cô Hòa nói.

Kiểm tra nhiều lần vẫn chưa rõ nguyên nhân

Ông Trương Văn Hóa, Chủ tịch UBND xã Châu Hồng cho biết, hiện tượng sụt đất bắt đầu xảy ra từ giữa tháng 12/2020 và đến nay đã có 14 hố sụt lún. Đặc biệt, hiện tượng này xuất hiện cùng thời điểm hàng trăm ngôi nhà bị rạn nứt, gần 280 giếng nước khô cạn đã khiến người dân vô cùng hoang mang.

“Sau khi xảy ra hiện tượng này, nhiều đoàn công tác của huyện Quỳ Hợp; các sở, ngành tỉnh Nghệ An đã trực tiếp về kiểm tra nhưng đến nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân”, ông Hóa nói.

Chính quyền phải cắm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm.

Liên quan đến vấn đề này, vừa qua, UBND huyện Quỳ Hợp đã ký hợp đồng với Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ để tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng, xác định nguyên nhân sụt lún đất và giếng nước khô cạn tại bản Na Hiêng, bản Công, bản Quèn và các khu vực có sụt lún đất trong diện tích nghiên cứu.

Đơn vị này sẽ tìm kiếm, khoanh định các khu vực phát triển hang hốc trong đá carbonat và hầm lò khai thác phân bố dưới trầm tích mỏng, có nguy cơ sụt lún đất. Từ đó, đề xuất các biện pháp phòng tránh hợp lý nhằm ngăn chặn các sự cố gây thiệt hại cho người tài sản có thể xảy ra.

Trong thời gian chờ kết luận của cơ quan chuyên môn, UBND xã Châu Hồng đang tiếp tục theo dõi, bám sát thường xuyên, liên tục các điểm sụt lún và các điểm có nguy cơ. Làm rào chắn, biển cảnh báo, san lấp để đảm bảo an toàn tuyệt đối tài sản, tính mạng, gia súc của nhân dân.

Do giếng khô hạn nên người dân và trường học phải đi mua nước về dùng.

Được biết, xã Châu Hồng được xem như “thủ phủ khoáng sản” của huyện Quỳ Hợp, với hàng loạt mỏ quặng rầm rộ khai thác khoảng 20 năm nay. Cũng theo ông Trương Văn Hóa, trên địa bàn xã hiện nay có đến 11 doanh nghiệp khai thác khoáng sản. Bao gồm 5 doanh nghiệp khai thác quặng, 7 doanh nghiệp khai thác đá. Vị trí mỏ khai thác này nằm ở bản Na Hiêng, chỉ cách nhà dân chừng 400m.

Gần đây nhất, khi doanh nghiệp sử dụng phương tiện, máy móc hiện đại hơn, nhất là trong lĩnh vực khai thác quặng thiếc dưới lòng đất, thì những hiện tượng bất thường như trên xuất hiện.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Đức Lợi, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho hay, 2 năm nay, có rất nhiều đoàn của sở Tài nguyên và Môi trường, sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lên tận xã Châu Hồng kiểm tra. Tuy nhiên, sau đó các đoàn đều không thể đưa ra kết luận.

“Họ chỉ đưa ra nhận định do mạch nước ngầm bị cạn kiệt. Chứ chưa thể khẳng định có phải do hoạt động khai thác khoảng sản hay không. Trong khi, để có giải pháp thì trước tiên phải tìm ra được nguyên nhân. Vì thế, địa phương đang phải ký hợp đồng thuê Liên đoàn địa chất Bắc Trung bộ lên điều tra, xác định nguyên nhân”, ông Lợi nói.