Thế giới

Taliban chuẩn bị ra mắt chính phủ mới trong tình hình kinh tế bất ổn

Taliban chuẩn bị ra mắt chính phủ mới, sau hơn 2 tuần kể từ khi tiến vào Kabul. Mọi thứ sẽ không dễ dàng khi nền kinh tế Afghanistan đang đối diện nhiều bất ổn.

Hơn 2 tuần sau khi lực lượng Taliban chiếm thủ đô Kabul và kết thúc của cuộc chiến kéo dài 20 năm, hôm nay (2/9), Taliban cho biết họ đang chuẩn bị công bố chính phủ mới.

Trên mạng xã hội, ông Ahmadullah Muttaqi – một quan chức Taliban cho biết, một buổi lễ đang được chuẩn bị tại dinh tổng thống ở Kabul. Trong khi phát ngôn viên của Taliban, Zabihullah Mujahid chia sẻ với Reuter rằng ông không thể đưa ra ngày cụ thể, nhưng nó có thể diễn ra trong vài ngày tới. 

Thủ lĩnh của lực lượng này, Haibatullah Akhundzada được dự đoán sẽ nắm quyền lực tối cao trong hội đồng chính phủ, dưới ông sẽ là Tổng thống.

Lãnh đạo tối cao của Taliban có 3 cấp phó gồm: Mawlavi Yaqoob, con trai của người sáng lập Taliban, Mullah Omar; Sirajuddin Haqqani, thủ lĩnh của mạng lưới Haqqani; Abdul Ghani Baradar, một trong những thành viên sáng lập của nhóm.

Cách Taliban vận hành chính phủ là thành lập một hội đồng lãnh đạo không thông qua bầu cử.

Các tay súng của Taliban xuất hiện tại quảng trường chính ở thành phố Kabul, Afghanistan vào ngày 1/9/2021. (Ảnh: Reuters)

Kể từ khi tiến vào Kabul, Taliban đã cố gắng thể hiện hình ảnh ôn hòa hơn. Lực lượng này hứa sẽ bảo vệ nhân quyền và không trả thù những người từng phục vụ Mỹ cũng như chính phủ cũ.

Trước đó, ngày 17/8, Taliban đã thông báo ân xá cho tất cả các quan chức chính phủ, đồng thời kêu gọi họ trở lại làm việc.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình bất ổn và hỗn loạn tại Afghanistan hiện nay. Ông kêu gọi lực lượng Taliban bảo đảm cho việc tiếp cận nhân đạo một cách đầy đủ và bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân, nhân viên Liên Hợp quốc và ngoại giao đoàn.

Thế nhưng, có vẻ như lời hứa hẹn của Taliban không chiếm được lòng tin từ Mỹ, Liên minh châu Âu và nhiều nước khác. Việc chính phủ mới được công nhận hay không sẽ tùy thuộc vào thái độ và hành động của họ. Với một chính phủ mới, được công nhận là điều kiện tiên quyết để xác định, họ có thể nhận viện trợ hay không?. 

Trong cuộc họp báo ngày 1/9, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho biết: "Chúng tôi sẽ không đưa ra đánh giá dựa trên lời nói mà sẽ dựa trên hành động của họ".

Tình hình Afghanistan đang vô cùng nghiêm trọng. Nhiều khả năng đất nước này sẽ rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế - nhân đạo lớn nhất từ trước đến nay. Các ngân hàng đóng cửa, nhiều người dân bị "kẹt" tiền trong chính tài khoản của mình. Hệ luỵ  của cuộc xung đột kéo dài 20 năm với khoảng 240.000 người thiệt mạng cũng để lại những vết thương khó lành cho Afghanistan. Bên cạnh đó, hạn hán hoành hành cũng là yếu tố cộng hưởng khiến tình hình trở nên nghiêm trọng.

Afghanistan đang rất cần tiền và Taliban khó có thể tiếp cận nhanh chóng với khối tài sản ước tính khoảng 10 tỷ USD, chủ yếu do ngân hàng trung ương Afghanistan nắm giữ ở nước ngoài.

Vào 23/8, Taliban đã bổ nhiệm Haiji Mohammad Idris làm quyền Thống đốc Ngân hàng trung ương Afghanistan nhưng mọi thông tin về nhân vật này đều khó tiếp cận. Hơn nữa lực lượng này chưa cho thấy, họ sẽ đảm bảo nguồn vốn duy trì hệ thống tài chính bằng cách nào. Đây cũng là một trong những lý do người dân mất niềm tin vào hệ thống ngân hàng trọng điểm này.

Trong một báo cáo từ Fitch Group, GDP của Afghanistan có thể sẽ giảm 9,7% trong năm tài khóa 2021 và sẽ tiếp tục giảm thêm 5,2% trong năm 2022.

Min (Nguồn Reuters)