Góc nhìn luật gia

Yêu cầu tài xế xe quá tải "khôi phục lại tình trạng ban đầu" của cầu, đường có khả thi?

Việc chở hàng hóa vượt quá tải trọng cầu, đường là hành vi nguy hiểm vì gây ảnh hưởng xấu, làm hư hại hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, ảnh hưởng tới ATGT.

Vừa qua, Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng nặng chế tài xử lý đối với chủ xe, lái xe vi phạm tải trọng cầu đường.

Cụ thể, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về kiểm soát tải trọng xe theo Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 25/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, Bộ cần yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện nghiêm quy định về kiểm soát tải trọng đối với xe vận chuyển vật liệu ra vào công trường thi công; ban hành văn bản hướng dẫn các cơ quan chức năng có liên quan trong việc phát hiện, xử lý vi phạm tải trọng đối với ô tô tải tự đổ có kích thước thùng hàng lớn được sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu trước ngày Thông tư số 32/2012/TT-BGTVT có hiệu lực.

Cần tước giấy phép kinh doanh với doanh nghiệp "nhờn" Luật

Trước nội dung này, nhằm cung cấp thêm các thông tin tới độc giả, Người đưa tin (NĐT) đã có trao đổi với Luật sư Hoàng Văn Tùng – Trưởng Văn phòng Luật sư Trung hòa, Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội.

Luật sư Hoàng Tùng cho biết, theo quy định hiện hành, tải trọng của đường bộ là khả năng chịu tải khai thác của cầu và đường để bảo đảm tuổi thọ công trình theo thiết kế. 

Khả năng chịu tải khai thác của cầu được xác định theo hồ sơ thiết kế cầu và tình trạng kỹ thuật thực tế của cầu, được cơ quan có thẩm quyền công bố hoặc được thể hiện bằng biển báo hiệu hạn chế tổng trọng lượng xe qua cầu theo quy định về báo hiệu đường bộ.

Khả năng chịu tải khai thác của đường được xác định theo hồ sơ thiết kế mặt đường và tình trạng kỹ thuật thực tế của đường, được cơ quan có thẩm quyền công bố hoặc được thể hiện bằng biển báo hiệu hạn chế trọng lượng trên trục xe theo quy định về báo hiệu đường bộ.

Phân tích cụ thể, Luật sư Tùng nhấn mạnh về mức xử phạt khi vi phạm lỗi quá tải trọng cầu, đường theo quy định mới nhất năm 2022 căn cứ quy định tại Điều 33 và Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP Mức xử phạt người điều khiển xe bánh xích; xe quá tải trọng, quá khổ giới hạn của cầu, đường (kể cả xe ô tô chở hành khách) cao hơn đáng kể so với quy định cũ.

Ngoài việc bị phạt tiền, phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe, bên phía vận tải quá tải còn phải áp dụng thêm biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc phải hạ phần hàng quá tải, dỡ phần hàng quá khổ theo hướng dẫn của lực lượng chức năng tại nơi phát hiện vi phạm; nếu gây hư hại cầu, đường phải khôi phục lại tình trạng như ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.

Về khía cạnh đối với doanh nghiệp vận tải, vị Luật sư này phân tích, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này có trách nhiệm đưa xe đúng tải trọng thiết kế, bảo đảm an toàn kỹ thuật và đủ tiêu chuẩn an toàn về môi trường vào để vận chuyển hàng hóa.

Chủ hàng có trách nhiệm xếp hàng đúng tải trọng của từng chiếc xe do chủ xe cung cấp. Trách nhiệm pháp lý cụ thể giữa chủ hàng và chủ xe được xác nhận thông qua hợp đồng dịch vụ vận chuyển và biên bản giao nhận hàng hóa cụ thể của từng chuyến hàng.

Bên nào vi phạm bên đó phải chịu chế tài xử phạt theo quy định. Trong việc vi phạm tải trọng của xe, trách nhiệm của chủ xe và chủ doanh nghiệp là lớn nhất.

"Bởi điều họ quan tâm nhất là doanh thu, làm sao để đạt được doanh thu lớn nhất. Vì muốn có doanh thu lớn nhất thì tất nhiên họ sẽ ra quyết định để tài xế điều chỉnh, cơi nới xe,… để làm tăng tối đa khả năng vận chuyển của xe. Xe càng chở được nhiều thì mức thu lợi càng lớn, càng tăng doanh thu", Luật sư Tùng bày tỏ quan điểm.

Luật sư Hoàng Tùng cho biết, tại Điều 30, Nghị định 171/2013- NĐ-CP, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải đã quy định về việc xử phạt chủ phương tiên vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ.

Từ những quan điểm, phân tích trên, vị Luật sư này khẳng định: Cần thiết phải áp dụng chế tài xử phạt nặng hơn nữa đánh trực tiếp vào lợi ích kinh tế của chủ hàng và chủ xe để buộc chấp hành pháp luật, thậm chí tái phạm nhiều lần có thể bị áp dụng chế tài xử phạt bổ sung là bị thu hồi giấy phép kinh doanh.

"Lí do duy nhất để các chủ hàng, chủ xe vi phạm tải trọng chính là vì doanh thu, lợi nhuận. Vì do áp lực về kinh doanh trong thời kỳ khó khăn do giá xăng dầu tăng cao, vẫn còn nhiều chủ phương tiện và lái xe tìm nhiều cách trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.

Thông qua chế tài xử phạt nặng áp dụng cho tất cả các bên có liên quan, sẽ từng bước góp phần xây dựng được ý thức trách nhiệm của chủ hàng và chủ xe trong việc chấp hành pháp luật liên quan đến việc xếp hàng, chở hàng đúng tải", vị Luật sư góp ý.

"Hình thức phạt bổ sung còn nhẹ"

Cùng quan điểm với Luật sư Hoàng Tùng, Luật sư Nguyễn Thanh Tùng – Giám đốc Công ty Luật TNHH ICC Việt Nam cho biết, việc chở hàng hóa vượt quá tải trọng cầu, đường là hành vi nguy hiểm vì gây ảnh hưởng xấu, làm hư hại hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ. Bên cạnh đó còn là nguy cơ mất an toàn giao thông, gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông.

Vị Luật sư này bày tỏ quan điểm: Đối với đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định theo hướng tăng nặng chế tài xử lý đối với lái xe, chủ xe ôtô tải có hành vi chở hàng hoá vi phạm tải trọng cầu, đường, là đúng vì mức phạt tiền như hiện nay là khá thấp, hình thức xử phạt bổ sung còn nhẹ.

Ở một khía cạnh khác, Luật sư Thanh Tùng nhận định: Việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc người vi phạm phải khôi phục lại tình trạng ban đầu có vẻ không khả thi vì rất khó chứng minh cầu, đường bị hỏng là do vi phạm hành chính cụ thể nào gây ra.

Trong trường hợp có chứng minh được thì việc sửa cầu, đường, đường quốc lộ cũng cần phải được tiến hành bởi chủ đầu tư hoặc tổ chức có chuyên môn chứ không thể để cá nhân, tổ chức vi phạm tự sửa được, vì vậy biện pháp này ít được áp dụng trong thực tế và không phát huy được hiệu quả.

Từ đó, việc tăng mức phạt tiền, tăng nặng hình thức xử phạt bổ sung là giải pháp khả thi nhất để ngăn chặn hành vi này.

Điều 33 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt và Nghị định số 123/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì người điều khiển xe chở quá tải trọng sẽ bị xử phạt với mức phạt tương ứng như sau:

Quá tải 10-20%: Phạt tiền từ 4.000.000 đến 6.000.000 đồng;

Quá tải 20-50%: Phạt tiền từ 13.000.000 đến 15.000.000 đồng;

Quá tải trên 50%: Phạt tiền từ 40.000.000 đến 50.000.000 đồng.