Hồ sơ điều tra

Tài xế Mercedes gây tai nạn cho nữ tiếp viên VNA lĩnh 7,5 năm tù

Sau 2 ngày xét xử, TAND quận Phú Nhuận đã tuyên án đối với nam tài xế lái xe Mercedes gây tai nạn nghiêm trọng cho nữ tiếp viên hàng không Vietnam Airlines.

Nạn nhân đòi bồi thường 1,4 tỷ đồng

Chiều 16/12, TAND quận Phú Nhuận, TP.HCM đưa ra phán quyết với bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong, 32 tuổi, ngụ quận Gò Vấp về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Theo hồ sơ, 5h ngày 30/1 (mùng 6 Tết Canh Tý), chị Nguyễn Thị Bích Hường (30 tuổi, nữ tiếp viên của hãng hàng không Vietnam Airlines) đặt xe máy qua ứng dụng Grab để đi làm.

Đồng thời, Nguyễn Trần Hoàng Phong lái xe ô tô Mercedes từ tầng hầm tòa nhà số 108 Hồng Hà, quận Phú Nhuận về ngã tư Hoàng Minh Giám.

Khi đến trước nhà số 123 Hồng Hà, do không làm chủ tốc độ, Phong đã lao xe sang làn đường ngược chiều, tông vào xe máy của ông Lê Mạnh Thường (tài xế GrabBike). Lúc này, ông Thường chở chị Hường lưu thông theo chiều ngược lại.

Vụ tai nạn khiến ông Thường tử vong tại bệnh viện. Chị Hường bị gãy xương đùi, vỡ xương chậu, gãy xương bàn chân... và được kết luận có tỷ lệ thương tật 79%. Đến 22h30 ngày 1/2, Phong đến cơ quan điều tra đầu thú.

Tại phiên tòa vào sáng 15/12, bị cáo Phong cho biết, đã sử dụng giấy phép lái xe và chứng minh nhân dân giả để thuê xe Mercedes của công ty TNHH K.G do ông H.C.T làm giám đốc. Phong hẹn bạn tới căn hộ của T. rồi cùng đi Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận).

Khoảng 5h30 ngày 30/1, Phong chở theo nhóm bạn lên đường đi Phan Thiết. Tuy nhiên, sau khi Phong khởi hành được khoảng 700m thì xảy ra tai nạn.

Thời điểm đó, Phong ra khỏi ô tô và gọi xe cấp cứu đến hỗ trợ người bị nạn. Khi gọi điện, Phong xưng tên My (tên của mẹ Phong) rồi rời khỏi hiện trường và không quay lại.

Bị cáo Phong nói, do hoảng loạn, không biết phải làm gì nên về nhà. Cùng ngày, Phong đón xe đi Phan Thiết rồi tiếp tục lên Đà Lạt cho đến khi quay lại TP.HCM để đầu thú vào 1/2. Thời gian này, Phong vứt bỏ sim điện thoại cùng bằng lái xe, chứng minh nhân dân giả.

Ngày 31/1, bị cáo gọi điện cho một người bạn tên D., nhờ người này chuyển 150 triệu đồng cho người bị hại. Trong đó, 120 triệu đồng chuyển cho người thân của tài xế GrabBike là ông Lê Mạnh Thường (tử vong) và 30 triệu đồng cho người đi cùng là chị Nguyễn Thị Bích Hường (thương tật 79%).

Theo lời khai của Phong, 2 ngày trước khi xảy ra vụ tai nạn, bị cáo đến quán bar ở TP.Phan Thiết, Bình Thuận và có sử dụng ma túy.

"Trước khi xảy ra tai nạn 2 ngày, bị cáo đi Phan Thiết và đến một quán bar với người bạn. Bạn của bị cáo đưa ly nước cho bị cáo uống. Khi đó, bị cáo không biết ly nước có ma túy. Khi xét nghiệm dương tính với ma túy, bị cáo nghĩ lại thì cho rằng trong ly nước đó có ma túy", Phong khai.

Phiên tòa xét xử tài xế lái xe Mercedes gây tai nạn giao thông nghiêm trọng diễn ra trong 2 ngày 15, 16/12.

Tại phiên tòa, bị hại Nguyễn Thị Bích Hường cho biết, sau vụ tai nạn đã bị suy giảm 75% khả năng lao động.

Sau khi tính toán các thiệt hại, luật sư của chị Hường yêu cầu tổng mức bồi thường là hơn 1,4 tỷ đồng gồm chi phí trả người chăm sóc, bồi thường thu nhập thực tế, bồi thường thiệt hại do chưa hồi phục sức khỏe, chi phí nuôi con nhỏ...

Về phía gia đình ông Lê Mạnh Thường, luật sư của gia đình yêu cầu bị cáo bồi thường thiệt hại gồm chi phí mai táng và một số thiệt hại khác với số tiền hơn 400 triệu đồng.

Tại phiên tòa, luật sư của bị cáo Phong đề nghị bồi thường ban đầu cho mỗi bị hại số tiền là 50 triệu đồng. Tuy nhiên, cả 2 gia đình bị hại không đồng ý với mức bồi thường này.

Tranh luận về giảm nhẹ mức án

Theo cáo trạng, kết quả kiểm tra sau tai nạn cho thấy Phong dương tính với chất ma túy đá và thuốc lắc.

Tuy nhiên, đại diện VKSND quận Phú Nhuận cho rằng, việc xét nghiệm ma túy chỉ được thực hiện sau khi Phong ra đầu thú. Theo đó, Phong đã rời khỏi hiện trường nên không có cơ sở xác định bị cáo có sử dụng ma túy vào lúc gây tai nạn.

Về chiếc xe, sau khi giám định, cơ quan điều tra xác nhận chiếc Mercedes chạy 84km/h (vượt quá tốc độ cho phép 50km/h). Chiếc xe thuộc sở hữu của ông V.V.P

Ông P. có hợp đồng giao xe cho công ty K.G kinh doanh vận tải, du lịch. Với việc Phong sử dụng giấy tờ giả để thuê xe tự lái, do Phong đã vứt bỏ số giấy tờ giả này trước khi đầu thú nên cơ quan điều tra không thể thu hồi, không có cơ sở xử lý.

Đại diện VKSND quận Phú Nhuận nhận định, vụ tai nạn xảy ra hoàn toàn do lỗi của bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong, khiến 1 người chết, 1 người bị thương nặng, 2 người bị thương nhẹ và thiệt hại tài sản trên 1,1 tỷ đồng.

Phong bị truy tố theo điểm a và h, khoản 2, Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 với khung hình phạt 3-10 năm tù.

Tuy nhiên, bị cáo đã thành khẩn khai báo và đầu thú nên phía VKSND quận Phú Nhuận đề nghị HĐXX áp dụng hình thức giảm nhẹ với bị cáo. Mức án đề nghị là 6-7 năm tù và không có hình phạt bổ sung.

Ngoài ra, bị cáo có trách nhiệm bồi thường 477 triệu đồng cho gia đình ông Lê Mạnh Thường và 1,4 tỷ đồng cho bị hại Nguyễn Thị Bích Hường.

Đại diện cho bị hại Nguyễn Thị Bích Hường là luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (đoàn Luật sư TP.HCM) đã phản đối mức án đề nghị của phía VKSND quận Phú Nhuận.

Vị luật sư nhấn mạnh, cần truy cứu trách nhiệm bị cáo Phong theo khoản 2, điều 260 Bộ luật Hình sự. Cụ thể là điểm c khoản 2 (gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn) và điểm e khoản 2 (gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên).

Thêm vào đó, luật sư Nữ cũng kiến nghị, 2 công ty cho bị cáo Phong thuê xe bằng giấy tờ giả cũng có trách nhiệm trong việc bồi thường dân sự cho các nạn nhân.

Tranh luận về đề nghị của luật sư phía bị hại, đại diện VKSND quận Phú Nhuận cho rằng, cơ quan công tố không áp dụng tình tiết bỏ chạy, vì căn cứ theo điểm b, khoản 1, Điều 38, luật Giao thông đường bộ thì không có cơ sở xác định bị cáo không cứu giúp.

Thực tế, sau khi xảy ra tai nạn, căn cứ vào hình ảnh từ camera hành trình của ô tô, lời khai của các nhân chứng và xác minh với trung tâm Cấp cứu 115 đã xác định bị cáo Phong có gọi điện thoại đến 115.

“Bị cáo gây ra tai nạn, tâm lý hoảng loạn, có người sẽ xử lý theo hướng này hướng khác. Xem camera thì thấy bị cáo có đi tới đi lui tại hiện trường và có gọi điện cho 115. Bị cáo đã không xê dịch nạn nhân để giữ nguyên hiện trường vụ án”, đại diện VKSND quận Phú Nhuận nói.

Cần làm rõ thêm các hành vi khác

Đến chiều 16/12, HĐXX đã tuyên án. Căn cứ vào quá trình điều tra và kết quả xét hỏi công khai tại tòa, HĐXX nhận định vụ án tai nạn giao thông này xảy ra hoàn toàn do lỗi của bị cáo Phong. Mức án áp dụng là 7 năm 6 tháng tù.

Ngoài tội Vi pham quy định về tham gia giao thông đường bộ, HĐXX áp dụng thêm tình tiết định khung với các hành vi: Gây tai nạn rồi tự ý rời khỏi hiện trường; bỏ trốn tại các tỉnh, thành khác; vứt sim điện thoại để tránh bị cơ quan điều tra định vị; nhắn H.T.S (người có tên trên giấy phép lái xe và chứng minh nhân dân giả của Phong) khai rằng không quen bị cáo; nhắn D. (người Phong nhờ gặp Sang để chuyển lời) xóa lịch sử cuộc gọi khi liên hệ với Phong.

Với các hành vi này, HĐXX nhận định cần áp dụng thêm tình tiết định khung theo điểm c, khoản 2, điều 260, Bộ luật Hình sự (gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn).

Bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong lĩnh 7 năm 6 tháng tù.

Về việc bị cáo dương tính với chất ma túy, HĐXX nhận định Phong khai sử dụng ma túy trước ngày 30/1/2020 (ngày xảy ra tai nạn) và không sử dụng thêm cho đến ngày đầu thú.

Do đó, có cơ sở xác định khi điều khiển xe gây tai nạn, trong cơ thể bị cáo có chất ma túy. Vậy nên, HĐXX nhận định đủ cơ sở định khung việc bị cáo tham gia giao thông đường bộ trong tình trạng có sử dụng chất ma túy mà không cần thiết phải trưng cầu giám định pháp y về thời điểm sử dụng.

Đối với hành vi sử dụng giấy phép lái xe và chứng minh nhân dân giả, HĐXX kiến nghị công an điều tra củng cố chứng cứ, xem xét trách nhiệm của bị cáo nếu có.

Về tình tiết giảm nhẹ, HĐXX nhận thấy bị cáo phạm tội lần đầu, thành khẩn khai báo nên không áp dụng hình phạt bổ sung.

Đối với trách nhiệm dân sự, HĐXX yêu cầu bị cáo bồi thường số tiền như đã thỏa thuận với 2 gia đình bị nạn. Cụ thể, bồi thường 1,4 tỷ đồng cho chị Nguyễn Thị Bích Hường và 477 triệu đồng cho gia đình ông Lê Mạnh Thường.

Riêng với trách nhiệm của công ty cho bị cáo thuê xe Mercedes, HĐXX nhận định việc công ty cho bị cáo thuê xe là giao dịch tự nguyện giữa 2 bên, không có quan hệ nhân quả giữa việc cho thuê xe và gây tai nạn nên không xem xét trách nhiệm liên đới của đơn vị này.