Góc nhìn luật gia

Tài xế Grab bị cướp tấn công, trách nhiệm của Grab ở đâu?

Khi tin tức về các vụ tài xế Grab bị cướp tấn công liên tục được cập nhật, nhiều tài xế đã hoang mang, lo lắng và tìm cách tự bảo vệ bản thân. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa tài xế và Grab chỉ là đối tác nên chưa có quy định nào để bồi thường, hỗ trợ khi chuyện không may xảy đến.

Tài xế Grab hoang mang khi đồng nghiệp liên tục bị cướp tấn công.

Vì mưu sinh nên phải chấp nhận

Mới đây, Công an huyện Hóc Môn (TP.HCM) đang điều tra vụ việc một nam thanh niên được cho là tài xế Grab bị đâm trọng thương, cướp tài sản. Theo thông tin ban đầu, người dân tại ấp 7, xã Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn) phát hiện nam thanh niên ôm cổ đầy máu lao đến cầu cứu.

Sau đó, nạn nhân nhanh chóng được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng cuống họng bị đứt do vật sắc nhọn gây nên. Điều tra ban đầu xác định nạn nhân là tài xế Grab và bị cướp tấn công, cướp tài sản (xe máy, điện thoại di động).

Trước đó, vào ngày 19/10, cũng tại TP.HCM, một nam thanh niên mang đồng phục Grab được người dân phát hiện đã tử vong do bị đâm nhiều nhát. Công an đã xác định nghi phạm sát hại thanh niên này là một thiếu niên 15 tuổi đang làm công nhân tại huyện Bình Chánh. Theo điều tra sơ bộ, nạn nhân là sinh viên đại học Giao thông Vận tải TP.HCM.

Hiện trường phát hiện thi thể của tài xế Lê N.H. (20 tuổi, ngụ tỉnh Bình Thuận) tại huyện Bình Chánh.

Về phía hãng xe, Grab cho biết đã phối hợp với gia đình nạn nhân và cơ quan công an để có thể xử lý vụ việc. Hãng xe khẳng định sẽ ưu tiên hỗ trợ chi phí giúp gia đình nạn nhân lo việc hậu sự. Bên cạnh đó, Grab sẽ thông báo cho công ty bảo hiểm để thực hiện hỗ trợ cho gia đình nạn nhân.

Trước đó vào cuối tháng 7/2018, một vụ việc tài xế Grab bị tấn công cũng được phát hiện tại thị xã Tân Uyên (tỉnh Bình Dương).

Khi biết tin tức nhiều đồng nghiệp của mình bị tấn công, tài xế Hồ T.H. (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) bày tỏ: “Bản thân cũng lo lắng nhưng vì mưu sinh nên phải chấp nhận”. Anh H. chỉ biết chú ý đề phòng hơn, tránh những khu vực nguy hiểm.

“Tôi nghĩ, khi nhận cuốc, tài xế cần xem trước đường đi trên bản đồ. Nếu khu vực đó vắng vẻ, có khả năng không an toàn thì nên từ chối, đề nghị khách hủy. Nhưng các kinh nghiệm được truyền tai nhau cũng chỉ có 50% sự an toàn, không thể chắc chắn an toàn tuyệt đối. Vì thế các tài xế nên tìm cách tự vệ, dĩ nhiên không vi phạm pháp luật như tàng trữ vũ khí”, anh H. nói.

Cùng suy nghĩ, tài xế Trần M.Đ. (quê tỉnh An Giang) cho biết: “Mình phải biết tự bảo vệ mình. Chứ Grab chỉ xem tài xế là đối tác chứ không phải nhân viên. Nên hãng không hề có sự cảnh báo, thậm chí cũng không có bảo hiểm hay các chế độ hỗ trợ khi xảy ra chuyện không may”.

“Việc thăm hỏi, hỗ trợ của Grab đối với các nạn nhân chỉ là lòng hảo tâm, sự quan tâm chứ không hề có cơ chế, văn bản quy định nào về việc bảo vệ tài xế. Còn những buổi gặp gỡ, tập huấn thật ra chỉ là những buổi tọa đàm, để hãng xe thông báo chính sách mới. Các tập huấn cũng chỉ xoay quanh việc lái xe chứ không hề trang bị kỹ năng tự vệ cho tài xế. Tôi có nghe về tập huấn võ thuật với công an nhưng cũng không thấy hãng xe tổ chức”, anh Đ. cho biết.

Lực lượng lao động bị thả nổi

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, luật sư Phương Ngọc Dũng, văn phòng luật sư Vạn Lý (đoàn Luật sư TP.Cần Thơ) đánh giá: “Những hành vi như cướp tài sản, giết người,… đều là những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng được Bộ luật Hình sự quy định. Do người bị hại là những người yếu thế trong xã hội nên vụ án có tính chất phức tạp, được dư luận quan tâm".

Luật sư Phương Ngọc Dũng, văn phòng luật sư Vạn Lý (đoàn Luật sư TP.Cần Thơ).

“Theo quan điểm của tôi, nếu Grab cho rằng các tài xế là đối tác chứ không phải người lao động để từ đó thoái thác trách nhiệm là không đúng với tinh thần của Bộ luật Lao động, luật BHXH, Bộ luật Dân sự. Theo quy định của Bộ luật Lao động, hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa các bên về quyền lợi và nghĩa vụ, điều kiện làm việc. Các tài xế Grab phải tuân thủ các quy định mà công ty đặt ra. Như vậy, có thể thấy giao kết giữa công ty và các tài xế cũng là một dạng hợp đồng lao động. Việc công ty Grab lập lờ giữa đối tác và người lao động là chưa đúng với tinh thần của luật và bản chất sự việc”, ông Dũng phân tích.

Từ đó, luật sư Phương Ngọc Dũng nhận xét: “Luật pháp Việt Nam đã quy định và điều chỉnh rõ ràng. Còn việc công ty Grab tự cho đó là đối tác là quyền của họ. Nhưng nếu xảy ra tranh chấp thì vẫn phải áp dụng các quy định pháp luật hiện hành để điều chỉnh”.

Chính vì luật pháp chưa định nghĩa Grab một cách chính xác nên việc xử lý các vấn đề liên quan đến người lao động gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách pháp luật (liên đoàn Lao động TP.HCM) trình bày: “Công ty Grab đã thành lập công đoàn cơ sở và đang chịu sự quản lý của liên đoàn Lao động quận 10. Tuy nhiên, việc quản lý này chỉ áp dụng cho các nhân viên làm việc tại văn phòng khi họ đã ký hợp đồng lao động cụ thể với Grab. Còn đối với các tài xế, Grab xem họ là đối tác nên hợp đồng được ký kết chỉ là hợp tác chứ không phải hợp đồng sử dụng lao động. Trên lý thuyết, lực lượng tài xế xe công nghệ như Grab là lao động tự do, không bền vững nên rất khó để quản lý”.

“Trước mắt, chúng tôi đang nghiên cứu chính sách để vận động các tài xế xe công nghệ như Grab tự nguyện tham gia thành lập nghiệp đoàn. Từ đó, các tổ chức bảo vệ người lao động sẽ có cách để quan tâm, hỗ trợ đời sống an sinh cho họ”, ông Đô cho hay.