Tiêu điểm thế giới

Tại sao thị trường toàn cầu "nín thở" chờ báo cáo việc làm của Mỹ?

Báo cáo này được cho là sẽ định hình chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), từ đó ảnh hưởng sâu sắc đến thị trường toàn cầu trong thời gian tới.

Áp lực lạm phát ngày càng gia tăng đối với các nền kinh tế thế giới, giá năng lượng tăng, những bất ổn ở châu Á với cuộc khủng hoảng của nhà phát triển bất động sản Trung Quốc Evergrande, và Fed đã đưa ra các tín hiệu về việc bắt đầu rút lại các gói kích thích kinh tế - quá trình giảm nhịp độ của chương trình mua trái phiếu 120 tỷ USD mỗi tháng - gần đây đã gây biến động mạnh trên thị trường toàn cầu.

Thị trường chứng khoán Mỹ đã kết thúc tháng 9 với mức thua lỗ hàng tháng tồi tệ nhất trong năm 2021 cho đến nay, Hãng tin Anadolu Agency (Thổ Nhĩ Kỳ) nhận định.

Trong khi chỉ số Dow Jones giảm 4,3% vào tháng trước, thì chỉ số S&P 500 giảm 4,8% là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 3/2020. Chỉ số Nasdaq Composite giảm mạnh 5,3%, khiến tháng 9 trở thành tháng tồi tệ nhất trong thập kỷ qua của chỉ số này.

Các chỉ số châu Âu cũng sụt giảm nghiêm trọng: Chỉ số STOXX giảm mạnh 3,8%, chỉ số DAX 30 của Đức và CAC 40 của Pháp đều giảm 3,4%, theo dữ liệu mà Anadolu Agency tổng hợp được.

Sau một tuần đầy biến động và thua lỗ lớn trong tháng 9, thị trường toàn cầu đang chờ đợi các báo cáo việc làm của Mỹ, sẽ được công bố trong tuần này. Các báo cáo này được cho là có thể sẽ định hình chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong những tháng tới.

Điều kiện thị trường lao động yếu kém, áp lực lạm phát ngày càng tăng, giá năng lượng tăng, tất cả đều tác động đến thị trường toàn cầu. Ảnh: CNBC

Giá năng lượng tăng cao

Có rất nhiều điều bất định xung quanh việc khi nào ngân hàng trung ương của các nền kinh tế lớn sẽ tăng lãi suất trong bối cảnh lạm phát và giá năng lượng tăng. Tuy nhiên, tỉ lệ thất nghiệp cao và điều kiện thị trường lao động yếu kém tiếp tục là những trở ngại đáng kể.

Giá dầu gần đây đã leo lên mức cao nhất trong 3 năm, khi giá dầu Brent - mức chuẩn giá dầu thô toàn cầu - đạt 80,75 USD/thùng hôm 28/9 - mức cao nhất kể từ tháng 10/2018.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sẽ tổ chức cuộc họp cấp Bộ trưởng hôm 4/10.

Thị trường dầu mỏ toàn cầu kỳ vọng OPEC sẽ thảo luận về việc tăng sản lượng dầu để đáp ứng nhu cầu tăng cao của giai đoạn bình thường hóa sau đại dịch.

Giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu đạt mức kỷ lục mới 100 Euro (116 USD) trong tuần này, gây rủi ro cho sự phục hồi của nền kinh tế và nhu cầu sưởi ấm mùa đông của người dân.

Trên thị trường lao động, tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực đồng Euro ở mức 7,5% hồi tháng 8/2021, trong đó tỉ lệ thất nghiệp ở EU là 6,8%, theo Eurostat, cơ quan thống kê của EU.

Tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ ở mức 5,2% trong tháng 8, sau khi nền kinh tế lớn nhất thế giới chỉ có thể bổ sung 235.000 việc làm trong tháng đó, theo số liệu mới nhất của Bộ Lao động Mỹ.

Mặt khác, số lượng việc làm mới ở Mỹ đạt mức kỷ lục 10,9 triệu trong tháng 7.

Những con số này cho thấy có sự phục hồi không đồng đều từ đại dịch Covid-19 của nền kinh tế Mỹ.

2. Giá khí đốt tự nhiên đang tăng vọt trên khắp thế giới do thời tiết bất thường và đứt gãy nguồn cung. Ảnh: The Economist.

Bảng lương tư nhân Mỹ cho tháng 9, sẽ được công bố hôm 6/10, dự kiến sẽ ở mức 430.000 - cao hơn mức 374.000 của tháng 8.

Bảng lương phi nông nghiệp Mỹ cho tháng 9 sẽ được công bố hôm 8/10.

Dữ liệu việc làm mà Fed theo dõi rất chặt chẽ ước tính đạt 460.000, sau khi công bố mức tăng yếu chỉ 235.000 trong tháng 8.

Lộ trình rút lại các gói kích thích kinh tế của Fed

Ngân hàng trung ương Hoa Kỳ đang chờ báo cáo việc làm đạt được mức tăng vững chắc để bắt đầu quá trình rút lại các gói kích thích kinh tế, có thể bắt đầu muộn nhất vào tháng 11 hoặc tháng 12 năm nay.

Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, quá trình rút lại có thể kết thúc vào giữa năm 2022. Như vậy, Ngân hàng trung ương có khoảng 8 tháng để kết thúc gói mua tài sản hàng tháng trị giá 120 tỷ USD nếu họ cắt giảm 15 tỷ USD mỗi tháng.

Ngân hàng trung ương cũng phát tín hiệu hôm 22/9, sau cuộc họp kéo dài 2 ngày, rằng họ dự kiến ​​lần tăng lãi suất đầu tiên vào năm 2022 và sẽ thực hiện thêm 4 lần tăng lãi suất nữa vào năm 2023.

Những kỳ vọng đó đã đẩy chỉ số USD, bao gồm một rổ tiền tệ như Euro, Yên Nhật, Bảng Anh, Đô la Canada, Krona Thụy Điển và Franc Thụy Sĩ, tăng cao tới 94,50 hôm 30/9 - mức cao nhất kể từ tháng 9/2020.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng đạt 1,567% hôm 28/9, đánh dấu mức cao nhất kể từ ngày 6/6 năm nay.

Lạm phát cao vẫn tiếp diễn

Lạm phát dự kiến ​​sẽ vẫn ở mức cao trên toàn thế giới trong suốt nửa đầu năm 2022, ít nhất là cho đến khi thị trường lao động có dấu hiệu phục hồi.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết, quá trình rút lại các gói kích thích kinh tế có thể kết thúc vào giữa năm 2022. Ảnh: Mediaite

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang chờ những cải thiện trong dữ liệu việc làm trước khi tăng lãi suất, có thể sớm nhất là vào cuối năm 2022, trong bối cảnh thị trường lao động yếu kém hiện nay.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde hôm 16/9 cho biết rằng, bà hy vọng nền kinh tế khu vực đồng Euro sẽ phục hồi nhanh hơn dự kiến ​trong bối cảnh tiêm chủng nhanh chóng.

Giá năng lượng dự kiến ​​sẽ giảm trong nửa đầu năm 2022, Lagarde đưa ra nhận định hôm 29/9.

Tuy nhiên, Chủ tịch Fed Powell hôm 29/9  cũng cho biết rằng, các vấn đề về sản xuất và chuỗi cung ứng sẽ tiếp tục diễn ra trong năm tới, khiến lạm phát kéo dài hơn so với các ước tính trước đó.

Powell ám chỉ rằng, Fed có thể tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát nếu giá cả tăng lên mức không bền vững.

Ông cũng cho biết thêm rằng, ông hy vọng Ngân hàng trung ương sẽ không cần phải đưa ra những lựa chọn khó khăn để cân bằng giữa lạm phát và tăng lãi suất.

Minh Đức (Theo AA)