Thế giới

Tại sao tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong quý III gây thất vọng?

Các thị trường phát triển sẽ không tránh khỏi tình trạng thắt chặt đáng kể trong điều kiện tài chính toàn cầu do cú sốc tăng trưởng tiêu cực của Trung Quốc.

GDP quý 3/2021 của Trung Quốc chứng kiến mức tăng đáng thất vọng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu chính thức được Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố hôm 15/10, CNBC đưa tin.

Trong khi đó, mức tăng kỳ vọng là 5,2%, theo các nhà phân tích được Reuters thăm dò ý kiến.

Sản xuất công nghiệp tăng 3,1% trong tháng 9, thấp hơn mức 4,5% mà Reuters dự đoán.

Việc nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới chỉ tăng trưởng dưới 5% trong quý III cho thấy sự phục hồi chậm lại của Trung Quốc sau đại dịch, chậm hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng trong quý I và II của năm nay.

Người phát ngôn của NBS cho biết: "Những bất ổn về môi trường quốc tế hiện nay đang gia tăng và sự phục hồi kinh tế trong nước vẫn chưa ổn định và không đồng đều".

Tình trạng thiếu điện có “tác động nhất định” đến sản xuất bình thường, nhưng tác động kinh tế “có thể kiểm soát được”, theo người phát ngôn của NBS.

Ảnh: CNBC

Trung Quốc đang phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt năng lượng và thị trường bất động sản chững lại. Và tình hình càng trở nên bết bát hơn bởi khoản nợ “khủng” mà gã khổng lồ bất động sản Evergrande đang gánh, DW đưa tin.

Tăng trưởng GDP quý đầu tiên của nước này đạt mức kỷ lục 18,3%. Con số này đã giảm xuống 7,9% trong quý thứ hai và bây giờ là 4,9% trong quý thứ ba, khiến tăng trưởng trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 9 ở mức 9,8%.

Như vậy, Trung Quốc vẫn đang trên đà đạt được mục tiêu tăng trưởng hàng năm do Bắc Kinh đặt ra là hơn 6%, theo CNN.

Nguyên nhân khiến kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại

Sự phục hồi ban đầu đã bị kìm hãm bởi một loạt các yếu tố. Những lo ngại về lĩnh vực bất động sản là trọng tâm. Nhưng việc các cơ quan chức năng nước này siết chặt quản lý lĩnh vực công nghệ, các đợt phong tỏa cục bộ và chiến lược "zero-Covid" cũng như tình trạng thiếu điện đều đóng vai trò quan trọng.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) hôm 15/10 cho biết, Evergrande đã quản lý sai hoạt động kinh doanh của mình, nhưng rủi ro đối với hệ thống tài chính là "có thể kiểm soát được."

Doanh số bán lẻ trong nước tăng 4,4%, tăng so với cùng kỳ năm ngoái do các hạn chế đã được nới lỏng.

Việc gia tăng hàng tồn kho và chậm trễ vận chuyển cũng ảnh hưởng đến các nhà sản xuất nhỏ hơn ở Trung Quốc hiện đang phải chịu thiệt hại về tiền mặt và buộc họ phải cắt giảm sản lượng hoặc mất đơn đặt hàng.

Bắc Kinh đang cố gắng làm cho nền kinh tế của mình bền vững hơn, tập trung nhiều hơn vào tiêu dùng nội địa so với xuất khẩu và thắt chặt rủi ro tài chính.

Chính phủ Trung Quốc cũng đưa ra các giới hạn về sử dụng năng lượng, buộc một số nhà máy phải đóng cửa vào tháng 9 để tránh vượt quá mục tiêu sử dụng năng lượng.

Những hậu quả có thể xảy ra

“Hiệu ứng gợn sóng” đối với phần còn lại của thế giới "có thể là đáng kể" do nhu cầu nguyên liệu thô của Trung Quốc yếu hơn, công ty đầu tư Fidelity International cho biết trong một báo cáo.

"Ngay cả các thị trường phát triển, bao gồm cả Mỹ, sẽ không tránh khỏi tình trạng thắt chặt đáng kể trong điều kiện tài chính toàn cầu do cú sốc tăng trưởng tiêu cực của Trung Quốc kèm theo căng thẳng tài chính'', báo cáo cho biết thêm.

Các nhà sản xuất nhỏ hơn ở Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi việc gia tăng hàng tồn kho và chậm trễ trong vận chuyển. Ảnh: DW

Việc sản xuất chậm lại đã dẫn đến những cảnh báo rằng, một số hàng hóa có thể không được giao đúng hạn, làm tăng khả năng thiếu hụt các mặt hàng tiêu dùng chính trước mùa mua sắm Giáng sinh.

Trong khi có những kỳ vọng rằng Bắc Kinh có thể nới lỏng các hạn chế vay nợ để giải phóng thêm tiền mặt lưu động vào nền kinh tế, Louis Kuijs của Oxford Economics cảnh báo rằng “tăng trưởng sẽ chậm hơn nữa”.

Triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc

Mười ngân hàng lớn được CNBC theo dõi đã cắt giảm dự báo GDP cả năm của Trung Quốc do tình trạng thiếu điện và nỗ lực kiềm chế nợ mở rộng trong lĩnh vực bất động sản gây thêm nhiều áp lực khác đối với tăng trưởng, chẳng hạn như chi tiêu tiêu dùng chậm lại.

“Sự phục hồi tăng trưởng từng dẫn đầu của Trung Quốc đang mất dần đà trong quý IV”, Bruce Pang của China Renaissance cho biết.

Pang cũng chỉ ra một số yếu tố cản trở tăng trưởng, từ các ca nhiễm Covid-19 lẻ tẻ đến nỗ lực giảm phát thải carbon của Trung Quốc.

“Về mặt quy định, chúng tôi cho rằng các cơ quan chức năng sẽ quản lý tốt hơn tốc độ và cường độ của chiến dịch quản lý để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội chính đặt ra cho năm nay và 5-10 năm tới” Pang nhận định.

Minh Đức (Theo DW, CNBC, CNN)