Thế giới

Tại sao Nhật Bản có quá ít phụ nữ giữ vai trò quản lý lãnh đạo?

Nhật Bản xếp thứ 120 trong số 156 quốc gia trên thế giới về khoảng cách giới, thấp hơn đáng kể so với các quốc gia G-7 khác.

Bất chấp những lời hứa hàng thập kỷ của các lãnh đạo rằng phụ nữ sẽ có cơ hội "tỏa sáng" trong giới chính trị và doanh nghiệp Nhật Bản, quốc gia này vẫn tụt hậu so với các quốc gia công nghiệp phát triển khác về bình đẳng giới.

Cơ quan giám sát dịch vụ tài chính Nhật Bản đang đề xuất quy định mới nhằm khuyến khích các công ty tuyển dụng nhiều phụ nữ hơn vào các vị trí quản lý cấp cao. Cụ thể, Cơ quan Dịch vụ Tài chính (FSA) sẽ yêu cầu các công ty niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán công khai tỷ lệ phụ nữ nắm giữ các vị trí cấp cao trong tổ chức công ty trong báo cáo chứng khoán hàng năm của họ.

Quy định mới sẽ ảnh hưởng đến khoảng 4.000 công ty và dự kiến ​​sẽ trở thành bắt buộc trong các báo cáo từ tháng 4 năm sau - thời điểm bắt đầu một năm tài chính mới.

Kế hoạch cũng yêu cầu các công ty tiết lộ mức lương trung bình theo giới tính và tỷ lệ nhân viên nam nghỉ chăm sóc con cái. Những thông tin như vậy nhằm mục đích giúp cho nhà đầu tư có thể hiểu hơn về việc các công ty đang thực hiện các chỉ số bình đẳng giới như thế nào.

Nỗ lực không thành

Nhận thức được sự mất cân bằng cơ cấu ngày càng sâu sắc trong dân số và nhu cầu thu hút nhiều phụ nữ hơn đến nơi làm việc, các chính phủ liên tiếp của Nhật Bản kể từ đầu thế kỷ này đã thông qua đạo luật nhằm hỗ trợ phụ nữ tiếp tục có việc làm sau khi lập gia đình và leo lên nấc thang doanh nghiệp.

Vào năm 2014, Thủ tướng Shinzo Abe khi đó đã tuyên bố chính quyền của ông sẽ khiến phụ nữ Nhật Bản "tỏa sáng" ở nơi làm việc, trong xã hội rộng lớn và cả giới chính trị. Tuy nhiên, tham vọng đó đã không thành hiện thực.

Người đi bộ đi tại khu mua sắm Creamall ở Kawagoe, tỉnh Saitama, Nhật Bản, vào ngày 13/6/2021. Ảnh: Bloomberg.

Theo số liệu thống kê gần đây nhất do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) có trụ sở tại Thụy Sĩ công bố, Nhật Bản xếp thứ 120 trong số 156 quốc gia trên thế giới về khoảng cách giới. Nhật Bản xếp hạng thấp hơn đáng kể so với các quốc gia G-7 khác.

Nước này cũng không đạt được các mục tiêu của chính mình. Vào năm 2003, chính phủ Nhật tuyên bố muốn có 30% tổng số vị trí quản lý là do phụ nữ đảm nhiệm đến năm 2020. Tuy nhiên, số liệu thống kê chính thức được công bố vào năm 2021 cho thấy chỉ có 13,2% nhà quản lý là nữ, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 30- 40% được ghi nhận ở các công ty tại châu Âu và Bắc Mỹ.

Bà Tsumie Yamaguchi, Giám đốc của nhóm Phụ nữ trong Thế giới Mới (Women In A New World) có trụ sở tại Tokyo, cho biết: "Các quy định của Cơ quan Dịch vụ Tài chính là một điều rất tích cực, đặc biệt là khi Keidanren (Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản) cũng đang đưa ra những yêu cầu tương tự đối với các công ty thành viên".

Bà Yamaguchi cho biết bà đã được khuyến khích khi các đời thủ tướng trước đó công bố các mục tiêu cho phụ nữ ở cả nơi làm việc và giới chính trị Nhật Bản, tuy nhiên sau đó bà đã thất vọng vì sự thiếu tiến bộ.

Bà chia sẻ với hãng tin DW: “Số lượng đàn ông tham gia chính trị và kinh doanh ở Nhật Bản lớn hơn nhiều so với phụ nữ và những người đàn ông đó rất muốn giữ vị trí của mình”.

Tư tưởng truyền thống 

Bà Yamaguchi nói: “Trong lịch sử, đàn ông Nhật Bản được cha mẹ và xã hội nhận định rằng trách nhiệm của họ là nằm ngoài gia đình, nhưng phụ nữ được dạy rằng họ phải ở nhà và chăm sóc gia đình”; "Ngay cả ngày nay, suy nghĩ đó vẫn còn tồn tại trong tâm trí của nhiều người."

Bà Chisato Kitanaka, phó giáo sư xã hội học tại Đại học Hiroshima, bày tỏ đồng tình với các quy định mới của Cơ quan Dịch vụ Tài chính là một "sự phát triển tích cực". Bà nói: “Nhật Bản tụt hậu so với các nước phát triển khác và thậm chí ngày nay rất hiếm có thể tìm thấy một phụ nữ làm trưởng phòng hoặc trưởng bộ phận tại một tập đoàn”.

Bà Kitanaka nhận định: “Thái độ và định kiến ​​cũ vẫn còn tồn tại ở quá nhiều nơi làm việc. Rất nhiều công ty không tuyển dụng nhiều phụ nữ như nam giới, ngay cả khi họ có cùng trình độ thì sau đó họ cũng bị chậm thăng chức".

Khách hàng xem thú nhồi bông được trưng bày tại Cửa hàng đồ chơi Hamleys ở trung tâm mua sắm Yokohama World Porters ở Yokohama, Nhật Bản, vào ngày 19/12/2021. Ảnh: Bloomberg.

Mặc dù từ năm 1986 Nhật Bản đã ban hành luật đảm bảo bình đẳng giới trong vấn đề việc làm, nhưng luật này không có cơ sở bởi không có chế tài trừng phạt đối với bất kỳ công ty nào không tuân thủ. Hình phạt duy nhất dành cho các công ty phớt lờ luật là bị công khai tên. Bà Kitanaka cho biết đến nay mới có hai công ty đã bị nêu tên do vi phạm luật năm 1986.

Triển vọng trong tương lai

Bà Kitanaka tại Đại học Hiroshima không bày tỏ sự lạc quan về việc một sự thay đổi thực sự có ý nghĩa đang đến với phụ nữ Nhật Bản. Bà nói: “Thay đổi luật đã khó, nhưng thay đổi thái độ còn khó hơn".

Bà Tsumie Yamaguchi của nhóm Phụ nữ trong Thế giới Mới lại bày tỏ sự tích cực hơn về tương lai: "Ngày càng nhiều phụ nữ trẻ có tất cả các kỹ năng và khả năng cần thiết để làm việc tốt trong môi trường kinh doanh, họ đang có những đặc điểm khác tại nơi làm việc".

Bà Yamaguchi nói thêm rằng “Chẳng hạn, nhiều người làm việc hiệu quả hơn nam giới và tôi nghĩ rằng các nhà quản lý cấp cao đang bắt đầu nhận ra điều đó”.

"Nhiều công ty sẽ dần nhận ra rằng việc có phụ nữ nắm giữ các vị trí lãnh đạo sẽ đem lại lợi ích cho tổ chức của họ. Tôi cho rằng những phụ nữ trẻ tốt nghiệp đại học ngày nay sẽ tích cực hơn về tương lai của mình".

Phạm Hà Thanh (theo DW, We Forum)