Đời sống

Tại sao ngồi xuống đứng lên bị xây xẩm chóng mặt?

Hầu hết trong chúng ta đều có ít nhất một lần gặp phải tình trạng đang ngồi xuống đứng dậy bị hoa mắt, chóng mặt. Tuy nhiên nguyên nhân không phải ai cũng biết.

Theo Medical Daily, trong hầu hết các trường hợp, cơn choáng váng ấy sẽ giảm dần trong một vài giây khi bạn đứng yên một chỗ. Và điều này không đáng lo ngại. Đây là hiện tượng bình thường, song nếu kéo dài có thể cảnh báo chứng hạ huyết áp tư thế đứng, dẫn đến nhiều nguy cơ có hại cho sức khỏe.

Ảnh minh họa.

Thông tin trên Lao Động, khi chúng ta thay đổi tư thế ngồi, rồi đứng dậy quá nhanh, trái tim không thể điều chỉnh việc bơm máu thêm, khiến huyết áp giảm xuống chỉ trong vòng một phần nhỏ của giây. Trong khoảnh khắc thay đổi nhanh chóng này đã ngay lập tức ảnh hưởng tới mắt của chúng ta, làm giảm lượng oxy và đường mà máu cung cấp cho võng mạc vùng mắt chịu trách nhiệm phát hiện ánh sáng. Lúc này, võng mạc bắt đầu phát ra các tín hiệu ánh sáng lóe lên bất thường, hoặc có thể sẽ tối xầm lại. Việc hoa mắt chỉ xảy ra trong giây lát trước khi trái tim có thể điều chỉnh huyết áp về bình thường.

Báo Thanh Niên dẫn nguồn Reader’s Digest lời bác sĩ Nadia Sutton thuộc Đại học Michigan (Mỹ) cho biết, chóng mặt sau khi đứng lên quá nhanh rất có thể xuất phát từ vấn đề huyết áp. Khi đứng lên đột ngột, máu vẫn còn dồn xuống phần dưới của cơ thể do tác động của trọng lực và gây hạ huyết áp.

Trong một số trường hợp, hiện tượng đứng dậy đột ngột gây chóng mặt có thể liên quan đến tình trạng rối loạn chức năng của các tế bào thụ cảm áp suất. Tình trạng này khiến cơ thể mất khả năng điều chỉnh những thay đổi đột ngột trong huyết áp, khiến hạ huyết áp tư thế đứng tái đi tái lại.

Tuy nhiên nếu bạn thường xuyên gặp chứng hoa mắt, chóng mặt khi đứng dậy kéo dài có thể cảnh báo bạn về một số bệnh lý như: Hạ đường huyết, bệnh tim,... và bệnh hạ huyết áp tư thế đứng. Do đó, cần đi khám bác sĩ nếu thường xuyên cảm thấy xây xẩm chóng mặt.

Nên ăn đầy dủ dưỡng chất để cơ thể luôn khỏe mạnh. Ảnh minh họa.

Theo đó, để khắc phục tình trạng này, bạn cần bổ sung các chất dinh dưỡng cho cơ thể. Một số thực phẩm dồi dào vitamin C như trái cây họ cam quýt, sơri, dâu tây, ớt chuông, cà chua, bông cải xanh, khoai lang, củ cải trắng, xoài, đu đủ, dứa, bắp cải, kiwi và rau lá màu xanh đậm...

Trúc Chi (t/h)