Thế giới

Tại sao ít quốc gia sẵn lòng gửi tên lửa chống hạm Harpoon cho Ukraine

Harpoon mạnh đến mức nó được cho là có khả năng đánh tới được quân cảng Sevastopol ở Crimea.

Trong khuôn khổ một hội nghị trực tuyến hôm 23/5, khoảng 20 quốc gia đã đề nghị hỗ trợ an ninh cho Ukraine trong cuộc đối đầu giữa quốc gia Đông Âu này và Nga, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thông báo.

Trước đó, một hội nghị quốc phòng được tổ chức vào tháng trước tại căn cứ không quân Ramstein của Mỹ ở Tây Nam nước Đức, với sự tham gia của khoảng 40 quốc gia ủng hộ Ukraine về mặt quân sự.

Từ hội nghị này, Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine (Ukraine Defense Contact Group) đã được thành lập, và trong cuộc họp trực tuyến hôm 23/5 vừa qua, khoảng 20 quốc gia trong nhóm đã cam kết cung cấp vũ khí, đạn dược và các nguồn cung cấp khác để hỗ trợ Kyiv.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov đã thông báo ngắn gọn về cuộc xung đột với Nga, nay đã gần tròn 3 tháng, với trọng tâm đang dồn về miền Đông và Nam Ukraine.

Theo ông Reznikov, nhiều quốc gia đang tài trợ các loại vũ khí, đạn dược, hệ thống phòng thủ bờ biển, xe tăng, phương tiện bọc thép khác cho Ukraine. Cũng có một số quốc gia cung cấp đào tạo cho Quân đội Ukraine. Đáng chú ý, Đan Mạch cam kết gửi một hệ thống tên lửa chống hạm Harpoon.

Tên lửa chống hạm Harpoon (ngọn lao), do Mỹ sản xuất, là tên lửa hành trình có thể lướt trên mặt biển để nhắm mục tiêu vào các tàu xa bờ tới 187 dặm (300 km) tùy theo phiên bản.

Thông thường tên lửa Harpoon được thiết lập trên tàu hoặc máy bay, nhưng Đan Mạch là quốc gia duy nhất có được các hệ thống trên đất liền để bảo vệ bờ biển.

Hệ thống mà Đan Mạch cam kết chuyển giao, bao gồm các tên lửa Harpoon và một bệ phóng, sẽ bổ sung thêm một lớp bảo vệ cho cảng Odessa của Ukraine trên Biển Đen, nơi được cho là đang phải đối mặt với mối đe dọa từ Hải quân Nga.

Harpoon mạnh đến mức nó được cho là có khả năng đánh tới được quân cảng Sevastopol ở Crimea, nơi một vài đơn vị của Hạm đội Biển Đen Nga đồn trú, AFP cho biết.

Một quả tên lửa Harpoon được phóng từ boong tên lửa của tàu tác chiến ven bờ USS Coronado. Ảnh: Ticker News

Reuters dẫn nguồn các quan chức Mỹ cho biết, chỉ có một số quốc gia sẵn sàng gửi tên lửa chống hạm Harpoon tới Ukraine vì không ai muốn trở thành quốc gia đầu tiên hoặc duy nhất gửi Harpoon, vì lo ngại sự trả đũa từ Moscow nếu tàu Nga bị đánh chìm bởi hệ thống Harpoon từ kho dự trữ của họ.

Kể từ hội nghị quốc phòng đầu tiên ở Đức cách đây 4 tuần, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin cho biết, nhu cầu của Ukraine không thay đổi nhiều do cuộc giao tranh tiếp tục là màn đọ sức của pháo binh, xe tăng, máy bay không người lái (UAV) và các thiết bị khác.

“Cuộc chiến thực sự được định hình bởi pháo binh trong giai đoạn này, và chúng tôi đã chứng kiến những cuộc tấn công và phản công ác liệt bằng pháo binh trong vài tuần qua”, ông Austin cho biết.

Ông Austin cũng cho biết, Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine sẽ gặp trực tiếp vào ngày 15/6 trong khuôn khổ cuộc họp cấp bộ trưởng NATO tại Brussels, Bỉ.

Minh Đức (Theo NDTV, Al Jazeera)