Thế giới

Tại sao gã khổng lồ thời trang H&M bán đồ second-hand?

Thương hiệu thời trang Thụy Điển đặt nhiều hy vọng vào Sellpy, một diễn đàn bán hàng second-hand ở hơn 20 quốc gia châu Âu, trong đó H&M sở hữu 74% cổ phần.

Thời trang là ngành công nghiệp gây ô nhiễm nhiều thứ hai trên thế giới, chỉ đứng sau dầu mỏ. Theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, ngành thời trang phát thải 10% lượng khí carbon toàn cầu, nhiều hơn các chuyến bay và vận chuyển quốc tế cộng lại.

Năm 2019, một số thương hiệu thời trang lớn nhất thế giới đã ghi tên mình vào các mục tiêu khí hậu dựa trên khoa học, cho biết họ sẽ giảm 30% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 để phù hợp nỗ lực kiểm soát tình trạng nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C.

Chỉ vài năm sau đó, Liên minh May mặc Bền vững (SAC), với hơn 130 thương hiệu thành viên bao gồm Amazon, Gap, H&M, Nike và Under Armour, đã nâng mục tiêu giảm lượng khí thải lên 45% vào năm 2030.

Đẩy mạnh dịch vụ sửa chữa, cho thuê

H&M, gã khổng lồ trong ngành thời trang bán lẻ, hiện đang đẩy mạnh bán quần áo second-hand và dịch vụ sửa chữa và cho thuê các mặt hàng đã qua sử dụng.

Cách trụ sở của H&M ở trung tâm thành phố Stockholm không xa, có một cửa hàng thuộc sở hữu của công ty trưng bày quần áo đã qua sử dụng của các thương hiệu như Prada và Zara. Tại đây, những chiếc váy dạ hội và váy cưới được cho thuê trong 5 ngày. Giá của các dịch vụ chỉnh sửa và sửa chữa quần áo cũng được niêm yết.

 

Trong số 4.700 cửa hàng toàn cầu của H&M, các sản phẩm cho thuê hiện mới chỉ có ở 3 cửa hàng, dịch vụ sửa chữa có tại 6 cửa hàng và sản phẩm đã qua sử dụng có tại 7 cửa hàng.

Tuy nhiên, những con số ít ỏi này đại diện cho một mô hình mà thương hiệu 75 tuổi hy vọng sẽ tung ra ở những nơi khác. Nhà bán lẻ này có kế hoạch tăng gấp đôi doanh thu và giảm 50% lượng khí thải carbon vào năm 2030, đồng thời khẳng định mình là thương hiệu thân thiện với môi trường khi những tác động của ngành thời trang ăn liền lên môi trường đang trở thành nỗi ám ảnh.

Mở rộng quy mô tái chế quần áo là một ưu tiên lớn của H&M. Theo bà Helena Helmersson, CEO của H&M Hennes & Mauritz AB, H&M có thể tiếp tục tăng doanh số bán hàng mà không gây hại cho hành tinh.

Bà Helmersson cho biết, H&M đang nghiên cứu dữ liệu để hiểu rõ hơn về mô hình mua sắm của người tiêu dùng. Vì vậy, hãng này hiện chỉ sản xuất những gì chắc chắn bán được để cắt giảm lượng khí thải.

CEO của H&M cũng có kế hoạch khác mở rộng thị trường Mỹ Latinh, tham gia sâu hơn vào các lĩnh vực như đồ gia dụng, sản phẩm làm đẹp và đồ thể thao, đồng thời thúc đẩy các thương hiệu nhỏ hơn của công ty như Cos và Monki.

Tuy nhiên, các mô hình kinh doanh mới liên quan đến quần áo đã được lưu hành vẫn là chìa khóa để H&M đạt được mục tiêu phát thải carbon năm 2030, theo bà Helmersson. “Nếu mỗi sản phẩm được giao dịch nhiều lần hơn, nó sẽ trở nên bền vững, đồng thời giúp tăng thêm lợi nhuận”.

Năm ngoái, H&M đã đưa ra một hướng dẫn nhằm giúp các nhà thiết kế của mình đảm bảo rằng các sản phẩm sẽ dễ dàng sửa chữa, được làm bằng vật liệu tái tạo hoặc tái chế và cuối cùng sẽ được tái chế.

Công nhân làm việc tại nhà máy gia công cho H&M ở tỉnh Kandal, Campuchia ngày 12/12/2018. Ảnh: Arab News

Kinh doanh đồ second-hand

Một lĩnh vực trọng tâm lớn hơn của H&M là kinh doanh hàng second-hand (hàng si), cả trực tuyến và trực tiếp tại các cửa hàng. Thương hiệu thời trang Thụy Điển đặt nhiều hy vọng vào Sellpy, một diễn đàn bán hàng si ở hơn 20 quốc gia châu Âu, trong đó H&M sở hữu 74% cổ phần.

Tại một cửa hàng Weekday (một thương hiệu của H&M) ở Stockholm, hàng si chiếm khoảng 4% doanh số, một lãnh đạo của Weekday cho biết.

Khách hàng có thể mang quần áo đã qua sử dụng, đã giặt từ bất kỳ thương hiệu nào đến cửa hàng của Weekday. Cửa hàng hưởng 60% giá trị mỗi giao dịch.

Hồi tháng 2, các trang web của H&M ở Thụy Điển và Đức đã bắt đầu cho phép khách hàng lựa chọn mua hàng si từ các thương hiệu khác nhau.

Theo một khách hàng của H&M, hãng này từng bán hàng si trong hơn 5 năm, bắt đầu từ cuối những năm 1990 ở Thụy Điển, Đức và Anh. Tuy nhiên, họ phải ngừng kinh doanh lĩnh vực này do nhu cầu khách hàng dần giảm sút. Một vấn đề nữa là khi các cửa hàng cung cấp quần áo cũ ngày càng tăng, việc tìm nguồn cung và lựa chọn mặt hàng trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Thời trang là ngành ô nhiễm thứ 2 sau dầu mỏ. Ảnh: RTE

Mục tiêu tham vọng

H&M đang đặt mục tiêu tăng mức sử dụng vật liệu tái chế trung bình từ 17.9% hiện nay lên 30% trong toàn bộ hoạt động kinh doanh của mình, bao gồm cả khâu đóng gói, vào năm 2025.

H&M đang đầu tư vào một số công ty khởi nghiệp tái chế hóa chất để tạo ra sợi xenlulo nhân tạo từ bông hoặc visco đã qua sử dụng để sản xuất quần áo mới.

Mặc dù công ty đang tập trung vào hoạt động tái chế quần áo để giúp cắt giảm lượng phát thải, nhưng H&M cho biết, họ không biết chắc chắn việc chuyển đổi này sẽ tạo ra tác động như thế nào, vì nó còn phụ thuộc vào loại và số lượng vật liệu mà H&M có thể tái chế.

“Chúng tôi không thể nói trước điều gì, vì có quá nhiều thứ sẽ thay đổi. Những con số sẽ chỉ là phỏng đoán mà thôi”, Henrik Sundberg, người phụ trách mảng Tác động Khí hậu của H&M cho biết.

Đầu năm 2022, CEO H&M đặt mục tiêu tham vọng tăng gấp đôi doanh thu của công ty vào năm 2030 sau khi chứng kiến công ty phục hồi ngoạn mục hậu Covid, đạt doanh thu ròng 15,8 tỷ bảng Anh năm 2021.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích nghi ngờ khả năng H&M thành công trong các chiến lược mới, vì chúng được đặt ra trước khi Người Nga rồng rắn xếp hàng chờ mua đồ của thương hiệu H&M lần cuối - một trong những thị trường lớn nhất của hãng - theo sau cuộc xung đột với Ukraine diễn ra vào đầu năm nay, và trước khi doanh số bán hàng ở Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi những hạn chế liên quan đến Covid-19.

Nguyễn Tuyết (Theo WSJ, Bloomberg, Wired)