Đời sống

Tại sao bạn uống nước nhiều mà vẫn khát?

Mặc dù thường xuyên uống nước nhưng bạn vẫn cảm thấy khát, có thể đây là một dấu hiệu cảnh báo những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bạn không nên xem thường.

Cơ thể bị mất nước

Khi hàm lượng nước trong cơ thể quá thấp, có thể nguy hiểm. Vì hầu hết toàn bộ cơ thể được tạo thành từ nước, cần bổ sung lượng chất lỏng bị mất để các cơ quan có thể hoạt động tốt.

Mất nước có thể gây ra một số triệu chứng đáng sợ, và nếu mức nước xuống quá thấp, người bệnh có thể hôn mê hoặc thậm chí tử vong, theo Power of Positivity.

Một người, nếu bị bệnh trong một thời gian dài, kèm theo nôn mửa và tiêu chảy nghiêm trọng, cần bổ sung nước và chất điện giải ngay lập tức.

Bệnh về tuyến giáp

Khát nước quá mức kèm theo các triệu chứng liên quan khác như giảm cân không chủ ý, run tay, kiệt sức, lo lắng, kinh nguyệt ít, thì cần kiểm tra chức năng tuyến giáp, theo báo Thanh Niên.

Ảnh minh họa.

Cảnh báo bệnh tiểu đường

Khi bạn đi tiểu nhiều lần hoặc khát nước trong khoảng thời gian ngắn, đi kèm với khô miệng là những triệu chứng khởi phát thường gặp của bệnh tiểu đường type 2. Nó cũng có thể là một dấu hiệu của sự tăng đường huyết, một tình trạng có quá nhiều đường trong máu, thường gặp nhất ở những người mắc bệnh tiểu đường. Bởi vậy khi khát nước thường xuyên bạn đừng xem nhẹ sức khỏe của mình.

Bệnh tiểu đường sẽ làm glucose tích tụ trong máu buộc thận phải làm việc quá sức để cố gắng hấp thụ. Thận không thể hoạt động kịp sẽ khiến cơ thể tạo ra nhiều nước tiểu hơn bình thường. Nỗ lực thải lượng đường dư thừa quá mức đó sẽ tiếp tục diễn ra cho đến khi lượng đường trong máu trở lại bình thường. Quá trình này khiến chúng ta luôn cảm thấy khát nước. Bạn có thể nhận biết qua lượng nước tiểu. Khi bị mất nước, thận nhận được tín hiệu giữ lại nhiều nước hơn, khiến đi tiểu ít hơn.

Nồng độ canxi trong máu tăng

Theo thông tin trên báo Tuổi Trẻ, khi bạn luôn thấy khát nước ngay cả khi uống đủ đây là tình trạng mà nồng độ canxi trong máu ở trên mức bình thường. Nguyên nhân có thể là do tuyến cận giáp hoạt động quá mức, hoặc là dấu hiệu của một bệnh khác như lao, bệnh u hạt, thậm chí ung thư.

Cụ thể, tăng canxi máu gây cảm giác vô cùng khát nước, uống bao nhiêu cũng không đủ. Kèm theo đó là các triệu chứng đi tiểu thường xuyên hơn, đau bụng, buồn nôn, táo bón, đau xương và yếu cơ, cảm giác lú lẫn, mệt mỏi và trầm cảm, rối loạn nhịp tim...

Lưu ý: Trong bất cứ trường hợp nào, việc chúng ta cần làm khi khát chính là bổ sung nước cho cơ thể. Nhưng nếu khát quá mức, uống liên tục mà vẫn khát, bạn cần gặp bác sĩ để thăm khám và điều trị.

Uống bao nhước trong ngày là đủ?

Nên uống 2 lít nước mỗi ngày. Ảnh minh họa.

Nước chiếm khoảng 2/3 trọng lượng cơ thể chúng ta, nước mang chất dinh dưỡng và hỗ trợ đào thải chất độc, điều chỉnh thân nhiệt, hoạt động như một chất bôi trơn và giảm xóc trong khớp xương, đồng thời đóng vai trò trong hầu hết các trao đổi chất xảy ra trong cơ thể chúng ta. Hàng ngày, cơ thể chúng ta không ngừng mất nước qua mồ hôi, hơi thở và nước tiểu. Nên việc đảm bảo cho cơ thể có đủ nước là một sự cân bằng tốt và tránh mất nước là điều quan trọng, nhất là trong những ngày thời tiết oi bức, nắng nóng.

Gợi ý cách uống nước đúng cách:

Ngủ dậy: Uống 1 ly nước (250 ml) giúp cơ thể bạn thải độc sau một giấc ngủ dài.

Bữa sáng: Nhâm nhi 1/2 ly nước với bữa sáng

Giữa bữa sáng và bữa trưa: Uống ít nhất 1 ly nước

30-45 phút trước bữa trưa: Uống 1 ly nước

Ăn trưa: Nhâm nhi nửa ly nước trong bữa trưa

Giữa bữa trưa và bữa tối: Uống ít nhất 1-1,5 ly nước

30-45 phút trước bữa tối: Uống 1 ly nước

Bữa tối: Nhâm nhi 1/2 ly nước với bữa tối

Giữa bữa tối và giờ đi ngủ: Uống ít nhất 1 ly nước.

Trúc Chi (t/h)