Tài chính - Ngân hàng

Tài khoản chứng khoán cá nhân mở mới tháng 1/2022 giảm

Số tài khoản mở mới tháng đầu năm 2022 đạt 194.305 tài khoản, giảm so với 2 tháng trước nhưng vẫn ở mức cao so với bình quân năm 2021.

Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD), nhà đầu tư trong nước mở mới tiếp tục mở mới 194.305 tài khoản chứng khoán trong tháng 1/2022.

Con số này giảm hơn 32.000 tài khoản so với tháng trước. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân mở mới 194.305 tài khoản và 210 tài khoản đến từ nhà đầu tư tổ chức.

Như vậy sau 2 tháng cao điểm cuối năm 2021 duy trì mức kỷ lục trên 200.000 tài khoản mở mới mỗi tháng, sang đến tháng 1/2022, tình hình mở tài khoản chứng khoán mới đã có phần "hạ nhiệt". Tuy nhiên đây vẫn là mức rất cao so với bình quân năm 2021 và tháng có số tài khoản mở nhiều thứ 3 trong lịch sử.

Tính đến thời điểm cuối tháng 1/2022, tổng số tài khoản giao dịch của nhà đầu tư cá nhân trong nước là 4,45 triệu tài khoản, tăng 4,6% so với tháng trước, tương đương gần 4,33% dân số. Trong khi đó, theo chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045, số lượng nhà đầu tư đạt 5% dân số năm 2025 và 8% dân số vào năm 2030.

Lượng tài khoản mở mới của cá nhân nước ngoài đạt 302 đơn vị, tăng 1,3% so với tháng 12 năm ngoái. Tương tự, tổ chức nước ngoài mở mới 18 tài khoản chứng khoán ở tháng 1/2022, cao hơn mức chỉ 8 tài khoản ở tháng 12 năm ngoái. Tổng số tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài tại thời điểm cuối tháng 1/2022 đạt 39.830, tăng 320 tài khoản so với cuối tháng 12/2021.

Trước đó, năm 2021, nhà đầu tư trong nước mở mới hơn 1,5 triệu tài khoản chứng khoán, lớn gấp rưỡi tổng số tài khoản mở mới trong 4 năm 2017; 2018; 2019 và 2020 cộng lại (tổng 4 năm đạt 1,04 triệu tài khoản). Dù vậy, đây vẫn là tỉ lệ thấp so với các quốc gia phát triển trong khu vực.

Các chuyên gia cho rằng việc nhà đầu tư mở mới giảm có thể đến từ việc tháng 1 là thời điểm chuẩn bị kỳ nghỉ Tết nguyên đán. Ngoài ra, thị trường chứng khoán đã có một năm bùng nổ nên 2022 mức độ tham gia sẽ giảm dần và ổn định mở mức nhất định. Ngoài ra, chính sách tiền tệ đã nới lỏng và nền kinh tế hồi phục rõ nét khiến các cá nhân sẽ đầu tư vào các kênh khác thay vì chứng khoán.

Trong tháng 1/2021, VN-Index từng có thời điểm đạt đỉnh lịch sử nhưng tính chung cả tháng đầu năm vẫn ghi nhận mức giảm 1,29%, xuống gần 1.479 điểm.

Thanh khoản thị trường cũng xuống mức thấp khi rơi vào thấp điểm mùa Tết nguyên đán. Tổng giao dịch sàn HoSE đạt khoảng 523.827 tỷ đồng và 16,62 tỷ cổ phiếu, giảm lần lượt 16% về giá trị và 18% về khối lượng so với tháng 12/2021.