Thế giới

Tại Davos, ông Stoltenberg nói NATO sẽ không mở rộng sang châu Á

NATO không coi Trung Quốc là đối thủ nhưng NATO phải thích ứng với “sự đầu tư mạnh mẽ của nước này vào năng lực quân sự hiện đại”.

Kể từ khi kế hoạch mở văn phòng đầu tiên của NATO ở thủ đô Tokyo của Nhật Bản được đem ra bàn luận một lần nữa vào năm ngoái, đã có nhiều đồn đoán về ý định vươn tầm ảnh hưởng sang châu Á của liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương.

Hôm 16/1, khách tới dự cuộc họp thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại khu nghỉ mát trượt tuyết Davos của Thụy Sĩ  đã được nghe đích thân Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg xác nhận: NATO sẽ không mở rộng sang châu Á.

“NATO là một liên minh xuyên Đại Tây Dương, với châu Âu và Bắc Mỹ. Và chúng tôi sẽ vẫn là một liên minh khu vực. Nhưng khu vực xuyên Đại Tây Dương phải đối mặt với các mối đe dọa toàn cầu. An ninh không còn mang tính khu vực nữa; an ninh là toàn cầu. Vì vậy, những gì xảy ra ở châu Á rất quan trọng đối với châu Âu và những gì xảy ra ở châu Âu quan trọng đối với châu Á”, ông Stoltenberg nói.

“Các vị phải hiểu rằng vấn đề không phải là động thái của NATO hướng tới châu Á mà là việc Trung Quốc đang tiến gần đến ngưỡng của của chúng tôi… NATO sẽ không mở rộng sang châu Á mà phải phản ứng với những gì đang xảy ra ở khu vực đó”, người đứng đầu liên minh quân sự cho biết.

Theo ông Stoltenberg, mặc dù NATO không coi Trung Quốc là đối thủ nhưng NATO phải thích ứng với “sự đầu tư mạnh mẽ của nước này vào năng lực quân sự hiện đại, bao gồm cả vũ khí hạt nhân tiên tiến hơn, cách hành xử của Trung Quốc, đặc biệt là ở Biển Đông…”

Địa điểm diễn ra Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ. Ảnh: Outlook India

Kế hoạch mở văn phòng liên lạc của NATO ở “xứ sở mặt trời mọc” đã được thảo luận không liên tục kể từ năm 2007, khi Thủ tướng Nhật Bản lúc đó là ông Shinzo Abe lần đầu tiên đến thăm trụ sở liên minh ở Brussels (Bỉ), và đã được nêu ra một lần nữa vào năm 2023.

Bắc Kinh đã bày tỏ sự hoài nghi về văn phòng liên lạc được đề xuất ở Tokyo. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ning cho biết, NATO nên duy trì trong phạm vi ảnh hưởng của mình và không tìm cách tăng cường sự hiện diện ở châu Á, lập luận rằng khu vực này “không hoan nghênh đối đầu khối hoặc các khối quân sự”.

Liên minh quân sự do Mỹ dẫn dắt hiện có hơn một chục trung tâm liên lạc trên toàn cầu, tại các quốc gia như Ukraine và Moldova. Hầu hết các trung tâm này đều nhỏ và được thiết kế để giúp liên lạc với chính phủ và quân đội của nước sở tại. Mặc dù NATO chưa vạch ra kế hoạch chi tiết cho Tokyo, nhưng văn phòng ở đó được cho là sẽ phục vụ một chức năng tương tự và sẽ chỉ có một số lượng nhân viên nhỏ.

Về Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), đây là một tổ chức phi chính phủ của Thụy Sĩ tổ chức hội nghị thường niên ở thị trấn Davos để thảo luận các vấn đề cấp bách liên quan đến chính trị, kinh tế và xã hội khắp nơi trên toàn cầu.

Hội nghị lần thứ 54 đang diễn ra tại Davos, từ ngày 15-19/1, với chủ đề chính là “Xây dựng lại niềm tin”. Sự kiện đã quy tụ 2.800 người tham gia từ hơn 120 quốc gia, bao gồm các giám đốc điều hành doanh nghiệp, các nhà lãnh đạo chính trị và các chuyên gia.

Minh Đức (Theo TASS, Radar Armenia)