Thế giới

"Tài chính, tài chính, tài chính" và những kỳ vọng tại COP 26

Hiện COP 26 đã đi được nửa chặng đường và vẫn còn nhiều thỏa thuận cần được cam kết mạnh mẽ để thế giới có đủ công cụ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Diễn ra từ ngày 31/10 đến ngày 12/11 tại thành phố Glasgow, Anh, Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) được xem là cột mốc quan trọng để thế giới thể hiện sự đoàn kết cùng với những cam kết mạnh mẽ, hiệu quả, thực chất về chống biến đổi khí hậu.

Hội nghị đang bước sang tuần thứ 2 với nhiều chủ đề chính đang được tiến hành trên bàn đàm phán. Theo hãng tin AP, nhiều thông báo nổi bật đã được đưa ra kể từ khi bắt đầu cuộc họp và một số đại biểu đã thể hiện sự lạc quan về triển vọng đạt được trong cuộc chiến chống lại hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Ông Laurent Fabius, cựu Ngoại trưởng Pháp, Chủ tịch COP 21, người đã đóng góp vai trò lớn trong việc thúc đẩy xây dựng Hiệp định khí hậu Paris năm 2015, nhận định rằng bầu không khí chung đã được cải thiện kể từ khi các cuộc đàm phán COP 26 bắt đầu vào ngày 31/10 và “hầu hết các nhà đàm phán đều mong muốn đạt được một thỏa thuận”.

Hội nghị COP26 diễn ra tại Khuôn viên Sự kiện Scotland ở thành phố Glasgow, nước Anh. Ảnh: Transport Scotland.

Archie Young, nhà đàm phán từ nước Anh, cho biết hôm thứ Bảy ngày 6/11 rằng “Các nhà đàm phán đang phải đối mặt với những quyết định khó khăn, nhưng họ nên làm”. 

Dưới đây là tình hình đàm phán thuộc các lĩnh vực quan trọng trong  tại COP 26:

Một số kết quả hàng đầu

Loạt thông báo từ khi bắt đầu cuộc đàm phán COP 26 về các vấn đề bao gồm chấm dứt nạn phá rừng, cắt giảm phát thải khí metan, cung cấp nhiều hỗ trợ tài chính hơn cho các khoản đầu tư “xanh” và loại bỏ dần việc sử dụng than đã được đưa ra.

COP 26 tiếp tục khẳng định việc theo đuổi mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức ở 1,5 °C so với thời kỳ tiền công nghiệp nhằm ngăn ngừa những ảnh hưởng nghiêm trọng do biến đổi khí hậu gây ra. Trong trường hợp mục tiêu này thất bại, lằn ranh cuối cùng ngăn chặn thảm họa biến đổi khí hậu là giữ cho nhiệt độ Trái Đất không tăng quá 2°C so với giai đoạn tiền công nghiệp.

Cũng tại đây, lần đầu tiên từ sau Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, các nước phải đánh giá lại những cam kết tự nguyện giảm khí thải họ từng đặt ra. Hơn 100 thành viên đã đề xuất mục tiêu mới, được gọi là mức đóng góp do quốc gia tự xác định (NDC). Một số quốc gia chiếm tỷ lệ phát thải lớn đang bị thúc giục cần cập nhật kế hoạch giảm thiểu khí carbon của mình thường xuyên hơn, cứ sau 1 đến 2  năm một lần thay vì thời gian cập nhật 5 năm một lần như đang áp dụng hiện nay theo yêu cầu trong Hiệp định Paris 2015.

Thủ tướng Anh Boris Johnson tại Hội nghị thượng đỉnh COP 26 năm 2021. Ảnh: CNBC

Huy động tài chính khí hậu

Trong nhiều năm, tài chính đã trở thành “điểm tắc nghẽn” tại các cuộc đàm phán về khí hậu của LHQ. Một trong những mục tiêu chính của COP 26 là huy động đủ cam kết của các quốc gia trên toàn cầu để giảm phát thải khí nhà kính, chủ yếu là giảm sử dụng than đá, dầu mỏ và khí đốt, để khống chế mức tăng nhiệt độ trung bình của Trái đất. Tuy nhiên, để đáp ứng được những cam kết đó, cần có nguồn tài chính dồi dào.

Thích ứng tài chính đối với biến đổi khí hậu là một tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ thành công của COP 26. Cụ thể là việc các quốc gia phát triển thực hiện cam kết từ năm 2009 rằng huy động 100 tỷ USD/năm trong giai đoạn năm 2020-2025, để giúp các nước đang phát triển chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo và chuẩn bị ứng phó tác động của biến đổi khí hậu. Trên thực tế, các nước phát triển đã không đạt được mục tiêu huy động nguồn tài chính trong năm 2020. 

Tại COP 26, các nhà lãnh đạo Mỹ, Anh, Pháp, Đức đã công bố kế hoạch cung cấp các khoản vay và tài trợ với tổng trị giá 8,5 tỷ USD trong vòng 5 năm tới để hỗ trợ Nam Phi loại bỏ dần than đá, nhưng vẫn cần nhiều hơn nữa. Trong khi đó, Ấn Độ, Nga và Trung Quốc, những quốc gia có lượng phát thải cao trên thế giới, thì hầu như im lặng. 

Việc khôi phục lòng tin giữa các quốc gia về tài chính khí hậu là một vấn đề phức tạp, đòi hỏi thiết lập được một cam kết rõ ràng về việc tăng cường hỗ trợ nguông tiền bắt đầu từ năm 2025. Ông Laurent Fabius, Chủ tịch COP 21, nhấn mạnh trong phát biểu tại COP 26 rằng: “Đó là về tài chính, tài chính, tài chính, tài chính”.

Trong tuyên bố được đưa ra, nhóm các tổ chức tài chính khẳng định sẽ thực hiện một cách công bằng phần trách nhiệm của ngành tài chính trong nỗ lực giảm thiểu sử dụng nhiên liệu hóa thạch và tham gia cam kết có tổng giá trị vốn lên tới 130.000 tỷ USD (tương đương 40% vốn toàn cầu).

Theo ông Mark Carney, đặc phái viên khí hậu của LHQ, người chủ trì hội nghị bàn tròn GFANZ - Liên minh Tài chính vì mục tiêu đưa mức khí thải ròng về 0 (Net Zero) trong khuôn khổ COP26, ước tính số tiền đầu tư trong 3 thập kỷ tới là khoảng 100.000 tỷ USD. 

Ông Carney cho rằng ngành tài chính cần tìm ra những cách thức để huy động dòng tiền tư nhân kết hợp cùng dòng tiền chính phủ nhằm thúc đẩy thực hiện mục tiêu "Net Zero". Theo ông, việc làm sao gắn nguồn tiền hiện có vào các dự án hướng đến mục tiêu giảm mức khí thải ròng về 0 và tạo lập một vòng tuần hoàn chặt chẽ giữa các nguồn vốn đầu tư cho mục tiêu này mới thực sự là thách thức. 

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen. ẢNH: Treasuryandrisk.com

Bà Janet Yellen, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, phát biểu tại Hội nghị: “Lý do tôi có mặt tại đây là biến đổi khí hậu không chỉ là vấn đề môi trường, cũng không chỉ là vấn đề năng lượng. Đó là vấn đề về kinh tế, phát triển và gây mất ổn định thị trường. Nếu tôi không xử lý vấn đề này một cách nghiêm túc thì tôi chưa làm hết nhiệm vụ của mình”.

Mục tiêu giảm phát thải Cacbon 

Thỏa thuận về giảm phát thải Cacbon được coi là rất quan trọng tại Hội nghị lần này. Theo các nhà khoa học, thế giới phải giảm 50% khí thải vào năm 2030 và đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 để ngăn chặn những tác động nghiêm trọng do sự nóng lên toàn cầu gây ra. Ấn Độ cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2070, trong khi  Anh, Mỹ và Liên minh Châu Âu cam kết đạt mục tiêu này vào năm 2050. 

Trên thực thế, Thỏa thuận Paris 2015 cho phép các chính phủ đặt ra các mục tiêu cắt giảm khí thải của riêng họ. Theo AP, việc xác minh rằng các quốc gia đang thực hiện những gì họ đã cam kết và các mục tiêu của họ có được hỗ trợ bằng các biện pháp thực tế hay không là điều khó khăn. 

Các cam kết khí hậu của Trung Quốc là rất đáng chú ý bởi quốc gia này hiện là nước gây ô nhiễm lớn nhất thế giới và có nhiều khoản đầu tư vào các nhà máy điện than trên phạm vi toàn cầu. Trong khi đó, Brazil và Nga đã từ chối yêu cầu đưa ra chi tiết hơn các biện pháp ngắn hạn mà họ đang thực hiện để đáp ứng các mục tiêu khí hậu dài hạn. Cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đều cho biết vắng mặt tại Hội nghị về khí hậu LHQ năm nay. 

Mô hình Trái đất trong một phòng họp Hội nghị COP26 ở thành phố Glasgow, Scotland, Anh, vào ngày 2/11/2021. Ảnh: Getty Images.

Hiện COP 26 mới đi được nửa chặng đường và vẫn còn nhiều những thỏa thuận cần được cam kết mạnh mẽ để thế giới có đủ công cụ bảo vệ hành tinh trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Phạm Thu Thanh (theo AP, The Hindu, Reuters)