Sự kiện

Tái bùng phát dịch tả lợn châu Phi tại phía Nam

Chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt địa phương phía Nam đã ghi nhận các ổ dịch tả lợn châu Phi và nhanh chóng vào cuộc kiểm soát.

Sáng 5/11, ông Nguyễn Như Tuân, Chủ tịch UBND huyện Nhơn Thành, tỉnh Bình Phước xác nhận với PV Người Đưa Tin Pháp luật về tình trạng dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến tại địa phương.

Cụ thể, quyết định công bố dịch bệnh được lãnh đạo UBND huyện Nhơn Thành ban hành vào ngày 2/11 sau khi ngành chức năng xác nhận 1 ổ dịch tại xã Minh Thành.

Vùng bị dịch uy hiếp là thị trấn Chơn Thành, xã Minh Hưng, Nha Bích, Thành Tâm và địa bàn xã An Linh, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương giáp ranh.

Ngành chức năng tỉnh Bình Phước đang khẩn trương xử lý ổ dịch tả lợn châu Phi vừa phát hiện.

Lãnh đạo UBND huyện Chơn Thành yêu cầu trong thời gian có dịch, người dân phải tạm dừng các hoạt động mua bán, vận chuyển lợn, gia súc cảm nhiễm với bệnh dịch tả lợn châu Phi và sản phẩm ra vào vùng dịch.

Đồng thời, tổ chức kiểm soát việc giết mổ lợn, tiêu thụ thịt lợn, sản phẩm từ thịt lợn trong phạm vi vùng có dịch và vùng bị uy hiếp dưới sự giám sát của chính quyền địa phương.

“Lãnh đạo huyện đang phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan như sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Quản lý thị trường,...để đảm bảo không vận chuyển lợn con, lợn giống từ bên ngoài, trong vùng có dịch và vùng bị uy hiếp”, ông Tuân cho biết.

Ban chỉ đạo cấp huyện cũng tăng cường hướng dẫn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, trang trại chăn nuôi lợn để chủ động phòng chống, giám sát chặt chẽ dịch bệnh, thực hiện nghiêm túc các biện pháp theo luật Thú y và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành.

Trước đó, địa bàn phường Hòa Bình và Cheo Reo thuộc thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai cũng xuất hiện tình trạng dịch bệnh đối với 120 con lợn của 6 hộ dân.

Toàn bộ lợn gồm 3.525 kg đã được mang đi tiêu huỷ, chuồng trại cũng được tiêu độc, khử trùng. Chính quyền tỉnh Gia Lai thực hiện các thủ tục hỗ trợ người chăn nuôi theo quy định ở mức 38 nghìn đồng/kg.

Còn tại tỉnh Cà Mau, ổ dịch 14 con lơn tại xã Tân Đức, huyện Đầm Dơi cũng vừa được xử lý từ lúc phát hiện vào giữa tháng Chín vừa qua.

Điều đáng quan tâm, ổ dịch này diễn trên đàn heo có nguồn gốc từ địa phương, chủ hộ đã gây nuôi từ lâu. 

Trong khi 2 ổ dịch tại xã Khánh Thuận (huyện U Minh) và xã Lâm Hải (huyện Năm Căn) là lợn giống được nhập từ huyện Phước Long, tỉnh Bạc liêu.