Tiêu điểm thế giới

Tác động thị trường từ chính sách "diều hâu" của Fed

Sau cuộc họp kéo dài 2 ngày, Fed quyết định giữ nguyên mức lãi suất cơ bản gần bằng 0 và phát tín hiệu sẽ giảm dần các gói kích thích kinh tế.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát tín hiệu rằng quá trình giảm nhịp độ của chương trình mua trái phiếu 120 tỷ USD mỗi tháng sẽ bắt đầu sớm và lãi suất được đề xuất tăng sớm hơn dự kiến.

Sau cuộc họp chính sách (diễn ra trong hai ngày 21-22/9), Fed đã dọn đường để bắt đầu giảm lượng mua trái phiếu hàng tháng ngay từ tháng 11, và 9/18 nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương Mỹ ủng hộ việc tăng lãi suất vào năm 2022.

Theo đánh giá của một số chuyên gia, chính sách này của Fed mang tính “diều hâu”.

Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ có thể kết thúc quá trình rút lại các gói kích thích kinh tế vào khoảng giữa năm tới, miễn là sự phục hồi vẫn đi đúng hướng.

Mặc dù nhiều người đã kỳ vọng rằng Ngân hàng Trung ương sẽ bắt đầu quá trình này trước cuối năm, một số nhà đầu tư cho biết dự báo tăng lãi suất có thể làm dấy lên lo ngại về việc liệu có rủi ro Fed thắt chặt chính sách tiền tệ vào thời điểm nền kinh tế có thể suy yếu hơn đáng kể so với hiện nay hay không, dẫn đến rớt giá cổ phiếu và các tài sản khác.

“Với động thái diều hâu này, Fed có nguy cơ thắt chặt chính sách vào bối cảnh tăng trưởng chậm lại”, Emily Roland, đồng Giám đốc chiến lược đầu tư tại John Hancock Investment Management, nhận định.

The Mall of America - một trung tâm mua sắm nằm ở Bloomington, Minnesota, Mỹ - được mệnh danh là "thành phố trong thành phố" vì có rất nhiều điểm mua sắm mini nằm bên trong trung tâm này. Ảnh: Daily Records

Chứng khoán Phố Wall tăng mạnh hơn hôm thứ Tư (22/9) sau khi đón nhận các tín hiệu từ Fed, với Chỉ số Dow Jones, chỉ số S&P 500 và chỉ số Nasdaq Composite đóng cửa đều tăng gần 1%.

Cổ phiếu của FedEx là cổ phiếu giảm mạnh nhất trên S&P, giảm 9%. Hãng chuyển phát nhanh quốc tế đã cắt giảm dự báo thu nhập cả năm của mình. Công ty đang phải vật lộn với tình trạng thiếu lao động, làm chi phí tăng và việc giao hàng bị chậm trễ.

Chevron là mã tăng giá hàng đầu thứ hai trên Dow Jones, tăng gần 3%.

Trên thị trường trái phiếu kho bạc, chênh lệch giữa trái phiếu kỳ hạn 5 năm và trái phiếu kỳ hạn 30 năm giảm xuống dưới 100 điểm cơ bản sau tuyên bố của Fed, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2020. Khoảng cách hẹp hơn có thể là ám chỉ cho các yếu tố như bất ổn kinh tế, lo ngại lạm phát giảm đi và dự đoán về chính sách tiền tệ thắt chặt hơn.

“Thị trường giao dịch bằng lãi suất coi thông điệp của Fed mang tính diều hâu”, các nhà phân tích tại BoFA Global Research cho biết. "Lập trường của Fed là một yếu tố quan trọng để chúng tôi nhận định rằng lãi suất sẽ cao hơn vào cuối năm".

Tuy nhiên, Kevin Madden, Giám đốc đầu tư của Hennion và Walsh Asset Management, lại cho rằng đó là lập trường ôn hòa.

"Tôi nghĩ điều các nhà đầu tư trông đợi nhất là sẽ không có bất kỳ đợt tăng lãi suất nào ngoài một đợt tăng lãi suất vào năm 2022. Và nếu mọi thứ tiếp tục như hiện tại, có thể cũng sẽ chỉ có một đợt tăng tiếp vào năm 2023. Chỉ điều đó thôi cũng đã giúp thị trường tăng 50 điểm cơ bản so với hiện tại", Madden nhận định.

Các nhà phân tích tại TD Securities cho biết trong một báo cáo, họ kỳ vọng Ngân hàng Trung ương sẽ giảm lượng mua tài sản xuống 15 tỷ USD mỗi tháng kể từ tháng 11, giúp tăng lợi suất và củng cố đồng USD.

Quỹ đạo của tiền tệ Mỹ rất quan trọng đối với các nhà đầu tư vì nó tác động đến mọi thứ, từ giá hàng hóa đến thu nhập doanh nghiệp. Lợi suất cao hơn khiến tài sản tính bằng USD trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư cổ phiếu. Đồng bạc xanh đã tăng 0,23% so với rổ các đồng tiền khác vào cuối ngày thứ Tư (22/9).

Những người khác tỏ ra lạc quan, cho rằng lập trường cứng rắn của Fed phản ánh sức mạnh của nền kinh tế trong bối cảnh Covid-19 tái bùng phát.

Các thị trường tin tưởng khả năng sẽ chỉ có một đợt tăng lãi suất vào năm 2022 và 2023. Điều đó cho thấy nền kinh tế đang vững mạnh hơn là lo lắng về kế hoạch rút lại các gói kích thích kinh tế của Fed, Mark Freeman, Giám đốc đầu tư tại Socorro Asset Management, nhận định.

Theo Freeman, Chủ tịch Fed đã nhiều lần giải thích rằng, các tiêu chí để rút lại các gói kích thích kinh tế rất khác so với các tiêu chí để tăng lãi suất; chúng cao hơn nhiều và sẽ có nhiều tác động đến thị trường hơn.

Các quan chức Fed đề xuất tăng lãi suất vào năm tới để đối phó với lạm phát mà Fed dự kiến ở mức 4,2% trong năm nay. Ảnh: CNBC

Sau cuộc họp chính sách, Fed tuyên bố giữ lãi suất cơ bản gần bằng 0, đồng thời chỉ ra rằng các đợt tăng lãi suất có thể đến sớm hơn dự kiến. 9/18 quan chức Fed đề xuất tăng lãi suất vào năm tới để đối phó với lạm phát mà Fed dự kiến ở mức 4,2% trong năm nay, cao hơn gấp đôi mục tiêu 2%.

Ngân hàng trung ương Mỹ cho biết việc giảm lượng mua trái phiếu hàng tháng có thể bắt đầu sau cuộc họp chính sách tháng 11/2021, với điều kiện tốc độ tạo việc làm của nền kinh tế Mỹ trong tháng 9 ở mức hợp lý.

Việc giảm bớt lượng mua trái phiếu được coi là bước đầu tiên trên con đường tăng lãi suất.

Fed muốn việc mua trái phiếu Kho bạc và chứng khoán được bảo đảm bằng tài sản thế chấp (MBS) kết thúc trước khi bắt đầu nâng chi phí cho vay, và theo các dự báo mới, điều này có thể xảy ra vào năm 2022.

Đã có một số thay đổi đáng kể trong dự báo kinh tế của Fed, với triển vọng tăng trưởng giảm và kỳ vọng lạm phát cao hơn.

Ngân hàng trung ương dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ thấp hơn cho năm 2021, với GDP tăng 5,9%, so với mức dự báo 7% công bố hồi tháng 6. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng cho năm 2022 đã được điều chỉnh tăng từ 3,3% lên 3,8%.

Minh Đức