Tài chính - Ngân hàng

Tác động của "số hóa" tới các ngân hàng sau đại dịch Covid-19

Theo đại diện VPBank, tự động hóa ngân hàng toàn diện - digital bank là mục tiêu quan trọng trong bối cảnh cách mạng 4.0 và đại dịch xảy ra trên toàn thế giới.

Trong tiến trình phát triển công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tất cả các ngành kinh tế, trong đó lĩnh vực tài chính – ngân hàng đều cần phải suy nghĩ về câu chuyện số hóa trong bối cảnh hiện nay.

Chia sẻ quan điểm này tại hội thảo “Phát triển ngân hàng thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, ông Phùng Duy Khương - Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc khối khách hàng cá nhân, VPBank nói: "Khi chúng ta suy nghĩ về câu chuyện của số hóa trong ngành ngân hàng thì cần phải lấy khách hàng làm trung tâm".

Ông Khương đặt ra vấn đề: ''Đâu là những sản phẩm dịch vụ mà khách hàng mong muốn được cung cấp trong các chuỗi hành trình số hóa?". Ông cho rằng, dịch Covid-19 đã phần nào đó thúc đẩy, thay đổi hành vi của khách hàng và họ dần dịch chuyển sang số hoá nhiều hơn. Hành vi của khách hàng và những sản phẩm dịch vụ của ngân hàng sẽ tiếp tục được sử dụng nhưng sẽ thông qua các kênh phi truyền thống nhiều hơn.

Ông Phùng Duy Khương - Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc khối khách hàng cá nhân VPBank

Dẫn số liệu từ việc sử dụng Mobile banking và Internet banking tại Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc VPBank cho rằng, tổng quan tỉ lệ sử dụng 2 hình thức này trong 2 năm trở lại đây đã tăng nhanh chóng. Với Mobile banking, trong quý IV/2018, tỉ lệ sử dụng là 22% đã tăng lên 68% vào quý III/2021. Còn với Internet banking, con số này đạt 75% trong quý III/2021.

“Sau đại dịch Covid-19, hành vi của khách hàng sẽ thay đổi, họ sẽ tiếp tục sử dụng thêm và nhiều hơn nữa các sản phẩm số hóa”, ông Khương nói.

Theo ông, xu hướng của ngân hàng trong tương lai được xoay quanh 3 trụ cột là thông minh - tự động toàn diện - cá nhân hóa. Để thực hiện được 3 trụ cột trên, các ngân hàng bao gồm cả VPBank đều tập trung xây dựng ứng dụng Moblie banking nhằm phục vụ nhu cầu cho khách hàng mà không cần phải ra chi nhánh.

Ứng dụng Mobile banking thông thường chỉ có thể đáp ứng nhu cầu thanh toán thì ngày nay, sẽ cung cấp đầy đủ các giải pháp tài chính cho khách hàng, trở thành sàn thương mại của người dùng. Đồng thời, nó sẽ trở thành một “siêu ứng dụng” hữu ích cho đời sống 4.0.

Trước bối cảnh của cuộc cách mạng 4.0, ông Khương cho hay, xác định chuyển đối số là xu hướng tất yếu, nhiều ngân hàng đã xem việc phát triển mô hình ngân hàng số là một mục tiêu trong chiến lược kinh doanh, không đơn thuần là một dự án công nghệ thông tin và xây dựng chiến lược chuyển đổi số phù hợp với đặc thù của từng ngân hàng.

Một số dịch vụ ngân hàng như thanh toán, nhận tiền tiết kiệm… gần như đã được số hóa 100% cho phép khách hàng thực hiện tất cả các khâu trong quy trình sử dụng dịch vụ thanh toán (từ mở tài khoản, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, nộp rút tiền tiết kiệm thông qua tài khoản thanh toán...).

Ông cũng khẳng định, nhiều ngân hàng đã ứng dụng các công nghệ AI, ML, big data để đánh giá, phân loại khách hàng và quyết định giải ngân,... giúp đơn giản hóa thủ tục, rút thời gian giải ngân, cho vay từ nhiều ngày xuống trong ngày. Từ đó, các ngân hàng có thể giảm thiểu được chi phí vận hành và tăng những trải nghiệm mới cho khách hàng.