Thế giới

Tác động của Brexit đối với giá hàng hóa tại Anh sau 2 năm

Brexit (sự kiện Anh rời khỏi EU) dẫn đến việc gia tăng các quy chuẩn và kiểm tra biên giới đối với hàng hóa, làm tăng chi phí vận chuyển. 

Vào tháng 12/2019, ông Boris Johnson đã trở thành Thủ tướng Anh với cam kết "hoàn tất Brexit", theo đó đến tháng 1/2020 nước Anh chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu EU (Brexit). Sau hơn hai năm kể từ Brexit diễn ra, cho đến bây giờ nó vẫn để lại những tác động về kinh tế.

Những con số cho thấy các rào cản thương mại liên quan đến Brexit (sự kiện Anh rời khỏi EU) đã khiến giá thực phẩm Anh tăng khoảng 6% trong giai đoạn năm 2020 và 2021, gây thêm sức ép đối với người tiêu dùng, hãng tin Bloomberg trích dẫn một báo cáo mới.

Báo cáo từ Trung tâm Hoạt động Kinh tế thuộc Trường Kinh tế London (LSE) cho biết tác động của lạm phát đối với các thực phẩm mà Anh có xu hướng nhập khẩu từ EU, như thịt lợn tươi, cà chua và mứt, là rõ ràng hơn những sản phẩm như cá ngừ và trái cây nhập khẩu từ các quốc gia khác. Nghiên cứu này thực hiện trong hai năm đến cuối năm 2021 và cố gắng loại bỏ những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Các số liệu nhấn mạnh thiệt hại kinh tế gây ra bởi Anh quyết định rời khỏi thị trường chung và liên minh thuế quan của EU. Brexit đã làm gia tăng các quy chuẩn và kiểm tra biên giới đối với hàng hóa, dax tới tăng chi phí vận chuyển. 

Các nhà nghiên cứu nhận định trong báo cáo mới: “Các rào cản bổ sung khi qua biên giới như kiểm tra, tăng thời gian chờ đợi và thủ tục giấy tờ gây tốn kém cho các nhà sản xuất”; “Các công ty có thể thay đổi các quốc gia đối tác mà họ đang nhập khẩu hoặc chuyển sang mua hàng trong nước. Tuy nhiên giả sử ban đầu họ đã hoạt động theo cách hiệu quả nhất, thì bất kỳ thay đổi nào cũng sẽ làm phát sinh thêm chi phí. Những chi phí này có thể sẽ chuyển sang cho người tiêu dùng".

Nhà nghiên cứu Nikhil Datta của LSE nhận định những phát hiện này thể hiện “tác động rõ ràng và mạnh mẽ của căng thẳng thương mại liên quan đến Brexit gây tăng giá thực phẩm đối với người tiêu dùng Anh, trong thời điểm nền kinh tế đang phải đối mặt với áp lực lạm phát”.

Báo cáo của LSE cho biết thực phẩm là một trong những hàng hóa chịu ảnh hưởng nhất với các quy trình kiểm tra mới, trì hoãn thời gian khi chuyển biên giới. Điều này khiến hoạt động nhập khẩu sụt giảm và giá thành cao hơn.

Người dân mua sắm tại Phố Oxford, London, Anh. Ảnh: AFP.

Lạm phát tại Anh vào tháng 3 vừa qua đã chạm mức 7%, là mức tăng hàng năm mạnh nhất trong vòng ba thập kỷ. Bên cạnh việc chi phí năng lượng tăng cao do nguồn cung khan hiếm, chi phí lương thực cũng là một nguyên nhân chính gây ra lạm phát tại Anh.

Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) đã nâng lãi suất ba lần kể từ tháng 12 năm ngoái nhằm kiềm chế lạm phát. Theo ghi nhận của Reuters, các nhà kinh tế dự báo lạm phát giá tiêu dùng tại Anh có thể chạm “đỉnh” khoảng 8% tron tháng 4.

Giáo sư chuyên ngành kinh tế và chính sách công Jonathan Portes tại Trường King's London cho biết: “Mặc dù Brexit không phải là nguyên nhân chính dẫn tới lạm phát gia tăng và cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt, nhưng báo cáo này đưa ra bằng chứng rõ ràng rằng Brexit đã dẫn đến sự tăng đáng kể về giá thực phẩm, điều này sẽ ảnh hưởng nặng nề nhất đến các hộ gia đình nghèo”.

Phạm Hà Thanh (theo Bloomberg, Independent, Reuters)