Quân sự

Syria: Lý do người Kurd chỉ trích “ngôn từ đe dọa” của chính quyền Damascus

Lực lượng người Kurd Syria hôm 19/3 đã lên tiếng chỉ trích “những ngôn từ đầy tính đe dọa” của Bộ trưởng Quốc phòng Syria, Tướng Ali Abdullah Ayoub. Ông Ayoub khẳng định Chính phủ Syria sẽ chiếm lại tất cả các khu vực đang nằm dưới sự kiểm soát của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) thông qua một “thỏa thuận hòa giải” hoặc “bằng vũ lực”.

“Việc sử dụng những ngôn ngữ mang tính đe dọa với SDF – những người đã giải phóng và bảo vệ phía Bắc và Đông Syria khỏi những kẻ khủng bố - sẽ chỉ phục vụ cho các lực lượng đang cố gắng tìm cách chia rẽ Syria”, chính quyền bán tự trị người Kurd ở Bắc và Đông Bắc Syria trong một tuyên bố khẳng định.

Lực lượng SDF.

“Tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Syria liên quan đến SDF phản ánh sự tiếp diễn của chính sách phân biệt chủng tộc đã khiến Syria rơi vào tình trạng thảm khốc này, đồng thời chính quyền tự trị vẫn duy trì quan điểm về sự cần thiết phải có một giải pháp đối thoại cho tất cả các vấn đề cần được xử lý”, tuyên bố cho biết thêm.

Tuyên bố nhấn mạnh rằng dù tìm kiếm giải pháp chính trị song người Kurd sẽ không ngại nỗ lực trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ nếu cần thiết.

Các cuộc đàm phán giữa người Kurd và Damascus đã đi vào ngõ cụt. Các quan chức người Kurd cáo buộc chính quyền Syria đang cố tìm cách tái lập hiện trạng trước chiến tranh tại khu vực họ kiểm soát, một động thái người Kurd cho là không thể chấp nhận được.

Người Kurd chiếm khoảng 15% dân số Syria và SDF là lực lượng lớn thứ hai sau quân đội Syria. SDF đang chiếm khoảng 30% lãnh thổ của đất nước.

SDF là lực lượng dẫn đầu trong các trận chiến chống IS ở Syria, được hỗ trợ bởi liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu.

Sau nhiều năm chịu thiệt thòi, người Kurd đã dần kiểm soát được nhiều vùng đất ở Syria, nhất là sau khi quân Chính phủ rút khỏi lãnh thổ mà họ chiếm được vào năm 2012.

Năm 2013, họ tuyên bố thành lập một chính quyền bán tự trị.

Cuộc chiến Syria, nổ ra vào năm 2011, đã khiến hơn 370.000 người thiệt mạng, gây ra sự tàn phá lớn về cơ sở hạ tầng và khiến hơn một nửa dân số nước này phải rời bỏ nhà cửa.

Xem thêm: Bí ẩn viên phi công cứu chuyến bay của Lion Air 1 ngày trước thảm kịch kinh hoàng