Thế giới

SVB sụp đổ ảnh hưởng như thế nào đến các startup Trung Quốc?

Các công ty khởi nghiệp và quỹ đầu tư mạo hiểm Trung Quốc vẫn đang cố gắng tìm cách chuyển tiền ra khỏi ngân hàng SVB khi có thể.

Kể từ chiều 12/3, các chủ đề liên quan đến sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) như “SVB phá sản đã lan rộng ra nhiều quốc gia” và “SVB phá sản ảnh hưởng đến các doanh nhân Trung Quốc”, đã trở thành xu hướng trên trang Weibo của Trung Quốc. Các bài đăng với chủ đề này nhận được hàng trăm triệu lượt xem.

Đây là vụ phá sản ngân hàng lớn thứ 2 trong lịch sử ngân hàng Mỹ (sau vụ sụp đổ của ngân hàng Washington Mutual năm 2008).  

Trong khi hầu hết các công ty công nghệ và ngân hàng ở Trung Quốc đã tránh bình luận công khai về vụ việc này, rất nhiều nhà đầu tư mạo hiểm và các công ty khởi nghiệp ở nước này lại vô cùng hoang mang, thậm chí hoảng loạn, vì họ coi ngân hàng này là cầu nối để tiếp cận các nhà đầu tư ở bên kia bán cầu.

“Phao cứu sinh” của nhiều startup Trung Quốc

Vào cuối những năm 1990, đầu tư mạo hiểm vẫn còn là khái niệm khá mới mẻ ở Trung Quốc. Trong khi các ngân hàng truyền thống trong nước thờ ơ với các startup do e ngại rủi ro, SBV là một trong những tổ chức tài chính nước ngoài đầu tiên đứng ra giúp đỡ những startup này thực hiện ước mơ vươn ra biển lớn.

Theo thời gian, SVB đã trở thành một lựa chọn phổ biến cho các công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Trung Quốc muốn gây quỹ bằng USD, cũng như một số công ty đầu tư mạo hiểm bằng USD tập trung vào thị trường Trung Quốc.

Việc có tài khoản ngân hàng với SVB cho phép các công ty khởi nghiệp ở Trung Quốc khai thác nguồn vốn từ các nhà đầu tư có trụ sở tại Mỹ, với mục tiêu chào bán công khai ở Mỹ. Chính vì vậy, sự sụp đổ của SVB ít nhiều sẽ khiến các satrtup Trung Quốc gặp khó khăn trong việc huy động vốn từ các nhà đầu tư Mỹ.

Ngân hàng Thung lũng Silicon có 50% cổ phần trong liên doanh với Ngân hàng Phát triển Phố Đông Thượng Hải. Ảnh: globalcapital.com

Tuy nhiên, đó chỉ là tác động tiềm ẩn trong tương lai, còn hiện tại, các nhiều startup khẳng định họ ít bị ảnh hưởng bởi vụ phá sản này. Theo các chuyên gia, SVB là lựa chọn lý tưởng cho các startup ở giai đoạn đầu gọi vốn, nhưng khi các startup này đạt đến một quy mô nhất định, họ sẽ có xu hướng gửi tiền trở lại các ngân hàng trong nước để có tốc độ quay vòng vốn cao hơn.

BeiGene, một trong những nhà sản xuất thuốc điều trị ung thư lớn nhất của Trung Quốc cho biết, họ có hơn 175 triệu USD tiền gửi không được bảo hiểm tại SVB, chiếm khoảng 3,9% tiền mặt, các khoản tương đương tiền và các khoản đầu tư ngắn hạn. Vụ SVB sẽ không có nhiều tác động đến hoạt động của công ty này.

Zai Lab, một công ty dược phẩm, đã thông báo rằng khoản tiền gửi bằng tiền mặt của họ tại SVB là “không đáng kể” với giá trị khoảng 23 triệu USD. Phần lớn tài sản của công ty được gửi tại JPMorgan Chase, Citigroup và ngân hàng Trung Quốc, do đó việc SVB đóng cửa “sẽ không ảnh hưởng” đến khả năng đáp ứng các yêu cầu về chi phí hoạt động hay lượng vốn của công ty, bao gồm cả tiền lương.

Nhiều công ty khác cũng cho biết lượng tiền mặt họ nắm giữ tại SVB là “tối thiểu” hoặc “không quan trọng”.

Liên doanh của SVB với Ngân hàng Phát triển Phố Đông Thượng Hải ở Trung Quốc cũng khẳng định họ hoạt động độc lập và ổn định dù công ty mẹ ở Mỹ sụp đổ.

Khó khăn tìm lựa chọn thay thế

Ngày 12/3, các cơ quan quản lý ngân hàng Mỹ đã cam kết bảo toàn tiền gửi của khách hàng tại SVB với hy vọng làm giảm bớt lo ngại của các startup. Mặc dù vậy, nhiều startup và quỹ đầu tư mạo hiểm của Trung Quốc vẫn đang ráo riết tìm kiếm các giải pháp thay thế.

Một số startup đang chuyển sang các ngân hàng lớn hơn của Mỹ, trong khi số khác tìm đến các ngân hàng trong nước như như China Merchants Bank hay ngân hàng công thương Trung Quốc.

QBIT, một công ty khởi nghiệp ngành ngân hàng có trụ sở tại Hàng Châu, Trung Quốc cho biết, họ đã nhận được lượng đề nghị tạo tài khoản cao gấp 6 lần bình thường trong 3 ngày qua, chủ yếu là từ các khách hàng của SVB.

CB International, một ngân hàng Mỹ phục vụ chủ yếu cho các công ty vừa và nhỏ châu Á cho biết, nhiều công ty startup và quỹ đầu tư mạo hiểm Trung Quốc đã liên hệ với họ để mở tài khoản và gửi thêm tiền mà họ đã rút hoặc dự định rút từ SVB.

Những ngân hàng trên đã cung cấp các dịch vụ tài khoản tương tự như của SVB, nhưng khó có thể phá vỡ sự thống trị của SVB, vốn đã hoạt động tại đây hơn 2 thập kỷ.

SVB đã thiết lập được mối quan hệ với các quan chức chính quyền địa phương ở Thượng Hải để tiếp nhận các quỹ đầu tư mạo hiểm sau khi các ngân hàng truyền thống ở Mỹ từ chối họ. Ảnh: NY Post

Một số quỹ đầu tư mạo hiểm Trung Quốc cho biết, họ đang ở thế khó vì SVB có những lợi thế nhất định và đặc biệt thân thiện với các công ty khởi nghiệp giai đoạn đầu.

“Chúng tôi vẫn đang tìm kiếm một ngân hàng mà chúng tôi có thể mở tài khoản một cách an toàn. Không có nhiều ngân hàng thân thiện với đầu tư mạo hiểm”, giám đốc điều hành một quỹ đầu tư mạo hiểm của Trung Quốc có tiền gửi tại SVB cho biết.

“Rút tiền khỏi SVB là lựa chọn dễ dàng nhất, nhưng không có ngân hàng nào khác ở Mỹ cung cấp mức độ dịch vụ mà SVB từng cung cấp”, giám đốc một ngân hàng đầu tư lớn của Trung Quốc có tiền gửi tại SVB cho biết.

“Tuy nhiên, không gian thị trường do SVB để lại sẽ nhanh chóng được lấp đầy bởi ngân hàng tiếp theo. Đó là một cơ hội”, ông Stephen Chen, đồng sáng lập công ty khởi nghiệp Lead Digital có trụ sở tại Thượng Hải nhận định.

Nguyễn Tuyết (Theo Reuters, CNN, SCMP)