Kinh tế vĩ mô

Sun Group, Vingroup, Vietravel nêu loạt kiến nghị để phục hồi du lịch

Các doanh nghiệp lớn đều cho rằng cần tăng cường quảng bá thị trường, mở rộng chính sách cấp thị thực, ưu đãi về thuế... để thu hút khách du lịch đến với Việt Nam.

Sáng 15/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển”. Hội nghị diễn ra sau đúng một năm Việt Nam mở cửa du lịch trở lại (15/3/2022). Tại hội nghị, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đã nêu loạt kiến nghị để thúc đẩy hồi phục du lịch trong nước.

Khách quốc tế tiêu 1.100-2.000 USD cho mỗi chuyến đi

Tổng Giám đốc Tập đoàn VinGroup Nguyễn Việt Quang đánh giá, sau 1 năm chính thức mở cửa trở lại trong điều kiện bình thường mới, du lịch Việt Nam đang hồi sinh khi đông đảo du khách đã quay trở lại.

Thành quả có được nhờ chính sách của Chính phủ và sự vào cuộc của các bộ, ban, ngành, các địa phương cùng sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, dịch vụ lữ hành, hướng đến Việt Nam là một điểm đến mới mẻ và hấp dẫn.

Ông Quang cho rằng việc không ngừng phát triển những sản phẩm mới kết hợp nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, khám phá, thể thao hấp dẫn đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách chính là điều kiện tiên quyết.

"Thời gian qua, ngoài thị trường truyền thống là các nước Đông Nam Á; Nga, Trung Quốc, Vinpearl đã bắt đầu khai thác nguồn khách mới từ Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand và đã đạt được những thành tựu khả quan", ông nói.

Tổng Giám đốc Tập đoàn VinGroup Nguyễn Việt Quang (Ảnh: VGP).

Cũng tại hội nghị, Chủ tịch Sun Group Đặng Minh Trường cho rằng để cơ cấu thị trường du lịch cần rất nhiều yếu tố từ sản phẩm, dịch vụ marketing, quảng bá, hợp tác, liên kết giữa công - tư và các doanh nghiệp trong ngành.

Nhấn mạnh thêm vai trò của thị trường khách quốc tế đối với du lịch Việt Nam, ông Trường cho biết năm 2019, khách quốc tế đến Việt Nam là 18 triệu, bằng 21% khách nội địa nhưng doanh thu của nhóm này chiếm gần 2/3 do họ có thời gian lưu trú dài 8-12 ngày.

"Thậm chí là những thị trường trọng điểm, khách quốc tế có thể ở đến 15 ngày, chi tiêu khoảng 1.100-2.000 USD/chuyến đi. Trong khi đó, tại thị trường nội địa, khách chủ yếu đi vào cuối tuần, với thời gian lưu trú từ 1 đến 2 ngày, mức chi tiêu cũng không bằng", ông Trường cho hay.

Điều chỉnh luật cần thiết để mở chính sách visa

Chủ tịch Sun Group đánh giá các chính sách visa du lịch của Việt Nam cũng đã có những điểm tiến bộ. Tuy nhiên, để có những đột phá hơn, có tính cạnh tranh trong tương lai và bền vững, phải có những cải cách mạnh hơn nữa.

Ông dẫn chứng năm 2019, Việt Nam đón 18 triệu lượt khách thì Thái Lan đón 40 triệu, 2023 đặt mục tiêu là 8 triệu thì nước bạn đã đón 25 triệu. Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì năm 2030 Việt Nam đón 35 triệu, thì Thái Lan đến năm 2027 họ là 80 triệu khách.

Chủ tịch Sun Group Đặng Minh Trường phát biểu tại hội nghị (Ảnh: VGP).

Ông Trường cho rằng cần nghiên cứu đề xuất gia hạn hoặc mở rộng các đối tượng, các quốc gia có thể được miễn visa đơn phương, trong đó có những thị trường trọng điểm.

Ví dụ, thị trường Australia chi tiêu 4 tỷ USD/năm để đi du lịch, hay Canada trên 33 tỷ USD; các nước Bắc Âu như Hà Lan, Thụy Sỹ, Bỉ đều chi từ 21 đến 26 tỷ USD, xếp trên cả Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch là những nước hiện nay thuộc chính sách được miễn visa.

Ngoài ra, Chủ tịch Sun Group đề nghị các bộ, ngành sớm xem xét phân tích, đánh giá, trình Thủ tướng báo cáo Quốc hội để sửa đổi bổ sung các quy định của Luật Xuất nhập cảnh.

"Chúng tôi mong muốn là các quy trình được rút gọn chỉ trong một kỳ họp và có thể có hiệu lực ngay. Cụ thể các nội dung tăng thời hạn thị thực đối với khách du lịch quốc tế 90-180 ngày, thời gian tạm trú 30-45 ngày và cho phép nhập cảnh nhiều lần; đối với các quốc gia đơn phương miễn thị thực nhập cảnh, tăng từ 15 ngày lên 30-45 ngày và cũng cho nhập cảnh nhiều lần", ông Trường đề xuất.

Tại hội nghị, trả lời câu hỏi của Thủ tướng là tại sao chúng ta mở sớm mà về đích lại chưa được như mong muốn, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Vietravel đề nghị Chính phủ cần có chính sách linh hoạt và nhanh, đủ lâu để ngấm và thấm.

Lấy ví dụ về chính sách visa, ông đề nghị Quốc hội, Chính phủ nhanh chóng thay đổi cơ chế, điều chỉnh Luật cần thiết để mở chính sách visa bằng các nước trong khu vực để cạnh tranh hơn.

Kiến nghị thứ hai, ông Kỳ đề nghị sửa đổi, hoàn thiện chính sách về thuế VAT, điện, tiếp cận nguồn vốn Quỹ xúc tiến du lịch, đặc biệt cần sửa luật để mở văn phòng xúc tiến du lịch của Việt Nam ở nước ngoài.

Chủ tịch Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ (Ảnh: VGP).

Thứ ba, xem xét, tính toán lại mục tiêu 8 triệu khách quốc tế năm 2023. Ông đề  nghị đặt mục tiêu cao hơn để phấn  đấu.

"Chúng tôi đề nghị cần xác định lại thị trường khách du lịch để chúng ta có sản phẩm phù hợp", ông Kỳ nói và cho rằng, thị trường chúng ta đang có hiện nay là thị trường Bắc Á, Đông Bắc Á, sau đó là thị trường nội địa rồi mới đến thị trường Âu, Úc, Mỹ.

Về vấn đề hàng không, ông Kỳ đề nghị Thủ tướng nếu được thì tổ chức một cuộc họp riêng về hàng không. Nếu du lịch không phát triển thì hàng không thua lỗ. "Nếu như không bay, thì chữ du mất rồi, chúng ta còn mỗi chữ lịch", ông Kỳ chia sẻ.

Trong kiến nghị, ông Kỳ cũng đề nghị Chính phủ xây dựng bản đồ số về du lịch. “Chúng ta nói nhiều về chuyển đổi số nhưng chúng ta chưa có bản đồ số quốc gia về du lịch. Chúng ta cần làm sớm cái này trong đó thể hiện toàn bộ tài nguyên về du lịch, toàn bộ địa  điểm du lịch, dịch vụ", ông nói.

Chủ tịch Vietravel nói thêm: "Tôi trân trọng đề nghị Thủ tướng và Bộ nên chọn thương hiệu du lịch quốc gia để làm ngọn cờ để tập hợp lực lượng. Tôi xin phép được đề nghị là ẩm thực của Việt Nam, văn hóa ẩm thực Việt Nam là thế mạnh của nền văn hóa Việt Nam, từ di sản đến tài sản là được".