Văn hoá

Sức sống của cầu Hàm Rồng: Ý chí thống nhất non sông

Quân và dân Thanh Hóa chiến đấu kiên cường để bảo vệ cầu Hàm Rồng trước sự bắn phá điên cuồng của kẻ thù nhằm chia cắt tuyến đường huyết mạch chi viện cho miền Nam.

Cầu Hàm Rồng là cây cầu sắt bắc qua sông Mã, được xây dựng từ năm 1962 và khánh thành ngày 19/5/1964, nhân dịp kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ. Cây cầu này đã chứng kiến và ghi dấu nhiều biến cố lịch sử đầy oai hùng của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Cầu Hàm Rồng nằm tựa trên hai đầu núi Ngọc và núi Rồng thuộc dãy núi Hàm Rồng, cách trung tâm thành phố Thanh Hóa gần 5km về phía Bắc. Ở đoạn này, dòng sông Mã rộng lớn bỗng nhiên thu hẹp lại, có lẽ vì vậy mà địa điểm này được thực dân Pháp chọn để xây dựng cầu vào năm 1904. Cầu được xây theo kiểu cầu vòm thép không có trụ, hiện đại nhất Đông Dương thời bấy giờ.

Khi chiến tranh leo thang đánh phá miền Bắc, cầu Hàm Rồng được quân Mỹ xem là “yết hầu” của tuyến đường chi viện cho chiến trường miền Nam nên đã tập trung đánh phá, nhằm cắt đứt tuyến giao thông quan trọng này.

Biểu tượng cầu Hàm Rồng vẫn luôn nhắc nhở, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ về giá trị lịch sử, tinh thần đoàn kết và bất khuất của dân tộc Việt Nam.

Trong khoảng thời gian từ năm 1965 tới 1972, cầu Hàm Rồng hàng trăm lần bị không kích nhằm cắt đứt tuyến giao thông quan trọng này. Tuy nhiên, dưới sự cố gắng, quyết tâm và tinh thần chiến đấu kiên cường, cùng với bộ đội chủ lực, quân và dân Thanh Hóa đã đập tan âm mưu phá hoại của quân Mỹ. Chiến thắng Hàm Rồng đã vang danh sử sách, góp phần đảm bảo tuyến đường Bắc - Nam được vận hành liên tục.

Cũng từ đây, cầu Hàm Rồng trở thành biểu tượng của quyết tâm và ý chí chiến đấu của người Việt Nam. Đặc biệt, tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua cầu Hàm Rồng đã góp phần quan trọng trong việc vận chuyển quân lực, vật tư từ Bắc vào Nam, hỗ trợ cho chiến dịch miền Nam, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử 30/4, thống nhất đất nước.

Ngày nay, cùng với sự phát triển của đất nước, đã có thêm nhiều cây cầu nữa được xây mới trên dòng sông Mã giúp thông suốt giao thông Bắc – Nam nhưng cầu Hàm Rồng vẫn sừng sững. Nó không chỉ là một công trình kiến trúc lịch sử, mà còn là niềm tự hào của người dân Thanh Hoá và cả nước về ý chí quyết tâm thống nhất đất nước trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Những dấu ấn này đã và mãi được “kể lại” qua những viên gạch, khung thép… của cầu Hàm Rồng, minh chứng cho niềm tin bất khuất của người Việt trong cuộc chiến giành độc lập, tự do.

Đến với cầu Hàm Rồng, chúng ta có thể tận mắt chiêm ngưỡng dấu tích lịch sử hào hùng và cảm nhận sức sống mãnh liệt của ý chí quyết tâm thống nhất đất nước.

Với những giá trị lịch sử to lớn đó, ngày nay, các cấp chính quyền địa phương Thành phố Thanh Hóa vẫn đang gìn giữ và bảo tồn những giá trị to lớn của cầu Hàm Rồng.

Trao đổi với Người Đưa Tin, bà Phạm Thị Việt Nga, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Thanh Hóa cho biết, cầu Hàm rồng là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Cầu gắn liền với chiến thắng Hàm Rồng và là chứng tích lịch sử tiêu biểu về ý chí quyết tâm thống nhất đất nước trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Biểu tượng cầu Hàm Rồng sẽ luôn nhắc nhở, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ về giá trị lịch sử, tinh thần đoàn kết và bất khuất của dân tộc Việt Nam.

Cũng theo bà Nga, để gìn giữ và phát huy tối đa những giá trị lịch sử lớn đó, hiện nay, cầu Hàm Rồng ngoài phục vụ giao thông đơn thuần, thành phố còn có kế hoạch đưa khu vực này thành một điểm du lịch, trong đó chỉnh trang, bổ sung các hạng mục cần thiết để thuận tiện cho du khách tới tham quan.

“Mang trong mình những giá trị lịch sử cách mạng to lớn, vì vậy cầu Hàm Rồng luôn là địa điểm hàng đầu để các thế hệ hiện tại và mai sau tới để bồi dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị. Tại đây chúng ta có thể tận mắt chiêm ngưỡng những dấu tích lịch sử hào hùng, và cảm nhận sức sống mãnh liệt của ý chí quyết tâm thống nhất đất nước của dân tộc ta”, bà Nga chia sẻ.

Năm 1946, cầu Hàm Rồng bị phá hủy theo tình hình thực tế chiến sự lúc bấy giờ nhằm ngăn chặn bước tiến của quân xâm lược. Tới năm 1962, cầu được các chuyên gia Liên Xô và Trung Quốc giúp đỡ thiết kế và thi công khôi phục lại, trở thành cầu có trụ như hiện nay, với chiều rộng 17m (gần gấp đôi cầu cũ là 9m), gồm 2 nhịp dầm thép, ở giữa là đường sắt, hai bên là đường ô tô và đường dành cho người đi bộ được khánh thành đúng dịp sinh nhật lần thứ 74 (19/5/1964) của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Việt Phương