Tiêu điểm

Sửa Luật Đấu thầu: Ngăn ngừa các hành vi tiêu cực, tham nhũng

Chủ tịch Quốc hội lưu ý đối với lĩnh vực y tế, cần nghiên cứu thêm một số nội dung để vận hành tốt hơn như trong đàm phán giá thuốc, đấu thầu đối với biệt dược…

Giảm một số trường hợp chỉ định thầu

Tại phiên họp thứ 21 của UBTVQH sáng 15/3, báo cáo một số vấn đề lớn và nội dung còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và Hội trường về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Về nội dung liên quan đến vấn đề vốn Nhà nước từ hoạt động tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, ông Nguyễn Phú Cường cho biết, theo quy định của Luật Đầu tư công, nguồn vốn đầu tư từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công là vốn đầu tư công, do đó phải thực hiện đấu thầu và được thực hiện ổn định từ trước đến nay.

Vì vậy, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách thống nhất không quy định tách riêng phần thu từ hoạt động tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường báo cáo một số vấn đề lớn và nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật.

Liên quan đến vấn đề chỉ định thầu, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách đã phối hợp các cơ quan rà soát, chỉnh lý Điều 23 dự thảo luật mới theo hướng giảm một số trường hợp chỉ định thầu. Đồng thời, bổ sung luật hóa quy định đang được hướng dẫn tại Nghị định về hạn mức áp dụng chỉ định thầu tại điểm k khoản 1 của điều 23 của dự thảo Luật.

Về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị phối hợp với ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu chỉnh lý, luật hóa tối đa quy định tại Quyết định số 17/2019 của Thủ tướng Chính phủ về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt theo hướng: quy định rõ trường hợp đặc biệt đối với Gói thầu mua sắm thông qua các tổ chức quốc tế; Gói thầu mua sắm vắc-xin trong quá trình thử nghiệm, có yêu cầu đặc thù của nhà sản xuất về điều kiện mua, thanh toán, bảo lãnh…

Về mua thuốc, vật tư y tế, theo ông Nguyễn Phú Cường đây là nội dung được nhiều ĐBQH quan tâm, xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn thời gian gần đây. Thường trực Ủy ban Tài chính -  Ngân sách cũng rất chú trọng về nội dung này.

Dự thảo luật cũng đã dành nhiều điều, khoản để quy định về vấn đề mua thuốc, trang thiết bị y tế.

Trong đó, tại Điều 23 về Chỉ định thầu quy định áp dụng chỉ định thầu đối với “Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, thuốc, hóa chất, phương tiện, trang thiết bị y tế, xây lắp phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, cấp cứu người bệnh cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân”…

Bảo đảm minh bạch

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) là nội dung quan trọng liên quan nhiều đến việc sử dụng vốn, tài sản Nhà nước, các thủ tục, cách thức, quy trình, cải cách thủ tục hành chính, minh bạch, công khai môi trường đầu tư kinh doanh, ngăn ngừa các hành vi tiêu cực, tham nhũng.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm cấu phần hóa chất trong việc mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế và mua sắm hàng dự trữ quốc gia. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh quy định này có ý nghĩa rất quan trọng đối với ngành y.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo nghiên cứu thêm quy định ở mục b khoản 3 Điều 2 phạm vi điều chỉnh bao gồm cả dự án đầu tư thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật, quản lý ngành và lĩnh vực. Đây là nội dung hoàn toàn mới mà được bổ sung trong dự thảo Luật lần này.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ băn khoăn quy định những trường hợp này lại áp dụng đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư. “Nên chăng chỉ quy định đấu thầu phần Nhà nước đi mua sắm dịch vụ công, mà không phải đấu thầu toàn bộ?”, Chủ tịch Quốc hội nêu.

Về trường hợp mua sắm vắc-xin Covid-19 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội cho biết đây là trường hợp rất khác bởi đây là vấn đề chưa từng có tiền lệ, hoàn toàn khác với những điều kiện thông thường, chưa bao giờ từng xuất hiện trong Luật Đấu thầu. Do đó, đề nghị nghiên cứu thêm thể chế trong luật trường hợp đặc biệt của đặc biệt, cần quy định rõ để sau này Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vận hành được mà không phải ban hành Nghị quyết.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý đối với lĩnh vực y tế, cần nghiên cứu thêm một số nội dung để vận hành tốt hơn như trong đàm phán giá thuốc và vấn đề đấu thầu đối với biệt dược, vấn đề hóa chất… cũng cần phải có quy định trong Luật Đấu thầu này.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị đổi tên Chương V của luật thành “Quy định về mua sắm tập trung, mua thuốc, hóa chất, mua trang thiết bị y tế, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công” để bảo đảm đầy đủ hơn.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị đối với những nội dung liên quan đến quyết định của Thủ tướng, rà soát lại các trường hợp đặc biệt, đặc thù, trường hợp nào là lựa chọn nhà đầu tư nhà thầu, trường hợp chỉ định thầu thì quy định thẳng trong Luật, bảo đảm minh bạch.

Xem thêm: 

UBTVQH tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn

Sửa Luật giá: Vẫn trái chiều quan điểm giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu