Đối thoại

Sửa Luật Đất đai còn băn khoăn thu hồi đất khu vui chơi, giải trí

Theo ĐBQH Quản Minh Cường, các dự án du lịch không thuộc trường hợp thu hồi đất nên dẫn đến không phù hợp với thực tiễn.

Sáng 3/11, tiếp tục chương trình kỳ họp, Quốc hội thảo Luật Đất đai (sửa đổi), chia sẻ với Người Đưa Tin bên hành lang Quốc hội, về thu hồi đất đối với khu vui chơi, giải trí, tổ hợp đa năng bên cạnh kinh doanh thương mại, dịch vụ ĐBQH Quản Minh Cường - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai nêu rõ:

Bổ sung trường hợp thu hồi đất đối với khu vui chơi, giải trí, tổ hợp đa năng bên cạnh kinh doanh thương mại, dịch vụ, theo đó sửa đổi, bổ sung khoản 27 Điều 79 như sau: "27. Dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở hoặc khu đô thị mới kết hợp vớikinh doanh thương mại, dịch vụ, khu vui chơi, giải trí, tổ hợp đa năng là dự án quan trọng do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phù hợp với điều kiện của địa phương vì khung pháp lý về phát triển cơ sở hạ tầng về du lịch hiện nay chưa đầy đủ, chưa thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong việc tiếp cận nguồn lực đất đai để phát triển cơ sở hạ tầng du lịch".

ĐBQH Quản Minh Cường.

Cụ thể, Luật Du lịch được quốc hội thông qua vào tháng 6/2017 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 với phạm vi điều chỉnh liên quan quan đến hoạt động quản lý nhà nước về tài nguyên du lịch, phát triển sản phẩm du lịch và hoạt động du lịch; quyền, nghĩa vụ của khách du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, cộng đồng dân cư có hoạt động liên quan đến du lịch; quản lý Nhà nước về du lịch.

Do vậy, phạm vi điều chỉnh của Luật Du lịch không bao gồm việc xây dựng và hình thành, phát triển hạ tầng du lịch và tài nguyên du lịch.

Trong khi đó, các lĩnh vực khác được hỗ trợ, tiếp cận được đất đai để thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua việc Nhà nước thực hiện thu hồi đất, kể cả các công trình như: Kho chứa dầu thô, kho chứa, trạm bơm xăng, dầu khí hoặc xây dựng chợ dân sinh.

“Việc Luật Đất đai không có quy định tiếp cận đất đai đối với tổ chức, cá nhân để phát triển du lịch, dịch vụ sẽ không khuyến khích phát triển hạ tầng du lịch và điểm đến”, ông Cường nêu ý kiến.

Theo ông Cường, trước đây, Luật Đất đai năm 2003 cũng đã có quy định các dự án phát triển du lịch, dịch vụ cũng thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất. Nghị định 84 của Chính phủ năm 2007 cũng đã luật hóa du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và đủ điều kiện được Nhà nước thu hồi đất.

Theo đó, Nhà nước thực hiện việc thu hồi đất để phát triển khu du lịch có mối liên kết về kết cấu hạ tầng, về loại hình kinh doanh; phát triển khu vui chơi giải trí ngoài trời với nhiều loại hình vui chơi, giải trí.

ĐBQH kỳ vọng Quốc hội sẽ thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để có thể khơi thông các nguồn lực.

Tuy nhiên, theo ông Cường đến Luật Đất đai năm 2013 thì quy định này bị loại bỏ và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng không nhắc đến đối tượng này. Trong khi đó, Nghị quyết 08/TW của Bộ Chính trị vẫn tiếp tục khẳng định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

“Đến nay, dù Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được chỉnh sửa nhiều lần nhưng các dự án du lịch vẫn không thuộc trường hợp thu hồi đất và dẫn đến không phù hợp với thực tiễn”, ông Cường nêu ý kiến.

Ông Cường nhấn mạnh, việc giao cho tổ chức, cá nhân thực hiện các dự án nhà ở thương mại hoặc khu đô thị mới kết hợp với kinh doanh thương mại, dịch vụ, khu vui chơi, giải trí, tổ hợp đa năng được coi là các dự án trọng điểm của địa phương sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển, đồng bộ hóa phát triển đô thị kết hợp với du lịch, thương mại;

Hình thành nên những khu đô thị với trung tâm tài chính, thương mại, du lịch thu hút đầu tư quốc tế và khách du lịch đến với địa phương.

Đây cũng là mô hình hiện đang được áp dụng rộng rãi tại một số quốc gia trên thế giới và khu vực như Thái Lan, Malaysia, Ả rập xê út...

Ngoài ra, đại biểu đề nghị giao Chính phủ quy định tiêu chí “dự án quan trọng do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phù hợp với điều kiện của địa phương” để tạo điều kiện cho việc triển khai sau này.

Khơi thông các nguồn lực

Kỳ vọng về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này, ĐBQH Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) cho biết, Luật Đất đai là bộ luật quan trọng liên quan tới cuộc sống của người dân, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong những ngày này, cử tri cả nước đang hướng về Hội trường Ba Đình để chờ đợi quyết sách quan trọng của Quốc hội liên quan tới Luật Đất đai

Cho đến thời điểm hiện nay Luật đất đai và các quy định có liên quan đang là một điểm nghẽn lớn có sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vì vậy, việc huy động nguồn lực đất đai cho sự phát triển của đất nước rất quan trọng.

Do đó, khi sửa đổi Luật đất đai một cách đồng bộ với các pháp luật có liên quan sẽ trở thành giải pháp quan trọng để có thể khơi thông các nguồn lực, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Trong quá trình soạn thảo Luật đất đai, cử tri, nhân dân trên cả nước đã tham gia rất tích cực với hơn 12 triệu lượt ý kiến; các cấp, ngành, các nhà khoa học cũng tích cực tham gia góp ý rất. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều vấn đề có ý kiến khác nhau, song tôi cho rằng việc còn ý kiến khác nhau là điều bình thường bởi vì đây là một cái bộ Luật rất khó.

“Tôi rất hy vọng ở Kỳ họp này, Quốc hội sẽ thông qua Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhưng phải có những giải pháp tháo gỡ các vướng mắc”, ông Lộc nói.