Tiêu điểm thế giới

Sự thực cay đắng Thổ phải “ôm” khi cùng Mỹ “đối phó” với Nga ở Syria

“Tôi tin rằng chúng tôi có thể tự lo cho mình. Không có cách nào khác...”,ông Erdogan bày tỏ sự thất vọng trước sự hỗ trợ của Mỹ đối với các nhóm người Kurd ở Syria.

Dù viện trợ nhân đạo cho Syria hầu như không phải là mục tiêu trong chương trình nghị sự hàng đầu trong chuyến công du châu Âu của Tổng thống Mỹ Joe Biden, nhưng Washington đã báo hiệu có sự thay đổi trong quan điểm về vấn đề này. Viện trợ nhân đạo vốn vẫn là ưu tiên hàng đầu trong chính sách Syria của chính quyền ông Biden. Khi các cuộc đàm phán của Washington với Moscow đang tập trung vào việc giữ cho viện trợ quốc tế trôi chảy và mở lại các cửa khẩu biên giới, Thổ Nhĩ Kỳ hẳn nhiên nắm giữ một vị trí quan trọng trong các cuộc đàm phán.

Mặc dù ông Biden không cam kết với Nga về việc gia hạn việc tiếp cận nhân đạo xuyên biên giới tới Syria trong cuộc họp ngày 16/6, nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy cả hai nhà lãnh đạo có thể đã sẵn sàng cho một sự thay đổi.

“Chúng tôi nói với ông ấy (ông Putin-pv) những gì chúng tôi muốn làm liên quan đến việc mang lại ổn định và an ninh kinh tế hoặc an ninh vật chất cho người dân  Syria và Libya”, ông Biden cho biết.

Hiện tại, vấn đề cấp bách nhất trong các  cuộc đàm phán  là giữ cho cửa khẩu Cilvegozu / Bab al-Hawa ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ được mở. Nhiệm vụ của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong việc giữ cho lối đi mở cửa sẽ kết thúc vào ngày 10/7, trong bối cảnh có những cảnh báo về một thảm họa sắp xảy ra. Chính quyền ông Biden và các tổ chức quốc tế cũng đang thúc đẩy việc cấp phép mở lại cửa khẩu Bab al-Salama ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và al-Yarubiyah.

Thổ Nhĩ Kỳ là người đối thoại chính trong một cuộc hòa giải Nga-Mỹ có thể xảy ra.

Trong cuộc gặp với ông Biden vào ngày 14/6 bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã liệt kê các ưu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ với Syria, đồng thời nhắc lại rằng việc chấm dứt hỗ trợ của Mỹ đối với các nhóm người Kurd ở Syria vẫn là quan tâm hàng đầu của Ankara.

Thổ Nhĩ Kỳ phản đối việc mở lại cửa khẩu ở al-Yarubiyah với lý do viện trợ chảy qua khu vực này sẽ giúp ích cho chính quyền do người Kurd lãnh đạo ở đông bắc Syria.

Mặc dù ông Erdogan không đạt được mong muốn từ ông Biden trong cuộc gặp nhưng thông cáo cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh NATO đã đưa ra một số động thái cho Thổ Nhĩ Kỳ.

“Chúng tôi vẫn cảnh giác trước các vụ phóng tên lửa từ Syria, vì các vụ này có thể tấn công hoặc nhắm mục tiêu vào Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa. Chúng tôi tiếp tục theo dõi và đánh giá mối đe dọa tên lửa đạn đạo từ Syria”, tài liệu của hội nghị cho hay.

"Chúng tôi nhắc lại sự đánh giá cao của chúng tôi đối với Đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ trong việc tiếp nhận hàng triệu người tị nạn Syria", tài liệu cho biết thêm. Đáng chú ý, điều này có thể được coi là phần thưởng để nghĩ đến đề xuất của Ankara trong việc duy trì an ninh sân bay Kabul sau khi lực lượng NATO rút khỏi Afghanistan và những đóng góp của Thổ Nhĩ Kỳ trong các nỗ lực của NATO nhằm ngăn chặn Nga.

Viện trợ nhân đạo quốc tế chảy qua bốn cửa khẩu biên giới - Bab al-Hawa, Bab al-Salama, al-Yarubiyah và Ramse ở biên giới Jordan - từ năm 2014 đến năm 2020 theo một quyết định của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Al-Yarubiyah và Ramse đã bị đóng cửa vào năm 2020.

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và người đồng cấp Mỹ

Phát biểu trong một phiên họp của Hội đồng An ninh về Syria ngày 29/3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken kêu gọi mở cửa lại Bab al-Salama và al-Yarubiyah khi các tổ chức quốc tế cảnh báo về một thảm họa nhân đạo đang xảy ra nếu các bên không đạt được thỏa thuận.

Đối với việc mở lại giao lộ al-Yarubiyah, sự phản đối của Nga không phải là trở ngại duy nhất. Thổ Nhĩ Kỳ cũng phản đối ý tưởng này với lý do viện trợ chảy qua khu vực giao cắt này sẽ giúp ích cho chính quyền do người Kurd lãnh đạo ở đông bắc Syria.

Thay vào đó, Thổ Nhĩ Kỳ muốn mở lại Bab al-Salama, kết nối với khu vực Lá chắn Euphrates dưới sự kiểm soát của phe đối lập Syria do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.

Về phần mình, Nga có thể đồng ý để Bab al-Hawa tiếp tục mở vì lợi ích của mối quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, để đổi lấy việc mở cửa trở lại Bab al-Salama và al-Yarubiyah, Moscow yêu cầu các tổ chức Hồi giáo cực đoan ở Idlib, bao gồm Hayat Tahrir al-Sham phải bị loại bỏ và các lệnh trừng phạt đối với chính quyền Syria sẽ được dỡ bỏ.

Trong khi đó, Nga có thể đang tìm kiếm một chiến thuật mới để đẩy người Kurd ở đông bắc Syria tới Damascus. Một kịch bản cho thấy nếu Mỹ để lại quyền kiểm soát các giếng dầu ở miền bắc Syria cho Damascus, thì Moscow có thể cho phép mở lại al-Yarubiyah. Mặc dù không có xác nhận cụ thể về những tuyên bố như vậy, nhưng những phát triển gần đây đã cho thấy điều này.

Các điều kiện của Washington để thiết lập quan hệ với Tổng thống Syria Bashar al Assad đã thay đổi. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận lớn.

Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, liệu sự hỗ trợ mà NATO dành cho Ankara được khẳng định trong tài liệu của hội nghị thượng đỉnh có chuyển thành hỗ trợ cụ thể hay không vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ. Không loại trừ khả năng ông Biden làm việc với Nga về các vấn đề Iran, Afghanistan, Libya và Syria, điều đó có nghĩa là việc Mỹ đáp ứng kỳ vọng của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria sẽ không được đảm bảo.

Trong khi đó, Ankara đã thực hiện một số bước nhằm góp phần vào nỗ lực của phương Tây trong việc ngăn chặn Nga. Căng thẳng chồng chất giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga trên các mặt trận này có thể làm leo thang ở Idlib, nơi Damascus và Moscow đang gia tăng sức ép về mặt quân sự. Iran cũng đang xây dựng quân đội xung quanh Aleppo.

Sự hỗ trợ của NATO đối với Thổ Nhĩ Kỳ có thể nhằm mục đích răn đe một cơn bão sắp xảy ra ở Idlib. Tuy nhiên, Ankara đang thiếu sự đảm bảo cụ thể về vấn đề này, bằng chứng là trong phát biểu của ông Erdogan sau cuộc gặp với ông Biden.

“Tôi tin rằng chúng tôi có thể tự lo cho mình. Không có cách nào khác để làm điều này ”, ông Erdogan nói sau cuộc hội đàm, bày tỏ sự thất vọng về sự hỗ trợ của Mỹ đối với các nhóm người Kurd ở Syria.