Cộng đồng mạng

Sự thật về hàng trăm viên tiên đan trong mộ "bà cô" 1.800 năm tuổi

Trong số những đồ vật được khai quật, nổi bật nhất là hơn 200 viên thuốc được đặt ngay bên cạnh chủ nhân ngôi mộ.

Trong văn hóa truyền thống Á Đông, bất kể quan lại quyền quý hay người dân bình thường đều đặc biệt quan tâm đến chuyện mộ phần. Thời phong kiến phổ biến nhất là phần mộ đơn, mộ vợ chồng hợp táng hay mộ gia tộc cùng táng.

Các nhà khảo cổ học đã khai quật một ngôi mộ hợp táng rất lớn từ thời Đông Tấn (317 - 420) ở Tương Sơn, ngoại ô Nam Kinh, Trung Quốc. Bên cạnh các di vật bồi táng như trang sức, đĩa sứ vàng, thì điều đặc biệt hơn cả là hơn 200 viên thuốc đặt ngay bên cạnh chủ nhân ngôi mộ.

Ảnh minh họa

Theo ghi chép từ văn bia, người đàn ông trong ngôi mộ hợp táng này tên là Vương Bân, một viên quan quyền cao chức trọng của triều đại Đông Tấn. Người phụ nữ được chôn cùng Vương Bân là con gái ông - Vương Đan Hổ. Theo như ghi chép trên văn bia, có vẻ nhân vật Vương Đan Hổ chưa từng kết hôn.

Điều khiến các nhà khảo cổ ngạc nhiên hơn cả chính là nguồn gốc của số tiên dược trong mộ kín. Liệu nó có liên quan gì đến thuật trường sinh linh hồn hay không?

Qua kiểm tra, các chuyên gia đã xác minh được rằng những viên thuốc trong lăng mộ Vương Đan Hổ chính là "ngũ thạch tán" (hàn thực tán) rất thịnh hành từ thời Ngụy Tấn.

Loại thuốc này được cho là do Trương Trọng Cảnh (150 - 219), một thầy thuốc nổi tiếng cuối thời Đông Hán phát minh ra. Ban đầu nó chỉ được bào chế cho bệnh nhân mắc bệnh cảm, tuy nhiên đến thời Ngụy Tấn, "ngũ thạch tán" lại được tầng lớp quý tộc và thượng lưu săn lùng để kéo dài tuổi thọ, cải thiện sức khỏe.

Sở dĩ có tên gọi là "ngũ thạch tán", bởi vì là một loại thuốc đông dược tán của 5 vị thạch dược kết hợp bao gồm: Thạch nhũ, thạch anh tím, thạch anh trắng, đá lưu huỳnh và hồng ngọc. Sau khi uống thuốc xong, cần phải ăn thức ăn lạnh mới có thể tản nhiệt.

Sau khi sử dụng "ngũ thạch tán" cơ thể người dùng sẽ xuất hiện nhiều triệu chứng kỳ lạ. Tuy nhiên tất cả mọi người thời bấy giờ đều cho rằng nguyên nhân là do mình đã sử dụng không đúng cách.

Xu hướng này tiếp tục lan rộng và kéo dài đến thời Đông Tấn. Cha của Vương Đan Hổ - Vương Bân lại trùng hợp là một đại diện tiêu biểu của nhóm người ủng hộ luyện đan chế thuốc thời bấy giờ.

Từ thời xa xưa, nhiều người quyền quý thích theo đuổi khát vọng trường sinh và tìm đủ mọi phương pháp để có thể kéo dài tuổi thọ. 

Thế nhưng, khoa học hiện đại đã chứng minh niềm tin xưa kia vào "ngũ thạch tán" hoàn toàn sai lầm. Bởi loại "tiên đan" này thực chất là thủy ngân sulfua vô cùng độc hại (60% thành phần làm từ thủy ngân, 10% lưu huỳnh, 30% dược liệu không xác định).

Tiêu thụ một lượng lớn thủy ngân sulfua sẽ hủy hoại hệ thần kinh và khả năng sinh sản của con người. Đặc biệt nếu ăn nhiều sẽ gây nghiện, người dùng có thể tử vong do ngộ độc kim loại bất kỳ lúc nào.

Nếu nói đến tác dụng, có lẽ viên thuốc này chỉ có một công dụng duy nhất đó là khiến cho thi thể người chết chậm phân hủy nhờ có chứa thủy ngân đậm đặc.

Các nhà lịch sử học đặt ra câu hỏi liệu Vương Đan Hổ tử mạng vì lạm dụng ngũ thạch tán để mong ước trường sinh hay không? Việc những viên thuốc ấy được đặt trong quan tài chôn cùng bà đã chứng minh nỗi ám ảnh mức điên cuồng của chủ mộ với "ngũ thạch tán".

Các chuyên gia cũng suy đoán rằng Vương Đan Hổ có lẽ đã chịu ảnh hưởng của cha mình để rồi uống loại thuốc này với hy vọng có thể trường sinh bất tử, và cũng vì thế mà quyết định không kết hôn.

Nguyên Anh (Lược dịch)