Giải trí

Sự thật về Bao Công ít người biết

Do ảnh hưởng quá lớn từ sách vở, truyền thuyết đến phim ảnh mà nhân vật Bao Công trong lịch sử đã trở thành một nhân vật truyền kỳ, phá án như thần, ngày xử dương gian, đêm phán âm phủ… những câu chuyện này lan truyền rộng khắp đã khiến hình tượng Bao Công càng lúc càng xa sự thực.

Bao Công không hề mặt đen

Nhân vật Bao Công được đưa vào những bộ phim rất thành công và được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, một số tình tiết trong phim lại hoàn toàn khác so với Bao Công thật sự. Bao Công có khuôn mặt đen và vầng trăng trên trán là hình ảnh thường thấy trên phim. Nhưng thực tế không phải vậy.

Tạo hình Bao Công trên phim.

Bao Công đời thực thậm chí lại trắng trẻo và có phần thư sinh. Tạo hình mặt đen là do ảnh hưởng của Kinh kịch, hát bội. Mặt trắng là đại diện cho kẻ tiểu nhân; mặt đỏ là đại diện cho nghĩa khí, trung nghĩa; mặt đen đại diện cho nghiêm túc, công chính liêm minh, quân tử.

Tương truyền, Bao Công là một trong 7 vị Bắc Đẩu tinh quân, giáng trần, tên là Văn Khúc Tinh Quân. Vì vậy, ngoài việc xử án ban ngày ở dương gian, ban đêm, ông còn phải xử án ở âm phủ.

Trong văn hóa dân gian, vầng trăng trên trán ông tựa như ánh trăng soi sáng công lý ngay cả ở những nơi tăm tối nhất.

Chính bởi điều này các nhà làm phim đã dựa vào truyền thuyết này để xây dựng nên một Bao Công có thể đi về giữa hai cõi dương gian và âm phủ, nói chuyện với hồn và xử án ở dưới âm phủ.

Bao Công chỉ phá hai vụ án

Phủ Khai Phong ngày nay.

Từ tiểu thuyết, sân khấu đến phim ảnh đều gắn liền hình tượng Bao Công phá các đại án với thời gian làm Phủ doãn phủ Khai Phong. Kỳ thực Bao Công chỉ giữ chức này trong khoảng thời gian hơn một năm và trong chính sử không hề chép chuyện phá án nào của Bao Công trong giai đoạn này. Công lao lớn nhất của Bao Công khi đứng đầu phủ Khai Phong (tương tự Thị trưởng Bắc Kinh ngày nay) là cải cách hành pháp và quy hoạch lại kinh thành để khỏi nạn ngập nước.

Theo sách Tống sử, Bao Công tên thật là Bao Chửng (999 - 1062), tự Hy Nhân. Ngoài ra, ông còn được gọi bằng rất nhiều tên khác như Bao Thanh Thiên, Bao Thị Chế, Bao Hắc Tử, Bao học sĩ hay Bao Long Đồ. Ông nổi tiếng là một vị quan “thanh liêm, chấp pháp nghiêm chỉnh, không khiếp sợ quyền uy hay vị nể tư tình”  dưới thời hoàng đế Tống Nhân Tông (1022 - 1063).

Bao Công người Hợp Phì, Lư Châu (nay là thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc). Ông vốn được sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học, cha ông là Bao Nghi, từng giữ chức đại phu trong triều. Sau khi qua đời, Bao Nghi được phong Hình bộ thị lang. Từ khi còn nhỏ, Bao Công đã nổi tiếng là đứa con hiếu thảo, sống mực thước.

Năm 1027, ông bộc lộ tài năng của mình, thi đậu tiến sĩ, được cử đến nhậm chức Tri huyện Kiến Xương (nay thuộc tỉnh Giang Tây), nhưng vì song thân già yếu, ông không thể làm quan xa nên xin khoan nhận việc, để ở nhà chăm sóc cho cha mẹ. 10 năm sau cha mẹ qua đời, cư tang thủ hiếu xong Bao Công lúc ấy 38 tuổi mới bước ra chính trường.

Bộ ba Kim Siêu Quần vai Bao Thanh Thiên, Hà Gia Kính vai Triển Chiêu và Phạm Hồng Hiên vai Công Tôn Sách.

Như vậy, Bao Công ra làm quan muộn lại ngắn, tính cho đến lúc qua đời chỉ có 27 năm. Trong thời gian ấy công việc rất đa dạng: làm Tri huyện Thiên Trường; Tri phủ Đoan Châu, Doanh Châu, Dương Châu, Lư Châu, Triệu Châu; Tri phủ Giang Ninh rồi Phủ doãn phủ Khai Phong, nắm giữ toàn bộ việc hình pháp, trị an trong kinh thành. Bao Công nhận mệnh đi sứ Khiết Đan, rồi về kinh làm Lễ bộ Thị lang, Tam ti Hộ bộ… Trước sau gánh vác công việc ở các bộ Công, Hình, Binh, Lễ.

Chức vụ lớn nhất của Bao Công trước khi qua đời là Khu mật Phó sứ, tương đương phó tể tướng, vị trí rất quan trọng trong cơ quan quyền lực tối cao của triều Tống. Tuy vậy, Bao Công vẫn chỉ ở hàm nhị phẩm, chưa bao giờ là tướng gia, không có quyền tiền trảm hậu tấu bằng ba khẩu Long-hổ-cẩu đầu đao tự chế như trong truyện hay trên sân khấu. Bao Công có hình ảnh như ngày nay, là nhờ… phim ảnh.

Về phá án, trong chính sử chỉ chép hai vụ liên quan đến Bao Công, một ở thời điểm làm tri huyện Thiên Trường (vụ án chiếc lưỡi bò) và một khi đã đứng đầu Tri gián viện (vụ Lãnh Thanh mạo danh Thái tử).

Cái chết đột ngột của Bao Công dẫn đến nhiều đồn đoán

Năm 1062, ông lâm bệnh và mất ở nơi làm việc, hưởng thọ 64 tuổi. Sau khi ông mất, Hoàng đế Tống Nhân Tông đích thân làm chủ lễ truy điệu, phong cho Bao Công là Lại bộ Thượng thư, ban cho thụy hiệu “Hiếu Túc”, có nghĩa là hiếu đạo và thiết diện vô tư và còn phái một đoàn ngự lâm quân hộ tống linh cữu ông về mai táng ở quê nhà ông. Tuy nhiên, cái chết của ông hiện vẫn còn là một bí mật, do ông chỉ lâm bệnh trong vỏn vẹn 13 ngày.

Những điểm bất thường xung quanh cái chết chóng vánh của Bao Thanh Thiên đã làm dấy lên nhiều nghi ngờ của người đương thời và cả hậu thế sau này.

Việc một số tư liệu có nhắc tới phương thuốc quý mà Tống Nhân Tông ban cho Bao Công đã khiến vị vua này trở thành một trong số những người bị hiềm nghi nhiều nhất. (Ảnh minh họa).

Trong số đó, nhân vật bị hiềm nghi nhiều nhất chính là Hoàng đế Tống Nhân Tông – vị vua tại vị trong thời gian Bao Chửng làm quan.

Thậm chí có giả thiết còn khẳng định rằng, trong suốt khoảng thời gian bị bệnh, Bao Công chỉ dùng "thuốc quý" do Hoàng thượng ban cho, sau đó nhanh chóng qua đời.

Vì vậy rất có thể phương thuốc mà vua Tống ban cho ông vốn không phải dùng để chữa bệnh mà thực chất là độc dược đã lấy đi tính mạng của vị quan thanh liêm ấy.

Vào năm 1973, lăng mộ Bao Công được khai quật đã hé mở cho hậu thế chân tướng liên quan tới cái chết của vị quan thanh liêm này.

Theo nhận định của những người có chuyên môn, giả thiết Tống Nhân Tông đầu độc Bao Chửng hoàn toàn không có cơ sở và cũng không hề đáng tin.

Chưa bàn tới việc vua Tống không có động cơ trừ khử Bao Công, chỉ nhìn vào đánh giá của các sử gia là đủ để loại bỏ hiềm nghi đối với vị hoàng đế này.

Bởi lẽ, Tống Nhân Tông được đánh giá là một bậc minh quân hiếm có trong lịch sử Trung Hoa. Một đấng quân vương như vậy sao có thể nhẫn tâm hạ độc trung thần đắc lực bên mình?

Cũng có giả thuyết cho rằng, sự ra đi của ông có liên quan đến thứ “thuốc bổ” mà Hoàng thượng gián tiếp ban cho. Giả thuyết này nghi ngờ rằng, những thái y do ghen ghét Bao Công, nên cố tình cho thêm thành phần độc hại vào trong thuốc, khiến bệnh tình của ông trở nên trầm trọng hơn.

Về những bí ẩn xoay quanh cái chết của Bao Thanh Thiên, kết quả phân tích xương từ di cốt của vị quan này đã phần nào hé mở chân tướng sự việc.

Các nhà khoa học Trung Quốc phối hợp Viện Bảo tàng tỉnh An Huy xét nghiệm những mảnh xương được cho là của Bao Công bằng phương pháp đồng bộ bức xạ với máy Electron - Positron Collider.

Kết quả cho thấy, hàm lượng các nguyên tố thủy ngân, sắt và canxi trong xương của Bao Công cao hơn nhiều so với xương của người hiện đại. Trong khi đó, hàm lượng chì và thạch tín lại thấp hơn người thường.

Mộ Bao Công.

Theo chuyên gia Hồ Hân Dân, Viện trưởng Viện bảo tàng tỉnh An Huy khi đó, kết quả này sơ bộ loại trừ khả năng "Bao đại nhân" bị trúng độc cấp tính do uống thuốc có chứa thạch tín.

Về vấn đề hàm lượng thủy ngân cao trong xương của Bao Công, các nhà khoa học đưa ra hai khả năng. Một là khi an táng ông, người ta đã cho vào quan tài nhiều chu sa để ướp giữ thi thể. Chất này xâm thực vào xương dẫn đến hàm lượng thủy ngân tăng cao. Hai là, Bao Chửng từng uống thuốc hay ăn loại thực phẩm có chứa thủy ngân với hàm lượng nhỏ khiến ngộ độc mãn tính.

GS Trình Như Phong, chuyên gia Văn - Sử, Phó hội trưởng Hội nghiên cứu Bao Công ở thành phố Hợp Phì, cho biết qua kết quả xét nghiệm có thể kết luận Bao Công không chết vì trúng độc. Rất có thể, ông bị bệnh tim mạch hoặc đột quỵ nên mới phát bệnh và chết nhanh như vậy.

Tuy nhiên, căn bệnh nào dẫn đến cái chết của vị phán quan nổi tiếng lịch sử này có lẽ vẫn mãi là điều bí ẩn.

Video: Bao Công xử án tại âm phủ.

Quốc Tiệp (t/h)