Đời sống

Sự thật ít biết về việc ăn miến dong tốt cho người tiểu đường

Nhiều người truyền tai nhau rằng bị đái tháo đường thì dùng miến ăn thay cơm sẽ có tác dụng giúp hạ đường huyết. Điều này có đúng hay không?

Chia sẻ với Infonet, ông Nguyễn Văn Hiệu (71 tuổi, Thành phố Thái Bình) cho biết phát hiện bị đái tháo đường từ năm ngoái. Từ khi biết mình bị bệnh, ông luôn ăn uống kiêng khem, thận trọng. Nghe mọi người mách bị tiểu đường phải cắt giảm nhiều tinh bột và chuyển sang dùng miến ăn thay cơm sẽ có tác dụng giúp hạ đường huyết nên ông về nhà làm theo. Sáng, trưa, tối ông đều ăn miến. Hôm nào thèm món khác thì đổi sang cơm hoặc bún phở.

Gần đây, ông Hiệu liên tục đau đầu, mệt, mắt mờ hơn. Đến bệnh viện kiểm tra, ông được bác sĩ cho biết đường huyết lên tới hơn 13 mmol/l phải nhập viện để điều trị đường huyết.

Khi ông Hiệu kể về việc ăn miến thay các thực phẩm có bột đường khác, bác sĩ cho rằng đây chính là thủ phạm khiến ông tăng đường huyết lên cao. Lúc này mọi người mới ngã ngửa thì ra nguyên nhân chính khiến đường huyết tăng cao là do thói quen ăn miến thay cơm mà người dân mách nhau.

Thực tế, miến là loại thực phẩm có chỉ số đường huyết cao và hàm lượng đường cao hơn gạo tẻ. Ảnh minh họa.

TS.BS Nguyễn Trọng Hưng - Phó trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng và tiết chế, Bệnh viện Nội tiết Trung ương-cho biết, miến là loại thực phẩm có chỉ số đường huyết cao và hàm lượng đường cao hơn gạo tẻ.

Chỉ số đường huyết của miến là GI=95, hàm lượng đường trong 100g miến là 82,2g. Trong khi đó, chỉ số đường huyết của gạo tẻ là 83, hàm lượng đường trong 100g gạo tẻ là 76,1g. Nếu ăn cùng 1 khối lượng thì lượng tinh bột cơ thể sẽ hấp thu từ miến cũng nhiều hơn cơm. Nếu ăn 100g miến thì tải lượng đường huyết của miến là GL = 78; còn gạo tẻ là 63.

“Miến cung cấp nhiều tinh bột hơn cơm chứ không hề ít hơn như nhiều người lầm tưởng. Ăn miến sai cách sẽ làm đường huyết tăng cao. Nếu đường huyết tăng cao kéo dài, người bệnh sẽ có nguy cơ phải đối diện với các biến chứng nguy hiểm như mù lòa, suy thận, hoại tử chi, thậm chí tử vong”, Dân Trí dẫn lời chuyên gia dinh dưỡng Doãn Thị Tường Vi.

Tuy nhiên điều này không có nghĩa là người tiểu đường cần cắt bỏ hoàn toàn miến hay bất cứ thực phẩm nào khác ra khỏi thực đơn hàng ngày. Người bệnh vẫn ăn được nhưng cần quan tâm đến số lượng nạp vào.

Ví dụ đối với hoa quả, nhiều người sợ hoa quả ngọt đường huyết cao nên kiêng hoàn toàn. Nhưng thực tế, người bệnh có thể ăn được nhưng ăn ít. Hàng ngày, người bệnh ăn hoa quả tối đa 2 lần, nên ăn 100 gram một lần nếu chọn được hoa quả có chỉ số đường huyết thấp như thanh long, roi thì tốt nhưng không có thì vẫn ăn bình thường.

Bệnh nhân tiểu đường lưu ý hoa quả cũng là nguồn cung cấp năng lượng, 100 gram hoa quả tương đương 50 – 70 Kcalo. Ăn 1 quả chuối tương đương 1/2 bát cơm nên người bệnh chỉ ăn đủ năng lượng nếu đã ăn chuối thì cắt bỏ bớt cơm đi. Ví dụ, bạn đã ăn hai quả chuối thì bữa đó bỏ cơm.

Ngoài ra, khi bị đái tháo đường, bạn cần lưu ý các thực phẩm chỉ ăn khi thèm, ăn rất ít. Những thực phẩm này được xếp vào danh sách đỏ như bệnh nhân đái tháo đường không nên ăn bánh mì trắng vì chỉ số đường huyết rất cao, các loại thực phẩm bỏ lò. Các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp dưới 55 % như bánh mì đen, gạo lứt, khoai lang, ngô, củ dong, bún, phở,… ăn đủ.

Các thực phẩm có chỉ số đường huyết trung bình như cơm trắng, xôi, khoai tây. Nhiều gia đình coi khoai tây là rau thì không đúng vì vậy nên bỏ bớt khoai tây nếu ăn cơm trắng. Chọn rau, củ quả phù hợp với mình.

Còn các loại thực phẩm có chỉ đường huyết cao trên 70 % như bánh mì, miến, bột sắn dây… được xếp vào nhóm ăn khi quá thèm.

Bên cạnh đó người mắc đái tháo đường nên lưu ý:

-Trong bữa ăn người bệnh nên ăn rau trước khi ăn miến hoặc cơm: Lượng chất xơ trong rau sẽ điều chỉnh tốc độ, làm chậm quá trình hấp thu đường vào cơ thể. Vì chất xơ hòa tan làm cho carbohydrate mà chúng ta ăn vào mất nhiều thời gian để được chuyển hóa thành glucose. Hơn nữa, chất xơ trong rau là lượng chất cơ thể không thể tiêu hóa. Do đó, ruột sẽ mất nhiều thời gian hơn để tiêu hóa thức ăn. Nhờ đó làm giảm lượng đường hấp thu vào cơ thể.

-Ăn kết hợp với các nhóm thực phẩm khác: Người tiểu đường không nhất thiết phải kiêng khem ngặt nghèo mà vẫn cần duy trì đủ năng lượng với 4 nhóm chất cơ bản là đạm, tinh bột, chất béo và vitamin. Nếu ăn không đủ 4 nhóm chất trên, người bệnh sẽ gặp có nguy cơ suy dinh dưỡng và không đủ năng lượng để hoạt động.

-Điều chỉnh lượng ăn vừa đủ, phù hợp với thể trạng: Thông thường, đối với bệnh nhân tiểu đường, cần cắt giảm khoảng 10% tinh bột so với nhu cầu năng lượng bình thường mà cơ thể cần. Bù lại, người bệnh nên tăng 10% khẩu phần đạm. Người bệnh vẫn có thể ăn cơm hoặc ăn miến với lượng vừa đủ, phù hợp với thể trạng cơ thể. Tùy vào chiều cao của từng người mà mỗi người lại có nhu cầu năng lượng khác nhau.

Ngoài chế độ dinh dưỡng, người bệnh nên luyện tập thể dục thường xuyên 30 phút mỗi ngày với những bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe đạp, bơi lội… Đồng thời, người tiểu đường cũng cần dùng thuốc đều đặn, đúng liều, đủ liều và liên tục.

Minh Hoa (t/h)