Cộng đồng mạng

Sự thật bất ngờ về nguồn gốc “Ngày hội Hoa hướng dương” đang được chia sẻ

Những ngày qua, người dùng mạng xã hội chia sẻ thông điệp “Ngày hội Hoa hướng dương” vì “Bệnh nhi ung thư”. Thế nhưng, nguồn gốc của “Ngày hội Hoa hướng dương” trong chương trình “Ước mơ của Thúy” thì không phải ai cũng biết.

Ngày hội “Hoa Hướng dương” là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình “Ước mơ của Thúy”. Ban tổ chức chọn hoa Hướng dương là bởi đây là loài hoa biểu tượng cho tinh thần vươn lên của số phận để có thể sống trọn vẹn từng giây.

Và hoa hướng dương là loài hoa mà hàng nghìn người 10 năm trước đã lấy để ví với sức sống, sự truyền cảm hứng bất tận của một bệnh nhân ung thư trước khi qua đời - Lê Thanh Thúy.

Lê Thanh Thúy - một nhà hoạt động xã hội vì bệnh nhi ung thư.

Chị là một nhà hoạt động xã hội vì bệnh nhi ung thư, là một trong số nhân vật tiêu biểu vượt lên số phận cùng căn bệnh ung thư xương của mình,  cũng là người sáng lập ra chương trình “Ước mơ của Thúy”.

“Khó có ai có thể đứng vững nếu biết trước một ngày không xa mình sẽ không còn tồn tại nữa; khó có ai lạc quan sống khi phải đồng hành cùng căn bệnh ung thư và khó có ai dám nghĩ rằng mình sẽ làm được những việc ý nghĩa trong những tháng ngày còn lại.

Nhưng, đối với Lê Thanh Thúy, dẫu biết rằng một ngày không mong đợi sẽ đến, mỗi ngày Thúy vẫn ráng sống thật vui với nụ cười trên môi, vẫn nặng tình với những sẻ chia cùng những người đồng cảnh ngộ và vẫn lạc quan cùng điều ước có một phép màu làm tan biến đi những tế bào ung thư…

Nếu một lần được gặp Thúy, bạn sẽ thấy cuộc đời này có muôn màu tươi đẹp, cuộc sống này có ý nghĩa biết bao và nếu một lần được gặp Thúy, bạn sẽ cảm nhận được sức mạnh lan truyền từ Thúy. Đó là niềm tin và hi vọng, đó là sức sống mãnh liệt và là niềm tin tỏa sáng về phía mặt trời.…”.

Đây là những lời mở đầu của cuốn sách “Xin hãy cho con thêm thời gian” viết về công dân trẻ Lê Thanh Thúy – một bệnh nhân đã từ trần năm 2007 sau 4 năm chiến đấu với căn bệnh ung thư quái ác. Thúy sinh ngày 6/1/1988.

Ngày Thúy vào lớp 10 cũng là ngày bắt đầu đối diện với căn bệnh hiểm nghèo. Năm học 2003-2004, thay vì tung tăng đến trường Thúy phải nhập viện cắt khối u ở khớp gối chân phải, vết thương không lành phải cắt bỏ 2/3 chân để tránh di căn.

Năm 2004-2005, Thúy gắn chân giả tập tễnh đến trường. Học xong học kỳ I lớp 11, bệnh lại tái phát. Thúy phải ngưng việc học để phẫu thuật tháo bỏ khớp háng. Chỉ còn lại một chân, Thúy vẫn không bỏ cuộc.

Năm học 2006-2007, hằng ngày Thúy vẫn chống nạng đến trường học lại lớp 11. Thúy trở thành học sinh đặc biệt: Đến trường sớm nhất và ra về trễ nhất vì phải khó nhọc di chuyển với những bậc thang. Nhưng năm học chỉ mới bắt đầu chưa được hai tháng thì phải nhập viện lần nữa…

Các hoạt động trong ngày Hội hoa hướng dương. (Ảnh: Tuổi trẻ).

Trong suốt giai đoạn điều trị tại bệnh viện, Thúy đã thức hiện nhiều hoạt động hướng tới các bệnh nhân ung thư như viết blog “Ước mơ của Thúy”, tổ chức các chương trình từ thiện, tổ chức các sự kiện trung thu, dã ngoại, phát quà, sinh nhật cho bệnh nhi ung thư trên thành phố, với hai điểm chính là: Bệnh viện ung Bướu Thành Phố và bệnh Viện chấn thương chỉnh hình khoa Ung thư.

Năm 2006, Lê Thanh Thúy được bình chọn là một trong những “Công dân trẻ của TP.HCM” bởi sự kiên trì học tập và dũng cảm vượt qua căn bệnh quái ác bằng sự lạc quan của mình.

Sau đó, chứng ung thư tiếp tục di căn lên cột sống và rẽ nhánh sang chân trái. Bệnh viện thất bại và gửi trả Thúy về gia đình. Trong thời gian này có thể ra đi bất cứ lúc nào, Thúy nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ phía trường học và cộng đồng bằng nhiều hình thức động viên (xếp hạc giấy, xếp sao, vận động viết lời chúc trên giấy, blog,…).

Dù nằm liệt giường, Thúy tiếp tục hoạt động từ thiện và tham gia đêm hội trung thu cho bệnh nhi tại bệnh viện Ung Bướu TP.HCM. Những lúc không đau đớn, Thúy đều tự xoay xở đi lại để bán hàng phụ mẹ cha và cô bé còn tự trang trải tiền học bằng cách làm và bán những chiếc vòng tay, dây đeo cổ kết bằng cườm, đá xinh xắn do cô tự thiết kế.

Trong những dòng entry cuối cùng viết trên blog, Thuý dặn dò: “Em sắp gục ngã rồi. Mọi người hãy giúp em duy trì chương trình ước mơ của Thuý. Các em bệnh nhi tội nghiệp lắm. Em yêu tất cả mọi người…”. Mong muốn nhỏ nhoi nhưng đầy tình người của cô gái bé nhỏ trong giây phút cuối cùng của cuộc đời đã khiến không ít người phải rơi lệ.

Cuối năm 2007, Thúy ra đi nhưng những điều Thúy làm vẫn còn mãi theo năm tháng. Thúy được ví như “Hoa hướng dương không cần mặt trời” và là biểu tượng cho tinh thần vươn lên của số phận để có thể sống trọn vẹn từng giây.

Thúy ra đi nhưng ước mơ vẫn còn ở lại. Và từ mơ ước cháy bỏng đó của Thúy, báo Tuổi trẻ đã quyết định thành lập chương trình “Ước mơ của Thúy”, nhóm Tình nguyện những ước mơ xanh (thuộc hội LHTN TP) là lực lượng nòng cốt thực hiện.

Cứ thế, mỗi năm, rất nhiều hoạt động có ý nghĩa được diễn ra và tiêu biểu là Ngày Hội Hoa hướng dương – được tổ chức thường niên như để bông hoa không cần ánh mặt trời này mãi tỏa sáng.

Phong Linh (tổng hợp)