Giáo dục

Sự thật bất ngờ đằng sau thông tin hơn 50% học sinh TP.HCM không có động lực học tập

31% học sinh bị căng thẳng, stress, hơn 53% học sinh không có động lực học tập, các em cũng đang phải đối mặt với các nguy cơ bị bắt nạt, sử dụng chất gây nghiện, tình trạng phá thai... Đó là kết quả khảo sát về một số vấn đề học sinh đang gặp phải trong học tập do phòng Chính trị tư tưởng, sở GD&ĐT TP.HCM thực hiện mới được công bố.

Hơn 50% học sinh TP.HCM không có động lực học tập?!

Thông tin trên được sở GD&ĐT TP.HCM công bố tại Hội nghị định hướng nghiệp vụ công tác xã hội trong trường học do sở này tổ chức. Theo đó, cuộc khảo sát được cho là có quy mô thực hiện tại 150 cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố gồm 74 trường THPT, 34 trường THCS, 8 trường tiểu học và 34 cơ sở giáo dục khác (gồm mầm non, trường tư thục, trung cấp, cao đẳng...).

Là một thành phố có chất lượng giáo dục hàng đầu cả nước, tuy nhiên, kết quả cuộc khảo sát trên lại thực sự khiến dư luận bất ngờ, hoang mang. Cụ thể, kết quả khảo sát chỉ ra rằng, 7,8% học sinh bỏ học, 21,1% học sinh có nguy cơ bỏ học. Điều đặc biệt khiến các phụ huynh hết sức quan tâm và lo ngại là dữ liệu sau khảo sát cho thấy, có đến 31% học sinh bị căng thẳng, stress. Nguy hiểm hơn, các dữ liệu cũng chỉ ra tại TP.HCM có đến 53,8% học sinh không có động lực học tập.

Thông tin 53% học sinh TP.HCM không có động lực học tập khiến nhiều người bất ngờ. (Ảnh minh họa).

Ngoài ra, cuộc khảo sát cũng chỉ ra hàng loạt vấn đề về hành vi lệch chuẩn của học sinh. Trong đó, chiếm đa số trong các hành vi lệch chuẩn là tình trạng học sinh nghiện game và internet (41,5%), kế đến là vi phạm nội quy trường học (40,2%). Trong khi đó, các vấn đề về học đường cũng nổi cộm với 6,5% học sinh sử dụng chất gây nghiện, 5,7% học sinh vi phạm pháp luật, 2,8% học sinh từng phá thai, 0,8% học sinh từng có hành vi hủy hoại bản thân.

Đối với vấn đề nguy cơ bạo lực học đường và xâm hại, khảo sát chỉ ra có đến 30% học sinh từng bị xâm hại trên môi trường mạng (đăng hình, thách thức, bêu xấu, hù dọa... thông qua mạng xã hội), 24,6% học sinh bị bắt nạt, hiếp đáp, 20,8% học sinh bị xâm hại tinh thần (chửi rủa, xúc phạm, bêu xấu...). 

Cũng theo kết quả khảo sát này, nguyên nhân của các vấn đề trên xuất phát từ môi trường học tập, môi trường xã hội, gia đình, thiếu các dịch vụ, hoạt động hỗ trợ từ nhà trường và xuất phát cả từ chính bản thân học sinh. Những con số “biết nói” trên thực sự khiến nhiều phụ huynh hoang mang. Anh Nguyễn Thanh Quang (38 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết, kết quả trên thực sự đáng lo ngại nếu không có gì đó sai sót, nhầm lẫn.

“Là một thành phố phát triển bậc nhất cả nước về kinh tế lẫn giáo dục nhưng có đến 50% học sinh không có động lực học tập thì thật đáng lo ngại. Nếu kết quả khảo sát này là chính xác thì tương lai của hệ thống giáo dục tại TP.HCM đang đáng báo động. Điều đó cho thấy các phương pháp giảng dạy trong hệ thống giáo dục của TP có vấn đề. Có vấn đề thì mới khiến các em không có động lực học mà một nửa học sinh tại TP không có động lực học thì TP sẽ đi về đâu”, anh Quang nhận định.

Sự thật bất ngờ

Trong khi đó, thông tin 31% học sinh bị căng thẳng, stress lại khiến chị B.T.T.A. (35 tuổi, ngụ quận 1, TP.HCM) lo lắng. Chị cho biết, nếu kết quả khảo sát là chính xác thì rất đáng lo. Điều này cho thấy, học sinh tại TP đã chịu quá nhiều áp lực trong việc học tập. Những áp lực về học thêm, thành tích tại nhà trường đã khiến các em không có thời gian vui chơi, dẫn đến việc các em căng thẳng.

Kết quả khảo sát trên trái ngược với thực tế ngành giáo dục TP.HCM. (Ảnh minh họa).

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giáo dục lại tỏ ra hoài nghi kết quả trên. Nhiều nhà giáo, chuyên gia giáo dục tại TP.HCM cho rằng, kết quả trên không phải ánh đúng thực tế ngành giáo dục TP.HCM. Một thầy giáo đang công tác tại quận Bình Thạnh (TP.HCM) nhận định: “Kết quả này khá khó tin dù là do chính sở GD&ĐT TP.HCM thông tin. Bởi, các kết quả này đi ngược với những thành quả mà hệ thống giáo dục TP đạt được trong những năm qua. Nếu kết quả hơn 50% học sinh tại TP không có động lực học tập thì không thể có chuyện giáo dục TP.HCM nằm trong top đầu hệ thống giáo dục cả nước được”.

Trước những dấu hỏi của dư luận về kết quả gây bất ngờ trên, PV Người Đưa Tin đã có buổi trao đổi với bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc sở GD&ĐT TP.HCM. Theo đó, bà Thu xác nhận, có cuộc khảo sát trên.

Bà cho biết, cuối năm 2017, bộ GD&ĐT có thông tư về phát triển công tác xã hội trong trường học. Theo đó, sở GD&ĐT TP.HCM sẽ có kế hoạch tiếp theo để triển khai xuống cho các trường học.

Bà Thu thông tin, công tác xã hội là một công tác mới trong trường học. Để thực hiện công tác này, phòng Chính trị tư tưởng - sở GD&ĐT TP.HCM đã tham mưu cho Sở nắm bắt được tình hình dưới các cơ sở mới có định hướng cho hiệu trưởng.

Tuy nhiên, bà Thu cũng quả quyết, những con số thống kê gây sốc kể trên là không chính xác.

“Các kết quả của cuộc khảo sát trên là chưa chính xác và chưa được kiểm chứng. Khi thực hiện khảo sát này, nhân viên của phòng có phần chủ quan khi giao cho một nhóm chuyên gia không thuộc Sở thực hiện. Nhiều khi các chuyên gia này không nắm vững nền giáo dục của TP nên dẫn đến kết quả khảo sát có phần sai lệch”, vị Phó Giám đốc Sở thừa nhận.

Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định, kết quả khảo sát trên là chưa chính xác.

Lý giải thêm nguyên nhân dẫn đến kết quả khảo sát sai lệch, bà Thu cho biết, khảo sát được các chuyên gia đưa lên mạng internet. “Do đó, sẽ có rất nhiều đối tượng học sinh tiếp nhận như cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp,… chứ không riêng gì học sinh phổ thông. Và, các đối tượng này, Sở cũng không kiểm soát được. Việc đưa câu hỏi khảo sát lên mạng khiến Sở không biết khảo sát trên tập trung vào đối tượng cụ thể nào. Vì thế, khảo sát đã cho ra kết quả gây sốc với dư luận. Bản thân ngành của chúng tôi cũng cảm thấy rất lo lắng”.

Cũng theo bà Thu, thông tin 53% học sinh tại TP.HCM không có động lực học tập là sai lệch và hoàn toàn trái ngược với chất lượng của giáo dục TP.

Bà khẳng định: “Con số trên không phản ánh đúng thực tế chất lượng ngành giáo dục của TP.HCM đứng đầu cả nước. Nếu con số này là chính xác thì TP.HCM sẽ không còn là nơi thu hút học sinh ở các tỉnh đến theo học. Thêm vào đó, ngành giáo dục TP.HCM có rất nhiều thuận lợi so với các địa phương khác. Thứ nhất là các lực lượng phụ huynh học sinh. Họ hỗ trợ, ủng hộ, phối hợp với ngành giáo dục TP rất chặt chẽ. Thứ hai là sự quan tâm của lãnh đạo TP. Việc này thể hiện ở chỗ những chính sách của ngành giáo dục đưa ra, TP đều đáp ứng”.

Sẽ thực hiện khảo sát lại

Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc sở GD&ĐT TP.HCM cho biết: “Sở GD&ĐT TP.HCM sẽ thực hiện thêm một khảo sát khác. Tuy nhiên, khi thực hiện, theo chỉ đạo của bộ GD&ĐT sẽ có một khảo sát kín kẽ hơn và phải có đối tượng cụ thể. Đối tượng khảo sát chủ yếu của Sở là học sinh THPT chứ không phải cao đẳng, trung cấp, dạy nghề, … Mẫu khảo sát sẽ được đưa đến từng trường chứ không thông qua mạng internet”.

Ngọc Lài