Thế giới

Sự tắc nghẽn “cấp tính” của chuỗi cung ứng

Thương mại toàn cầu đã tăng 25% hàng năm vào năm ngoái lên mức kỷ lục 28,5 nghìn tỷ USD sau khi bị đại dịch Covid-19 tàn phá.

Theo cơ quan phụ trách thương mại và phát triển của Liên hợp quốc (LHQ), thương mại thế giới có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau vào năm 2022, bao gồm tăng trưởng kinh tế chậm hơn dự kiến, gián đoạn chuỗi cung ứng tiếp tục, gia tăng lo ngại về tính bền vững của nợ công, chuyển đổi sang nền kinh tế toàn cầu xanh hơn, các hiệp định thương mại và khu vực hóa thương mại.

Kết quả tích cực

Thương mại toàn cầu đã tăng 25% hàng năm vào năm ngoái lên mức kỷ lục 28,5 nghìn tỷ USD sau khi bị đại dịch Covid-19 tàn phá, một báo cáo từ Hội nghị Thương mại và Phát triển của LHQ (UNCTAD) cho thấy.

Thương mại toàn cầu năm 2021 cũng tăng khoảng 13% so với năm 2019, cơ quan này cho biết trong báo cáo Cập nhật Thương mại Toàn cầu (Global Trade Update), được công bố hôm 17/2. Khối lượng thương mại ở cả 2 mảng hàng hóa và dịch vụ năm ngoái đều tăng theo xu hướng tương tự.

Trong quý IV/2021, thương mại hàng hóa đạt khoảng 5,8 nghìn tỷ USD - một kỷ lục hàng quý mới. Cũng trong quý IV năm ngoái, thương mại dịch vụ đạt 1,6 nghìn tỷ USD, cao hơn một chút so với mức trước đại dịch.

Thương mại ghi nhận kết quả tích cực chủ yếu nhờ sự gia tăng giá cả hàng hóa, sự nới lỏng đối với các hạn chế liên quan đến đại dịch và sự phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu do các gói kích thích kinh tế.

Tuy nhiên, vì những xu hướng này có thể sẽ giảm bớt trong những tháng tới, xu hướng thương mại quốc tế dự kiến sẽ bình thường hóa trong năm nay, UNCTAD cho biết, đồng thời dự báo, tăng trưởng thương mại sẽ chậm lại trong quý đầu tiên của năm 2022.

Theo UNCTAD, giá nhiên liệu cao là nguyên nhân thúc đẩy giá trị thương mại của ngành năng lượng tăng mạnh. Ảnh: Metromile

Tháng trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cắt giảm 0,5 điểm phần trăm dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 xuống còn 4,4% do lạm phát gia tăng, gián đoạn chuỗi cung ứng, biến thể Omicron của Covid-19 hoành hành và những lo ngại liên quan đến lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc.

Hôm 16/2, tổ chức cho vay lớn nhất thế giới cho biết, tăng trưởng toàn cầu đã chậm lại kể từ khi họ đưa ra dự báo cập nhật hồi tháng 1/2022.

Các mô hình thương mại toàn cầu sẽ phản ánh các xu hướng kinh tế vĩ mô này vào năm 2022, với tốc độ tăng trưởng thương mại thấp hơn dự kiến, UNCTAD cho biết.

Sự tắc nghẽn “cấp tính” của chuỗi cung ứng

Trong những tháng qua, cuộc khủng hoảng Covid-19 đã làm trầm trọng thêm những nút thắt của chuỗi cung ứng và làm nổi bật những thách thức đáng kể trong lĩnh vực hậu cần, với việc nhiều khách hàng đang phải vật lộn để tìm container vận chuyển và ứng phó với tình trạng gián đoạn lao động.

Sự tắc nghẽn cấp tính của chuỗi cung ứng đã dẫn đến tắc nghẽn và chậm trễ tại các cảng, thiếu hụt container và chi phí vận chuyển hàng hóa tăng mạnh.

Giá năng lượng tăng đã góp phần tiếp tục gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung và tăng chi phí vận chuyển.

Những nút thắt trong chuỗi cung ứng đã góp phần làm tăng lạm phát. Ảnh: Market Watch

Cơ quan LHQ này cho rằng, nỗ lực của các doanh nghiệp nhằm cải thiện chuỗi cung ứng và đa dạng hóa cơ sở cung ứng của họ cũng có thể ảnh hưởng đến các mô hình thương mại toàn cầu.

"Các công ty lớn đã tập trung mạnh mẽ vào việc cải thiện độ tin cậy và quản lý rủi ro cho mạng lưới cung cấp của họ, nhưng sự chậm trễ vẫn tiếp diễn", UNCTAD nhận định.

Xu hướng khu vực hóa thương mại

Các xu hướng thương mại năm nay cũng được dự đoán sẽ phản ánh nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm bền vững.

“Các mô hình như vậy cũng có thể được hỗ trợ bởi các chính sách của chính phủ điều chỉnh việc buôn bán các sản phẩm carbon cao”, UNCTAD cho biết.

“Hơn nữa, các mô hình thương mại toàn cầu cũng có thể bị ảnh hưởng bởi nhu cầu gia tăng đối với các mặt hàng chiến lược cần thiết để hỗ trợ các giải pháp thay thế năng lượng xanh hơn, như coban, lithium và kim loại đất hiếm”, cơ quan này cho biết thêm.

Mối quan tâm về tính bền vững của nợ công có thể sẽ gia tăng trong những quý tới do áp lực lạm phát ngày càng gia tăng, và điều đó có khả năng ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu năm 2022.

RCEP được coi là thỏa thuận thương mại khu vực lớn nhất trong lịch sử, bao gồm gần 1/3 dân số và GDP của thế giới. Ảnh: Asia Financial

“Việc thắt chặt đáng kể các điều kiện tài chính sẽ làm tăng áp lực lên những chính phủ mắc nợ nhiều nhất, làm tăng khả năng dễ bị tổn thương và ảnh hưởng tiêu cực đến các khoản đầu tư và dòng chảy thương mại quốc tế”, UNCTAD cho biết.

UNCTAD dự đoán rằng, xu hướng khu vực hóa các dòng chảy thương mại sẽ tăng lên trong những tháng tới.

Ví dụ, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), có hiệu lực từ 1/1, tạo thuận lợi cho thương mại giữa nhiều nền kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương. FTA này dự kiến sẽ tăng cường thương mại giữa các thành viên và chuyển hướng thương mại khỏi các nước không phải là thành viên, UNCTAD cho biết.

Xu hướng khu vực hóa các dòng chảy thương mại cũng dự kiến sẽ gia tăng ở các khu vực khác trên thế giới, phù hợp với các sáng kiến khu vực khác - như Khu vực Mậu dịch Tự do Lục địa Châu Phi - và do sự phụ thuộc ngày càng nhiều của các nhà cung cấp gần hơn về mặt địa lý, cơ quan LHQ cho biết.

Minh Đức (Theo The National News, Anadolu Agency)