Hồ sơ điều tra

Sự lộng hành của băng nhóm bảo kê Loan "cá" và nỗi ám ảnh của các tiểu thương

Hay tin Loan "cá" và đồng bọn bị bắt, nhiều nạn nhân đã đến cơ quan công an để tố cáo. Họ hy vọng băng nhóm của Loan sẽ bị xử lý thật nghiêm.

Lộng hành quá lâu

Ngày 7/5, Công an tỉnh Đồng Nai đang tạm giữ hình sự đối với Loan “cá” (tên thật là Lý Thị Loan), Hoàng Thị Tuyết Nhung (tự Nhung Khàn), Lê Trung Hiếu, Đặng Thái Quốc, Đỗ Xuân Dũng, Nguyễn Thành Tín, Nguyễn Văn Tuấn (chồng Loan), Nguyễn Thanh Tuân, Trần Công Đại và Vũ Minh Tiến để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản và cho vay nặng lãi. 

Hiện đã có rất nhiều nạn nhân (khoảng 40 người) đến cơ quan công an tố cáo hành vi của nhóm Loan “cá”.

Loan "cá" cùng đàn em bị bắt.

Sở dĩ bà trùm Lý Thị Loan có biệt danh là Loan “cá” vì trước đây bán cá sỉ ở khu vực chợ Hóa An. Khoảng 6 năm trước, để tranh giành thị phần đầu mối ở chợ cá lớn nhất TP.Biên Hòa, Loan đã quy tụ nhiều thanh niên ăn chơi, có tiền án tiền sự, xăm trổ để thị uy đối thủ.

Để tạo thanh thế cho mình và đám đàn em, Loan bắt đầu đứng ra thu tiền bảo kê người bán hàng rong trước cổng công ty TNHH Pouchen Việt Nam - đối diện chợ Hóa An.

Ở chợ Hóa An, Loan thu của mỗi gian hàng từ 20.000 - 50.000 đồng mỗi ngày.

Vì sợ Loan cùng đám đàn em xăm trổ nên hầu hết các tiểu thương đều không dám ý kiến mà chấp nhận đóng tiền cho Loan. Ai không chịu đóng tiền Loan sẽ đạp đổ, phá nát hàng hóa để dằn mặt, đe dọa.

Sau nhiều năm xây dựng “thương hiệu” nhưng không bị ai "sờ gáy" nên Loan ung dung cùng chồng mở rộng thêm địa bàn. Lúc này, thị phát hiện khu vực gần công ty Changshin Việt Nam khá đông công nhân và người mua bán hàng rong. Qua tìm hiểu, Loan cũng biết ở đây có một số băng nhóm hoạt động nhưng chưa quá mạnh nên Loan quyết định về đây "tác nghiệp". Ban đầu, Loan thuê mặt bằng mở quán nước, bãi giữ xe cho công nhân Khu công nghiệp Thạnh Phú và công ty TNHH Changshin.

Các đối tượng đang bị tạm giữ.

Khi việc làm ăn ổn định, Loan bắt đầu “tấn công” sang mảng bảo kê, thu tiền người buôn bán tại khu vực.

Với khoảng 500 người bán hàng quán ổn định và hàng rong, Loan nhanh chóng thu lợi khủng từ việc bảo kê và khiến cho tiểu thương trong khu vực phải cung phụng vợ chồng Loan và đám đàn em.

Giúp sức cho Loan là chồng và Hoàng Thị Tuyết Nhung (35 tuổi, tự Nhung “Khàn”) là tay anh chị khu vực Hố Nai, TP.Biên Hòa. Nhờ vào tiếng tăm của Nhung và Loan hợp lại, địa bàn này nhanh chóng bị Loan và đàn em thâu tóm.

Để yên ổn làm ăn phải đóng tiền

Băng nhóm của Loan “cá” hoạt động bảo kê từ 7h đến 16h mỗi ngày và ở đây, ai cũng phải đóng tiền, bất kể lớn, bé.

Tối đến, khi khu vực này không còn ai, người của Loan lại dùng xe tải chở những tấm gỗ pallet đến phân lô 2-6 m2, kẻ vạch sơn và ghi tên cụ thể.

"Hôm sau, chúng nói khu vực đó đã có chủ, nếu ai muốn bán thì phải chung chi. Chúng gọi đó là "nộp tiền rác" nên ai cũng phải đóng. Giờ băng nhóm đó bị bắt, chúng tôi thật sự thấy nhẹ nhõm vô cùng”, bà G., người bán hàng rong chia sẻ.

Theo phản ánh của các tiểu thương, tình trạng băng nhóm hoạt động bảo kê tại khu vực này diễn ra từ nhiều năm nay. Thời gian đầu, chúng chỉ hoạt động đơn lẻ, chủ yếu là tranh giành, chiếm chỗ để buôn bán. Tuy nhiên, khi lượng công nhân tập trung về đông, nhu cầu mua, bán hàng hóa thiết yếu tăng lên thì bắt đầu xuất hiện các nhóm đứng ra “xí chỗ” để bán lại cho người dân có nhu cầu buôn bán nhỏ.

Đến nay, khu vực này đều do băng nhóm của Loan "cá” quản lý. Để có chỗ bán hàng ở khu chợ tự phát, người dân phải bỏ tiền thuê lại từ của nhóm của Loan.

Trùm bảo kê Loan "cá".

Anh N.M.K., ngụ xã Thạnh Phú chuyên bán cá biển cho biết, để có được một sạp (pallet) khoảng 2m2 ở khu vực này, anh phải trả cho nhóm của Loan "cá” 1 triệu đồng/tháng.

Hằng tháng, các đối tượng thay nhau đến lấy tiền. Biết là các đối tượng tự đứng ra đặt sạp và thu tiền mặt bằng nhưng vì mưu sinh nên những người như anh K. vẫn phải chấp nhận để có chỗ buôn bán.

Không chỉ anh K., hằng ngày có hàng trăm người buôn bán ở khu chợ tự phát này đều phải đóng tiền mặt bằng cho Loan mới yên ổn làm ăn.

Trao đổi với PV, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú Phạm Lê Nhân cho biết, việc các đối tượng giang hồ đứng ra thu tiền của những người dân buôn bán tại các khu chợ tự phát xung quanh 2 cổng trước và sau của công ty Changshin đã diễn ra từ nhiều năm nay. Nhóm đối tượng này rất manh động, sẵn sàng chống đối lực lượng chức năng làm nhiệm vụ dẹp chợ tự phát. Địa phương cũng đã báo tin lên huyện nhờ can thiệp, xử lý và mong xử lý nghiêm các đối tượng này.